Xe biển Lào “nhiều không” vô tư lưu thông trên đường Việt
Không phải đóng phí đường bộ; không đảm bảo kích thước về thành thùng xe; không chịu sự kiểm soát về tải trọng giới hạn cho phép; không bị kiểm tra, ngăn chặn…
Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp vận tải ở khu vực miền Trung không dám cho phương tiện của mình hoạt động vì càng chạy càng lỗ. Đây đang là thực trạng tồn tại suốt thời gian qua về việc các phương tiện vận tải theo mô hình xe kéo xe loại 26-28 bánh trục (còn gọi là xe 2 khúc) gắn biển kiểm soát Lào chở 70 tấn hàng vượt tải trên dưới 200 % so với quy định mà pháp luật Việt Nam cho phép nhưng vẫn ngang nhiên lưu thông trước sự ngó lơ của cơ quan chức năng?.
Xe biển Lào “bát nháo” trên đường Việt
Đáng quan tâm, đối với các khoản thuế phí đường bộ theo quy định doanh nghiệp đăng ký biển kiểm soát trong nước bắt buộc phải đóng, phải nộp thì phương tiện gắn biển kiểm soát Lào lại không phải thực hiện nghĩa vụ này. Điều này cũng đồng nghĩa, xe vận tải biển Lào nghiễm nhiên được phép sử dụng miễn phí các khoản thuế, phí đường bộ khi vào Việt Nam.
Chưa hết, riêng với dòng xe 2 khúc biển kiểm soát Lào hiện nay khi nhập cảnh vào địa phận Việt Nam qua các cửa khẩu khu vực miền Trung với tải trọng lên tới trên 70 tấn nhưng xe tải gắn biển kiểm soát trong nước chỉ được phép chở tới đa không quá 48 tấn. Quy định này nêu rất rõ tại điểm d khoản 2 Điều 17 Thông tư 46/2015/TT-BGTVT ngày 7/9/2015 của Bộ GTVT Việt Nam.
Qua tìm hiểu chúng tôi còn biết thêm, đối với dòng xe 2 khúc, hiện tại Việt Nam không cho phép đăng ký, đăng kiểm để lưu hành. “Tuy nhiên, các xe vận tải Lào loại này vẫn được nhập cảnh vào Việt Nam và ngang nhiên di chuyển từ các cửa khẩu về các cảng biển khu vực miền Trung.
Điều này là một sự bất công rất lớn đối với các xe vận tải Việt Nam. Nếu trường hợp vẫn cho xe nước ngoài loại này vào lãnh thổ tại sao không cho các doanh nghiệp đóng và lưu hành loại phương tiện vận tải này?” – một số doanh nghiệp vận tải ở khu vực miền Trung bức xúc.
Thực trạng này cũng tạo ra sự cạnh tranh thiếu công bằng khi nhiều cá nhân, tổ chức có thể dễ dàng sang Lào để “phù phép” phương tiện rồi gắn biển kiểm soát Lào vô tư nhập cảnh qua Việt Nam để chở hàng hoá. Bài toán về vấn đề kiểm soát tải trọng so với với giới hạn tải trọng lưu thông cho phép trên đường bộ Việt Nam đối với phương tiện biển kiểm soát trong nước và Lào không khó tìm lời giải.
Chính vì vậy, vấn đề vì sao các cơ quan chức năng lại không có động thái cương quyết, dứt khoát đối với loại phương tiện biển kiểm soát Lào khi chở hàng hoá có tải trọng vượt quá giới hạn chịu tải của đường bộ Việt Nam theo quy định hiện nay?
Cơ quan chức năng “nhắm mắt” cho qua?
Chính phủ Việt Nam và Lào đã ký Hiệp định tạo điều kiện thuận lợi cho phương tiện cơ giới đường bộ qua lại biên giới giữa hai nước ký ngày 13/04/2009 và Nghị định thư, ký tại Hà Nội ngày 15/09/2010, có hiệu lực kể từ ngày 15/12/2010 để thực hiện Hiệp định này.
Và, theo đúng nội dung và tinh thần của Hiệp định và Nghị định thư, các xe vận tải khi thông quan vào lãnh thổ của nước sở tại phải chấp hành pháp luật của nước đó. Tuy nhiên, suốt nhiều năm nay, các xe vận tải biển Lào đang được ưu tiên bốc hàng hóa từ Lào về Việt Nam và ngược lại bốc hàng hóa từ Việt Nam sang Lào.
Khi trực tiếp đặt vấn đề đứng ra đấu tranh công khai về những vấn đề nói trên, nhiều doanh nghiệp tâm sự với phóng viên xin được giấu tên bởi tâm lý e ngại: đấu tranh sẽ tránh đâu? Bởi với môi trường cạnh tranh không công bằng, hơn ai hết, doanh nghiệp vận tải đăng ký biển kiểm soát trong nước bắt buộc phải thu mình dè chừng nhưng trong sâu thẳm không nguôi ấm ức. Thậm chí với những văn bản kiến nghị lên Trung ương, họ cũng chỉ dám nói thực trạng như vậy và cầu cứu các cơ quan chức năng sớm vào cuộc kiểm tra, xử lý để dành cho doanh nghiệp vận tải trong nước khi xuất, nhập cảnh còn có một con đường…sống.
Theo đại diện một số doanh nghiệp phản ánh, hiện tại Chính phủ Lào không cho các xe vận tải Việt Nam thùng rỗng qua Lào để bốc hàng về các cảng biển Việt Nam, dẫn đến tình trạng xe Việt Nam dường như không có hàng hóa để vận chuyển, gây nhiều khó khăn, thiệt hại cho các đơn vị vận tải Việt Nam.
“Chúng tôi cũng đã khiếu nại, phản ánh rất nhiều lần nhưng các cơ quan chức năng rất thờ ơ, không giải quyết. Liệu có một sự cấu kết, bao che và làm ngơ của các cơ quan chức năng đối với các xe vận tải Lào chở hàng hóa vào lãnh thổ Việt Nam, trong khi các xe vận tải Việt Nam đang gồng gánh trên mình rất nhiều khoản thuế và phí mà xe vận tải Lào dường như không phải chịu chi phí gì?
Đây là một vấn nạn đã tồn tại nhiều năm, gây bất lợi cho các doanh nghiệp vận tải Việt Nam và thất thu thuế của Nhà nước. Với mong muốn tạo ra sự công bằng cho tất cả mọi thành phần kinh tế trên lãnh thổ Việt Nam, chúng tôi rất mong các quý cơ quan vào cuộc để làm rõ vấn đề này một cách thấu đáo, hợp tình hợp lý” – đại diện các doanh nghiệp vận tải bức xúc.
Khi được hỏi về vấn đề các phương tiện cơ giới biển kiểm Lào khi nhập cảnh vào Việt Nam có phải đăng ký, đăng điểm theo quy định của pháp luật Việt Nam không thì đại diện lãnh đạo phòng quản lý phương tiện Sở GTVT Nghệ An cũng không định là không. Điều này cũng đồng nghĩa với việc kiểm soát phương tiện biển Lào khi vào Việt Nam cũng đang được “thả nổi” để vô tư lưu hành và chở hàng với tải trọng khủng mà không hề bị kiểm tra, kiểm soát trong suốt thời gian qua?!
Thực trạng này cũng đang gây bất công khi xe mang biển số Việt Nam bị hạn chế và phải đáp ứng rất nhiều điều kiện của nhà nước Lào mới được nhập cảnh vào nước bạn. Trong khi đó, xe mang biển kiểm soát Lào thì gây đại náo giao thông đường bộ Việt Nam thì không có cơ quan chức năng nào xử lý?
Tác giả: Ngọc Thái
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn