Vụ sông Lam đang bị “rút ruột” bởi cát tặc: Tỉnh Nghệ An chỉ đạo gì?

“Chủ tịch UBND cấp huyện chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh khi để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn mà không xử lý hoặc để diễn ra kéo dài...”

0
Những con tàu “ngủ ngày cày đêm” ở phía hạ nguồn trên dòng sông Lam đoạn chảy qua huyện Nam Đàn, Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An

Đó là một trong những nội dung quan trọng mà Sở TN&MT tỉnh Nghệ An tham mưu UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo các Sở, ngành có liên quan, Chủ tịch UBND các huyện, thành, thị trên địa bàn để triển khai phương án đấu tranh, phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật trong hoạt động khoáng sản.

Tăng cường kiểm tra, giám sát

Trước đó, như Diễn đàn Doanh nghiệp đã đưa tin, tình trạng “cát tặc” lộng hành vào ban đêm trên sông Lam đang diễn ra rất phức tạp, gây thất thoát nguồn tài nguyên quốc gia, ảnh hưởng đến đời sống sản xuất của bà con nhân dân.

Sau khi nắm tình hình và phản ánh của báo chí, mới đây, Sở TN&MT tỉnh Nghệ An đã ban hành văn bản số 5313/STNMT-KS ngày 07/8/2023 về việc phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật trong hoạt động khoáng sản. Đây được đánh giá là một động thái hết sức cứng rắn, nghiêm túc, thể hiện việc sẽ kiên quyết không để xảy ra tình trạng “cát tặc” trong tương lai.

Theo đó, nội dung văn bản nêu rõ: Nhằm tiếp tục tăng cường công tác quản lý, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm trong hoạt động khai thác, vận chuyển, tập kết, chế biến, tiêu thụ khoáng sản trái phép trên địa bàn tỉnh Nghệ An, Sở TN&MT tỉnh Nghệ An kính đề nghị UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các Sở, ngành có liên quan, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã và thành phố Vinh thực hiện các nhiệm vụ được phân công, phân nhiệm.

Tình trạng khai thác cát trái phép trên sông Lam cần phải được kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ, tránh tình trạng “chảy máu” tài nguyên liên tục gây bức xúc trong dư luận

Cụ thể, đối với Sở TN&MT tỉnh Nghệ An, phải đôn đốc các cơ quan triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các nhiệm vụ về công tác quản lý nhà nước về khoáng sản trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ, kịp thời với ngành Công an trong công tác giám định các vụ việc trong hoạt động khoáng sản trên địa bàn.

Bên cạnh đó, đối với Công an tỉnh, yêu cầu tiếp tục hỗ trợ lực lượng để giải tỏa các điểm nóng về khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn, đặc biệt là khai thác cát trên sông Lam đoạn giáp ranh 2 tỉnh Nghệ An – Hà Tĩnh; Trinh sát, mật phục, xác định các đối tượng đầu nậu thu mua, vận chuyển khoáng sản trái phép.

Mặt khác, chỉ đạo lực lượng Cảnh sát môi trường phối hợp với UBND cấp huyện, cấp xã xử lý vi phạm khai thác khoáng sản trái phép tại các địa phương; Chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông tổ chức tuần tra, kiểm soát phát hiện và xử lý các hành vi vận chuyển khoáng sản trái phép trên địa bàn; Chỉ đạo, hướng dẫn Công an cấp huyện, cấp xã thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và địa bàn quản lý.

Ngoài ra, Cục Quản lý thị trường cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh, phòng chống gian lận thương mại trong lĩnh vực khoáng sản. Cục Thuế Nghệ An tăng cường công tác quản lý thu thuế; thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản có hành vi vi phạm pháp luật về thuế. Tham mưu UBND tỉnh xử lý về thuế đối với hành vi khai thác, tàng trữ, kinh doanh khoáng sản trái phép theo quy định của pháp luật.

Trách nhiệm của người đứng đầu đang ở đâu?

Cũng tại văn bản số 5313, riêng đối với Chủ tịch UBND cấp huyện, phải triển khai ký quy chế phối hợp bảo vệ khoáng sản vùng giáp ranh chưa cấp phép khai thác, tổ chức thực phối hợp có hiệu quả quy chế, tránh đùn đẩy trách nhiệm khi thực hiện; đồng thời chỉ đạo UBND cấp xã giáp ranh ký quy chế phối hợp quản lý nhằm đảm bảo công tác xử lý vi phạm hiệu quả, đồng bộ.

Bên cạnh đó, tiến hành giải tỏa, ngăn chặn hoạt động khai thác khoáng sản trái phép ngay sau khi phát hiện hoặc nhận được tin báo. Kịp thời báo cáo UBND tỉnh để chỉ đạo xử lý trong trường hợp không ngăn chặn được hoạt động khai thác khoáng sản trái phép; Bảo vệ tài nguyên khoáng sản, tài nguyên thiên nhiên khác còn lại ở khu vực có giấy phép khai thác khoáng sản chấm dứt hiệu lực, xử lý nghiêm các hoạt động khai thác khoáng sản khu vực có giấy phép chấm dứt hiệu lực, khu vực đóng cửa mỏ, quản lý và khai thác sử dụng hiệu quả nguồn quỹ đất sau khi mỏ kết thúc khai thác;

Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản trái phép để xử lý theo quy định, xử lý vi phạm hành chính phải áp dụng hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định; Chủ động kiểm tra các tổ chức được cấp giấy phép khai thác khoáng sản, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Đặc biệt là các hành vi vi phạm về thiết kế khai thác, an toàn lao động, sản lượng khai thác…

Lập chòi canh, trong đó có treo thêm 1 chiếc kẻng để đẩy đuổi “cát tặc”. Tuy nhiên, phương án này vẫn chưa mang lại hiệu quả triệt để

Thiết nghĩ muốn chấm dứt vấn nạn “cát tặc” hoành hành trên sông Lam, tỉnh cần phải có biện pháp quy trách nhiệm với lãnh đạo đứng đầu. Theo đó, Chủ tịch UBND cấp huyện chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh khi để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn mà không xử lý hoặc để diễn ra kéo dài hoặc nhận được thông tin phản ánh đề nghị xử lý hoạt động trái phép đang diễn ra nhưng cố tình chậm trễ không kịp thời triển khai nhiệm vụ, như văn bản số số 5313/STNMT-KS của Sở TN&MT tỉnh Nghệ An đã nêu.

Tại Quyết định số 1562/QĐ-UBND của UBND tỉnh Nghệ An được ông Nguyễn Văn Đệ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh ký, ban hành vào ngày 01/6/2023 nêu rõ: Kiên quyết xử lý nghiêm minh theo đúng quy định của pháp luật đối với cơ quan, đơn vị, địa phương, cán bộ, nhất là người đứng đầu buông lỏng lãnh đạo, quản lý, lợi dụng chức vụ, vị trí công tác để trục lợi, vụ lợi cho bản thân hoặc bao che, tiếp tay, can thiệp, tác động dưới mọi hình thức để người khác thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật về khoáng sản, để xảy ra vi phạm hoặc không cương quyết xử lý sau khi phát hiện vi phạm về khoáng sản trên địa bàn.

Nói là vậy, nhưng cũng cần phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, vấn nạn khai thác cát trái phép trên sông Lam đã diễn ra từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, trên thực tế, việc xử lý chỉ giống như tình trạng “bắt cóc bỏ đĩa”, mãi không dứt điểm được?. Bởi theo nhiều người dân địa phương cho biết, có những người bị bắt, đi tù vài tháng xong về lại tiếp tục đi khai thác trái phép như chưa có chuyện gì xảy ra.

“Tôi nghĩ cơ quan chức năng nên có biện pháp khác, có thể là chuyển đổi nghề nghiệp cho họ thì may ra mới xử lý dứt điểm được. Vì không có nghề nghiệp, không có việc làm… khi sẵn tàu đó thì họ cứ đi khai thác cát trái phép thôi”, một người ông tên P. (trú tại xã Xuân Lam, huyện Hưng Nguyên) nói.

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Văn Phận, Chủ tịch UBND xã Xuân Lam cho biết: “Thời gian vừa rồi thì phía công an đã bắt rất nhiều vụ khai thác cát trái phép, xử phạt hành chính cũng như xử lý hình sự nhiều đối tượng. Ở xã chúng tôi cũng có đến khoảng 5 hoặc 6 người gì đó bị xử lý hình sự vì khai thác cát trái phép nhưng sau khi ra tù thì hầu như vẫn quay lại nghề cũ”.

Theo Hồng Quang

Link gốc: https://diendandoanhnghiep.vn/vu-song-lam-dang-bi-rut-ruot-boi-cat-tac-tinh-nghe-an-chi-dao-gi-248847.html