Vụ tranh chấp về hợp đồng mua bán nước thô ở Nghệ An: Vì sao bị đơn kháng cáo?

Liên quan đến vụ tranh chấp hợp đồng mua bán nước thô giữa Công ty TNHH MTV cấp nước Sông Lam và Công ty CP cấp nước Nghệ An (bị đơn), sau khi TAND tỉnh Nghệ An tuyên án sơ thẩm, bị đơn đã kháng cáo.

0
Vụ việc tranh chấp về hợp đồng mua bán nước thô giữa Công ty CP cấp nước Nghệ An và TNHH MTV cấp nước Sông Lam đến nay vẫn chưa có hồi kết

Vụ việc kéo dài đã lâu nhưng đến nay vẫn được dư luận đặc biệt quan tâm bởi ngay cả nguyên đơn và bị đơn vẫn chưa thể tìm được tiếng nói chung vì cả 2 đều đưa ra các lý do để đấu tranh đòi quyền và lợi ích liên quan của mình.

Bị đơn kháng cáo

Trước đó, trong các ngày 10/01/2022, 20/01/2022 và ngày 22/6/2022, Toà án nhân dân (TAND) tỉnh Nghệ An đã đưa vụ án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 09/2021/TLST-KDTM ngày 06/7/2021 về việc tranh chấp hợp đồng mua bán nước thô giữa Công ty TNHH MTV cấp nước Sông Lam (tiền thân là Công ty CP cấp nước Sông Lam) và Công ty CP cấp nước Nghệ An (tiền thân là Công ty TNHH MTV cấp nước Nghệ An) ra xét xử công khai.

Sau nhiều ngày xét xử, đến ngày 22/6/2022, TAND tỉnh Nghệ An đã tuyên án bằng bản án số 03/2022/KDTM-ST. Theo đó, Toà quyết định chấp nhận một phần nội dung yêu cầu khởi kiện của Công ty TNHH MTV cấp nước Sông Lam: Buộc Công ty CP cấp nước Nghệ An phải thanh toán cho Công ty TNHH MTV cấp nước Sông Lam số tiền nợ nước thô từ tháng 10/2019 đến ngày 31/01/2021 với số tiền là 99.239.825.685 đồng. Riêng vụ việc liên quan đến quyền khởi kiện về khoản lãi phạt theo hợp đồng và lãi phạt theo luật cho các đương sự bằng vụ kiện khác.

Bên cạnh đó, bản án cũng tuyên không chấp nhận yêu cầu phản tố của Công ty CP cấp nước Nghệ An về việc tuyên bố Hợp đồng mua bán nước thô số 04/2015/HĐ-MBNT ngày 04/02/2015 giữa Công ty CP cấp nước Sông Lam và Công ty TNHH MTV cấp nước Nghệ An vô hiệu và giải quyết hậu quả của hợp đồng vô hiệu kể từ ngày 04/02/2015. Không chấp nhận yêu cầu phản tố của Công ty CP cấp nước Nghệ An về việc tuyên bố chấm dứt Hợp đồng mua bán nước thô số 04/2015/HĐ-MBNT ngày 04/02/2015 giữa Công ty CP cấp nước Sông Lam và Công ty TNHH MTV cấp nước Nghệ An…

Sau khi có bản án sơ thẩm nói trên của TAND tỉnh Nghệ An, bị đơn là Công ty CP cấp nước Nghệ An đã có đơn kháng cáo gửi Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An và Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội.

Con gà hay quả trứng có trước?

Theo đơn kháng cáo, việc TAND tỉnh Nghệ An xét xử sơ thẩm cho rằng Hợp đồng mua bán nước thô ngày 04/02/2015 đến nay vẫn còn hiệu lực là hoàn toàn không đúng sự thật khách quan và trái quy định của pháp luật.

Đơn kháng cáo của Công ty CP cấp nước Nghệ An cũng nhấn mạnh, việc Tòa án cấp sơ thẩm bác bỏ nội dung đơn phản tố của bị đơn là không tôn trọng sự thật khách quan và không đúng quy định pháp luật.

Theo đó, nội dung thỏa thuận và ký kết giữa UBND tỉnh Nghệ An với Công ty CP cấp nước Sông Lam, cũng như giữa Công ty CP cấp nước Sông Lam với Công ty TNHH MTV cấp nước Nghệ An ngày 28/01/2015 và ngày 04/2/2015 có nhiều vấn đề pháp lý cần phải được xem xét một cách khách quan, toàn diện, đúng quy định của pháp luật.

Công ty CP cấp nước Nghệ An cho rằng lẽ ra UBND tỉnh Nghệ An phải tổ chức đấu thầu, vì tại địa phương khi ấy không phải chỉ có một mình Công ty CP cấp nước Sông Lam kinh doanh lĩnh vực này. Mặt khác, việc chỉ định thầu chỉ áp dụng đối với trường hợp mua bán hàng hóa không quá 01 tỷ đồng, nhưng trong việc bán nước thô của Công ty CP cấp nước Sông Lam thì giá trị hàng hóa rất lớn, lên đến hơn 2.000 tỷ đồng nếu tính theo lộ trình Dự án từ năm 2016 đến năm 2030.

Một điều bất thường là mãi đến ngày 10/12/2015, dự án nước thô của Công ty CP cấp nước Sông Lam mới được hoàn thành và đưa vào sử dụng. Thế́ nhưng, trước đó Công ty này vẫn được UBND tỉnh Nghệ An chấp thuận và vẫn ký kết văn bản “Thỏa thuận thực hiện dịch vụ cấp nước thô” từ ngày 28/01/2015 và vẫn được ký kết “Hợp đồng mua bán nước thô” từ ngày 04/02/2015 khi Công ty này vẫn chưa hoàn thành xong dự án và khi chưa đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật?!.

Chưa hết, UBND tỉnh Nghệ An cũng đã quyết định giá bán nước thô ở cùng một thời điểm cho 02 doanh nghiệp trên cùng một địa bàn với mức giá chênh lệch nhau rất lớn. Cụ thể, vào ngày 28/01/2015 Công ty TNHH MTV cấp nước Nghệ An ký “Hợp đồng kinh tế” với Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Nghệ An về việc mua nước thô từ nguồn nước sông Đào với giá 630 đồng/m3. Thời điểm này UBND tỉnh Nghệ An đang là chủ sở hữu 100% vốn của Công ty TNHH MTV cấp nước Nghệ An.

Nhưng cùng ngày 28/01/2015 UBND tỉnh này lại ký “Thỏa thuận thực hiện dịch vụ cấp nước thô” với Công ty CP cấp nước Sông Lam để chỉ đạo Công ty TNHH MTV cấp nước Nghệ An ký “Hợp đồng mua bán nước thô” số 04/2015/HĐ-MBNT, ngày 04/02/2015 với mức giá nước thô từ nguồn nước sông Lam là 1.950 đồng/m3.

Trong khi đó, thời điểm ngày 28/01/2015 nói trên, Công ty TNHH MTV cấp nước Nghệ An là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, mọi hoạt động tài chính và nhân sự đều do UBND tỉnh Nghệ An quyết định và chỉ đạo.

Theo Nhóm PV

Link gốc: https://diendandoanhnghiep.vn/vu-tranh-chap-ve-hop-dong-mua-ban-nuoc-tho-o-nghe-an-vi-sao-bi-don-khang-cao-230596.html