Xin đừng hứa những điều muôn thuở

Vị trí Chủ tịch UBND TP. Hà Nội đã bị bỏ trống từ hôm 7/6. Và sau hơn một tháng, "chiếc ghế" ấy sắp có người tiếp quản vào ngày 22/7.

0
Ông Trần Sỹ Thanh được Bộ Chính trị phân công làm Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội và được giới thiệu để HĐND TP. Hà Nội bầu giữ chức chủ tịch UBND TP. Hà Nội. Ảnh: Thành ủy Hà Nội.

Chiều 15/7, ứng cử viên cho vị trí tân Chủ tịch UBND TP. Hà Nội đã được giới thiệu. Nhiều người thở phào. Mừng hay lo thì nói sau, trước hết là việc Thủ đô sắp có “Đô trưởng” mới.

Không chỉ người dân Hà Nội chờ đợi mà cả nước cùng quan tâm. Vì sao vậy? Vì Hà Nội là Thủ đô nghìn năm văn hiến, là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của cả nước là “Thành phố vì hòa bình”, “Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người”.

Nhưng rồi liên tiếp hai nhiệm kỳ vừa qua, người đứng đầu chính quyền thành phố đã không hoàn thành nhiệm vụ, đã có lỗi lớn với Nhân dân Thủ đô và cả nước. Những lời hứa hẹn khá là trơn tru đã theo chân các ông vào vòng lao lý. Càng thấm lời cổ nhân: Quyền hành khi được trao không đúng sẽ làm hư hỏng biết bao con người, làm hỏng cả một xã hội.

Thôi xin không nhắc lại những lời hứa ấy. Nhưng với vị trí Chủ tịch mới thì Nhân dân thành phố có quyền đòi hỏi anh phải thật sự xứng đáng. Đó là kỳ vọng, niềm tin, là vinh dự lớn đối với cá nhân, đồng thời cũng là trách nhiệm nặng nề. Thông thường trong ánh hào quang, người được trao tấm áo mới nghĩ nhiều hơn đến bó hoa trước ngực mà quên mất gánh nặng trên vai.

Nhưng nhiều người đặt hi vọng ở Phó Bí thư Thành ủy Trần Sỹ Thanh – người được giới thiệu cho vị trí Chủ tịch mới của UBND TP. Hà Nội.

Ông là Trần Sỹ Thanh, năm nay 51 tuổi, được đào tạo cơ bản, đã tham gia ba khóa Trung ương (Ủy viên Trung ương dự khuyết khóa XI, Ủy viên chính thức khóa XII và XIII), cùng rất nhiều chức vụ đã kinh qua, như Tổng kiểm toán Nhà nước, Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ nhiệm Văn phòng QH, Phó ban Kinh tế Trung ương, v.v..

Nếu nhìn vào “tiểu sử” thì đó là một trang rất đẹp. Một cán bộ được liên tục luân chuyển để đào tạo, mặc dù thời gian thường không dài, nay sắp được đặt vào ghế nóng, sẽ là dịp để phát huy sở trường, bộc lộ tài năng, tầm vóc.

Ông Trần Sỹ Thanh khi trúng cử Chủ tịch sẽ giải bài toán khó đang đặt ra cho Hà Nội như thế nào? Đương nhiên, ông phải chịu sự lãnh đạo của Thành ủy, của tập thể, nhưng vai trò cá nhân của người đứng đầu bộ máy UBND  thời kinh tế số, chính quyền số là vô cùng quan trọng.

Mấy bác lão thành nói ngắn gọn thế này: Chủ tịch Hà Nội phải có bàn tay sạch, phải có tâm, có tầm, có tài, phải dứt điểm từng công việc với thời gian cụ thể, để xóa đi câu thành ngữ buồn đã kéo dài hơn hai thập niên “Hà Nội không vội được đâu”.

Đấy là định hướng, nhưng còn định lượng? Định lượng ấy theo chúng tôi đã được xác định khá rõ qua các Nghị quyết của Bộ Chính trị, của Thành ủy, các kỳ họp HĐND. Cần nhắc lại một câu muôn thuở: Thực tiễn là tiêu chuẩn của chân lý, cứ làm đi rồi thực tiễn sẽ cho ta câu trả lời.

Hãy bắt tay ngay vào những việc mà người dân thành phố đang bức xúc: Sự phát triển quá nóng về đô thị dẫn đến tình trạng ô nhiễm không khí nặng nề. Sông Tô lịch, dòng sông chết tức tưởi bao năm bao giờ mới sống lại? Bãi rác Nam Sơn cứ vài tháng lại “bốc mùi”. Nhiều khu đất vàng bị bỏ hoang hàng mấy chục năm, được coi là “nghĩa địa chôn tiền”. Đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông đưa vào vận hành quá chậm và càng chạy càng lỗ. Đường sắt trên cao Nhổn – Kim Mã vẫn chình ình ra đó như một bộ xương khủng long phơi nắng phơi mưa ở cửa ngõ phía tây thành phố.

Không chỉ vậy, những trận mưa lớn bất ngờ dội xuống chỉ chừng một giờ đồng hồ là “Hà Nội mùa này phố cũng như sông” (!), người dân lắc đầu bảo rằng, ở Hà Nội ông cấp nước ngồi nhầm chỗ ông thoát nước.

Gần đây, ngay trong những ngày tháng 7 này, dư luận đang sôi sùng sục vì một số tuyến đường cửa ngõ đang gồng mình gánh những đoàn xe kẹt cứng kéo dài vào giờ cao điểm. Ai là người đã băm nát quy hoạch thủ đô, cho xây dựng các khu chung cư bừa bãi, vượt số tầng quy định tại khu vực hai bên tuyến đường Lê Văn Lương, Tố Hữu, Nguyễn Thanh Bình và khu đô thị Trung Hòa – Nhân Chính, dẫn đến tình trạng vỡ trận về quy hoạch, về giao thông, môi trường?

Đó chỉ là phần nổi của tảng băng. Nhìn sâu vào bộ máy hành chính của Hà Nội còn biết bao chuyện trì trệ, phiền hà. Tham nhũng vặt, thái độ thờ ơ vô cảm của một bộ phận công chức chính quyền… Đây là những khuyết điểm kéo dài đã được báo chí nêu công khai. Mà phần lớn những việc này thuộc thẩm quyền của người đứng đầu bộ máy hành chính thành phố.

Hãy bắt đầu ngay bây giờ và ở đây. Người đầu tiên cần đối thoại là chính mình. Đương nhiên “bài toán Hà Nội” là một bài toán khó. Nhưng trong khó khăn, trong thử thách thường xuất hiện anh hùng, xuất hiện một tầm nhìn vượt thoát.

Trong bài toán tổng thể ấy, anh sẽ giải bài nào trước? Công việc đầu tiên mà tân Chủ tịch Hà Nội sẽ làm là gì? Chúng ta cùng chờ đợi và ủng hộ. Chỉ mong tân Chủ tịch học được những bài học tốt nhất từ các vị lãnh đạo tiền bối của Thủ đô ta. Không nên vội hứa mà nên vội làm. Và xin đừng hứa những điều muôn thuở: “Sẽ cùng với tập thể lãnh đạo, ghé vai gánh vác, phát huy dân chủ, đoàn kết…”. Những vết xe đổ cho ta kinh nghiệm của người lái chứ không phải kinh nghiệm của con đường.

Chiều 15/7, HĐND TP. Hà Nội đã có giấy triệu tập kỳ họp thứ 8, HĐND TP. Hà Nội khóa XVI, nhiệm kỳ 2021 – 2026 (kỳ họp chuyên đề) để xem xét, quyết định một số nội dung thuộc thẩm quyền. Theo đó, kỳ họp diễn ra vào chiều 22/7 để xem xét, bầu chức danh Chủ tịch UBND TP. Hà Nội.

Tân Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Trần Sỹ Thanh được Bộ Chính trị giới thiệu để HĐND TP. Hà Nội bầu giữ chức Chủ tịch UBND TP. Hà Nội.

Theo Hải Đường

Link gốc: https://nhadautu.vn/xin-dung-hua-nhung-dieu-muon-thuo-d67934.html