Xét công nhận chức danh GS, PGS 2023: Lại lùm xùm bài báo khoa học

Sau khi Hội đồng Giáo sư Nhà nước (HĐGSNN) công bố danh sách ứng viên được HĐGS cơ sở đề xuất xét công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2023, một lần nữa hồ sơ khoa học của một số ứng viên lại khiến dư luận lo ngại về chất lượng bài báo khoa học.

Giá trị của học hàm GS hay PGS nằm ở việc đóng góp cho nghiên cứu và đào tạo

“Cưới chạy”

HĐGSNN vừa công bố danh sách 695 ứng viên được HĐGS cơ sở đề nghị xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư (GS, PGS) năm 2023. Như vậy, so với năm 2022, danh sách đề nghị xét đạt chuẩn chức danh GS, PGS năm nay tăng thêm 249 người (năm 2022 có 446 ứng viên).

So với những năm trước, khi Quyết định 37 của Chính phủ quy định về xét công nhận tiêu chuẩn chức danh GS,PGS có hiệu lực từ năm 2018, đến giờ, hồ sơ khoa học của các ứng viên có vẻ ít “sạn” hơn. Tuy nhiên, vấn đề của năm nay nổi lên là một số ứng viên có bài báo khoa học đăng trên tạp chí tăng đột biến trong thời gian một, hai năm trước khi nộp hồ sơ xét duyệt.

Ghi nhận cho thấy một ứng viên PGS của ngành Luật có bằng tiến sĩ năm 2011. Sau 10 năm nhận bằng tiến sĩ, từ năm 2021 – 2023 ứng viên này viết 4 bài báo khoa học đăng trên tạp chí quốc tế và 1 bài viết đăng trên kỷ yếu hội thảo quốc tế.

Có ứng viên ngành khác 10 năm không viết bài báo tiếng Anh nào nhưng trong 6 tháng đầu năm 2023 lại có 5 bài đăng trên tạp chí khoa học quốc tế, trung bình mỗi tháng một bài.

Ngoài ra còn có ứng viên đăng số lượng bài siêu khủng như một ứng viên PGS ngành Kinh tế, từ năm 2020 ứng viên này đăng 8 bài báo, trong đó ứng viên là tác giả chính 6 bài trong nước, 2 bài là đồng tác giả. Năm 2021, ứng viên đăng 10 bài báo, trong đó ứng viên là tác giả chính của 1 bài quốc tế và 5 bài trong nước; là tác giả độc lập của 3 bài báo quốc tế nhưng không khai trong hồ sơ. Ứng viên cũng không khai 2 bài trong cùng 1 số năm 2021 trong tạp chí Journal of Management Information and decision sciences và 1 bài trong tạp chí PalArch’s Journal of Archaeology of Egypt năm 2021.

Năm 2022, ứng viên này đăng tổng cộng 16 bài báo, trong đó có 8 bài ứng viên là tác giả chính (3 bài quốc tế, 5 bài trong nước), 5 bài ứng viên là tác giả duy nhất (4 bài quốc tế + 1 bài trong nước). Cũng trong năm 2022, ứng viên còn không khai 2 bài báo ứng viên là tác giả duy nhất đăng trên tạp chí Văn Hiến University Journal of Science và tạp chí Economics-Law and Management.

Trong vòng 6 tháng đầu năm 2023, ứng viên đã đăng 11 bài báo là tác giả chính và 1 bài là đồng tác giả.

Ngoài hiện tượng “cưới chạy”, hồ sơ khoa học ứng viên năm nay vẫn gặp phải tình trạng đăng bài trên các tạp chí săn mồi (tạp chí lấy tiền người đăng bài, kém chất lượng), tạp chí rởm. Có ứng viên đăng bài trên tạp chí bán dẫn nhưng lại bàn về Khmer và Mỹ học Ấn Độ.

Trong HĐGS liên ngành Triết học – Xã hội học – Chính trị học, HĐGS liên ngành Văn hóa – Nghệ thuật – Thể dục Thể thao có một số ứng viên chọn đăng ở tạp chí của Namibian (châu Phi).

Cần hậu kiểm

TS Phạm Hiệp, Giám đốc Nghiên cứu, Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Giáo dục EdLab Asia khẳng định hồ sơ của các ứng viên năm nay tương đối chất lượng so với mọi năm. Tuy nhiên, vẫn còn những hồ sơ dưới sàn quy định lọt lưới. Ông Hiệp đánh giá những HĐGS cơ sở làm việc nghiêm túc, khắt khe, đưa lên danh sách ứng viên chất lượng, sát với yêu cầu của HĐGSNN. Nhưng có những Hội đồng vì lí do nào đó nên xem xét, lựa chọn ứng viên theo kiểu 50-50 nên có tình trạng ứng viên chưa đạt yêu cầu vẫn nằm trong danh sách trình HĐGS ngành xem xét.

Nói về tình trạng “cưới chạy” bài báo khoa học quốc tế để làm hồ sơ xét công nhận chức danh GS, PGS, ông Hiệp cho hay có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Nhưng nguyên nhân chính vẫn là từ yêu cầu tiêu chuẩn của Quyết định 37, ứng viên sẽ tìm mọi cơ hội để đáp ứng tiêu chuẩn theo quy định.

Nhưng vấn đề là ứng viên sau khi đạt chức danh, được bổ nhiệm có tiếp tục nghiên cứu, tiếp tục công bố quốc tế nữa hay không mới là điều đáng bàn. Bởi nếu mục đích chỉ là để đủ tiêu chuẩn xét công nhận GS, PGS thì cần phải có cơ chế đào thải.

Ông Hiệp thông tin thực tế qua nghiên cứu của nhóm do ông phụ trách có những người làm xong PGS hay GS là dừng hẳn công bố khoa học. “Cơ chế hiện nay là HĐGSNN công nhận tiêu chuẩn chức danh, các cơ sở đào tạo ĐH, viện nghiên cứu bổ nhiệm GS, PGS. Tuy vậy, đây vẫn là chức danh gắn suốt đời với người được công nhận vì chưa thấy trường nào bổ nhiệm lại, hay không bổ nhiệm lại”, ông Hiệp nói. Chính vì vậy cần phải có chính sách rõ hơn để GS, PGS thực sự phải gắn với môi trường nghiên cứu, đào tạo.

Trước đó, ngay từ khi bắt đầu kế hoạch xét công nhận tiêu chuẩn chức danh GS, PGS 2023, HĐGSNN có văn bản đề nghị các HĐGS cơ sở, HĐGS ngành, liên ngành, các đại học, trường đại học, học viện, viện nghiên cứu khoa học được phép đào tạo trình độ tiến sĩ xem xét về chuyên môn – học thuật, tính liêm chính khoa học. Đề nghị thẩm định kỹ chất lượng tạp chí và chất lượng các công trình khoa học. Lưu ý phát hiện, xem xét và đánh giá các công trình khoa học sử dụng hoặc có sự trợ giúp của các công cụ sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI). Tổ chức thảo luận và có kết luận đánh giá những công trình khoa học này.

Năm nay, trong danh sách ứng viên được các HĐGS cơ sở đề cử, có một số ngành “trắng” ứng viên GS như ngành Luyện kim, Tâm lý học, liên ngành Văn hóa – Nghệ thuật – Thể dục Thể thao, Xây dựng – Kiến trúc. Đặc biệt có ngành “trắng” ứng viên GS hai năm liên tiếp là ngành Ngôn ngữ học, Giáo dục học, Dược học, Văn học. Đây cũng là những ngành có rất ít ứng viên được đề nghị công nhận tiêu chuẩn.

Tác giả: Nghiêm Huê

Nguồn: tienphong.vn