Xe vận tải biển số Lào “đại náo” đường Việt

Thực trạng xe vận tải mang BKS Lào đang có “lợi thế” hơn nhiều so với dòng xe Việt trong quá trình lưu thông, vận chuyển hàng hóa trên tuyến Việt Nam – Lào đã và đang nảy sinh một số bất cập…

0
Nhiều xe BKS Lào đang “đại náo” trên các tuyến đường bộ Việt Nam với những “ưu đãi” riêng khiến doanh nghiệp vận tải trong nước gặp nhiều khó khăn

Không chỉ vậy, nhiều doanh nghiệp vận tải sở hữu xe biển kiểm soát (BKS) Việt Nam hiện nay cho rằng, nếu tình trạng xe gắn BKS Lào được phép chở tải trọng trên dưới 70 tấn hàng hóa lưu thông trên các cung đường bộ Việt Nam thì sẽ nảy sinh nhiều bất công so với các quy định pháp luật trong nước đang áp dụng.

Xe vận tải biển Việt “lép vế” trước xe biển Lào

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, theo quy định tại điểm d, khoản 2, Điều 17 Thông tư 46/2015/TT-BGTVT ngày 07/9/2015 áp dụng đối với tất cả các phương tiện vận tải trong nước chỉ được phép chở tải trọng tối đa lớn hơn hoặc bằng 48 tấn nếu tổ hợp xe đầu kéo sơmi rơ moóc có tổng số trục dài hơn 6,5m. Đến nay, các quy định về giới hạn tải trọng đối với các phương tiện lưu thông trên các cung đường Việt Nam vẫn được áp dụng theo Thông tư 46/2015/TT-BGTVT quy định để thực hiện.

Trong khi đó, đối với xe tải trọng gắn BKS Lào loại 26-28 bánh với 02 toa kéo lại được phép gánh trên dưới 70 tấn lưu thông sau khi quá cảnh, thông quan qua các cửa khẩu vẫn vô tư “đại náo” trên các cung đường bộ Việt Nam.

Xét về góc độ năng lực vận tải, hiệu quả chuyên chở hàng hoá, rõ ràng các phương tiện mang BKS Việt Nam đang “lép vế” so với phương tiện mang BKS Lào. Điều này cũng đồng nghĩa với con số hiệu quả kinh doanh dịch vụ của phương tiện mang BKS Việt Nam sẽ “thấp cổ, bé họng” khi cạnh tranh với các phương tiện mang BKS Lào khi tham gia hoạt động vận tải liên vận Việt – Lào và ngược lại.

Nguyên cơn của vấn đề này tồn tại lâu nay là bởi từ khi Nghị định thư được ký kết giữa 02 quốc gia Lào – Việt Nam được chính thức thực hiện. Cụ thể, vào ngày 15/9/2010, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ GTVT Việt Nam đã ký với Bộ trưởng Bộ Công chính và Vận tải Lào bản Nghị định thư thực hiện Hiệp định tạo điều kiện thuận lợi cho phương tiện cơ giới đường bộ qua lại biên giới giữa Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và Chính phủ nước CHDCND Lào, có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 12 năm 2010. Nghị định thư này gồm 10 chương, 42 điều khoản thực hiện dành chung cho cả 2 nước Việt Nam và Lào.

Tuy nhiên, tại khoản 1 Điều 4 Hiệp định về tạo điều kiện thuận lợi cho phương tiện cơ giới đường bộ qua lại biên giới giữa Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và Chính phủ nước CHDCND Lào quy định rất rõ là “Phương tiện khi hoạt động trên lãnh thổ của Bên kia phải tuần thủ pháp luật và quy định về giao thông vận tải đường bộ của Bên đó”. Đáng quan tâm, thực tế hiện nay ở một số tỉnh khu vực miền Trung, nơi tập trung các doanh nghiệp đăng ký vận tải quốc tế liên vận Việt – Lào lại không được áp dụng như vậy.

“Bấp bênh” trong kiểm soát tải trọng

Theo đại diện Hiệp hội vận tải tỉnh Nghệ An, một điều bất cập quá rõ ràng hiện nay, đó là phía cơ quan chức năng nước bạn Lào cấm “xe không” mang BKS Việt Nam qua địa phận để nhận hàng hóa; một số mặt hàng được xe biển Việt chở sang nhưng vẫn không cho bốc hàng trở về Việt Nam;… Trong khi đó, ở vị thế ngược lại, những chủ thể là người Việt đầu tư xe mang BKS Lào lại đang được “ưu tiên” hơn. Phải chăng, có hay không việc tồn tại sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các đơn vị vận tải khi đa phần đều có chung một chủ thể là người Việt?

Tuy nhiên, chiếu theo Nghị định thư thực hiện Hiệp định tạo điều kiện thuận lợi cho phương tiện cơ giới đường bộ qua lại biên giới giữa Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và Chính phủ nước CHDCND Lào, ký tại Hà Nội ngày 15 tháng 9 năm 2010, có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 12 năm 2010, việc cơ quan chức năng Lào không cho “xe không” Việt Nam vào địa phận nước mình là trái với quy định.

Mặt khác, theo thống kê sơ bộ, tại các tỉnh có chung đường biên giới Việt – Lào nói chung, 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh nói riêng, tính đến nay các hộ kinh doanh cá thể đã mua hàng loạt xe đầu kéo ở nước bạn Lào và đăng ký BKS bên đó đã có gần 1.000 xe và đa phần là người Việt đầu tư.

“Vậy, câu hỏi đặt ra là liệu các địa phương có đang để chảy mất một dòng tiền và nguồn thuế lớn khi không hề để ý đến việc người Việt đầu tư mua xe gắn BKS Lào?” – đại diện chủ một doanh nghiệp vận tải liên vận Việt – Lào địa chỉ tại TP Vinh nêu ý kiến.

Điều này đã gây sự bức xúc, nhức nhối trong dư luận, nhất là đối với những đơn vị vận tải có dòng xe mang BKS Việt thường xuyên lưu thông, vận chuyển hàng hóa trên tuyến đường bộ liên vận Việt – Lào.

Không chỉ phải đối mặt với những bất công khi so sánh với dòng xe tải mang BKS Lào, những “ma trận” được tạo ra bởi loại xe tư nhân cũng đang là một vấn đề nan giải khiến cho nhiều đơn vị kinh doanh vận tải trong nước gặp cảnh lao đao, lận đận trong suốt thời gian qua. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp đang phải loay hoay tìm lời giải cho chính công ty kinh doanh vận tải phải “gánh” đầy đủ các loại thuế theo quy định của Nhà nước.

“Liên quan đến những tồn tại bất cập nêu trên, các cấp ban, ngành cần phải có những giải pháp kịp thời để giải quyết những tồn đọng cũng như tạo mọi cơ chế, chính sách giúp doanh nghiệp vận tải trong nước đứng vững trong bối cảnh hiện nay”, đại diện Hiệp hội vận tải tỉnh Nghệ An kiến nghị.

Theo Ngọc Thái – Hồng Quang

Link gốc: https://diendandoanhnghiep.vn/xe-van-tai-bien-so-lao-dai-nao-duong-viet-247002.html