Vỡ nợ hàng chục tỉ đồng vì lan đột biến

Một nhà vườn lan đột biến ở Lâm Đồng có tiếng trong giới chơi lan đột biến vừa đăng lên trang Facebook cá nhân: "Em lỗ 80 tỉ, bán mọi thứ trả 50 tỉ, còn 30 tỉ em làm trả dần. Em đang cố gắng hết sức làm trả cho anh em".

0
Vỡ nợ hàng chục tỉ đồng vì lan đột biến - Ảnh 1.
Anh Duy Phạm, chủ vườn lan Kamy Farm tại TP Quảng Ngãi, vẫn tiếp tục chăm sóc vườn lan và cho biết giá hiện tại là giá thực phù hợp với người sưu tầm chơi như một thú chơi xưa nay – Ảnh: T.M.

 

Sau đó chủ vườn này có livestream nói rõ sập ở đây là giá lan có thời điểm tăng ảo, sau đó giảm giá. Cùng với đó là minh chứng hàng loạt “mã hàng” có giá từ vài triệu đến cả trăm triệu đồng/cm nay chỉ còn vài chục ngàn đến vài triệu đồng/cm.

Vỡ “bong bóng” giá

Những lời chia sẻ của nhà vườn kể trên đã đúng như cảnh báo khi giá lan đột biến tăng “điên cuồng”, nhiều người tán gia bại sản vì loài hoa này.

Anh N., một người chơi lan ở Quảng Ngãi, bỏ gần 150 triệu đồng mua lan đột biến từ giữa năm 2020 – lúc thị trường rất sôi động, khi đó anh mua những bông lan đột biến được giới chơi đánh giá là “quốc dân” như Phú Thọ 500.000 đồng/cm, Hiển Oanh 1,5 – 2 triệu đồng/cm.

Đến cuối năm 2020, anh N. bán ra lời gấp 5 lần vốn bỏ ra nên anh quyết định đầu tư lớn. Vay hơn 300 triệu đồng, chưa kịp mua thì đầu năm 2021, giá lan tăng sốc.

Hối tiếc vì bán quá sớm, anh N. quyết định góp vốn mua các cây lan đột biến Hồng Minh Châu, Bạch Tuyết… “Lúc tôi mua giá 100 – 200 triệu đồng/cm tùy cây. Nghĩ mình chăm cây sẽ lớn thêm, bán theo centimet vẫn có lãi. Nhưng không ngờ giá lao dốc quá nhanh. Lúc tôi tái đầu tư tổng tiền hơn 1 tỉ đồng, giờ nếu bán tất cả không đến 100 triệu đồng”, anh N. nói.

Anh T. – một người chơi lan ở Hà Nội – cũng cho biết từng thành công với lan đột biến và thu lãi rất lớn nên quyết định thế chấp nhà cửa “nâng tầm” vườn lan bằng các cây Ngọc Sơn Cước, Người đẹp không tên…

“Tiền tôi kiếm được từ lan đột biến tầm 10 tỉ đồng. Sau đó tôi thế chấp nhà đất thêm 15 tỉ nữa để mua lan. Đầu năm 2021 có người trả tôi cây Ngọc Sơn Cước và Người đẹp không tên gần 30 tỉ đồng nhưng tôi không bán”, anh T. nuối tiếc nói. Không chỉ bản thân anh, nhiều bạn bè, người thân cũng “lên thuyền” và hiện tại đã “đắm tàu”.

Giá lan đột biến đỉnh điểm từ tháng 9-2020 đến tháng 3-2021, với rất nhiều thông tin phi vụ bán chục tỉ, trăm tỉ. Anh Q. (ở Nghệ An) cho hay trong đợt sóng đó, rất nhiều F1 bơm tiền vào lan đột biến, kéo theo F2, F3, F4 vào “đu đọt” với mức giá khó tin.

“Tôi mua 1 kie (mầm giống) Bạch tuyết giá 500 triệu đồng, 2 ngày sau có người gọi hỏi tôi bán lại với giá 600 triệu đồng… Đó là lúc tôi nhận ra bong bóng và quyết định rút lui. Nhưng nhiều bạn bè của tôi ôm mộng, thành người ôm cuối cùng và giờ tan nhà nát cửa”.

Dần trở về giá trị thực

Những người thất bại nặng nhất từ lan đột biến thường là những người không am hiểu về lan và bước vào thế giới lan đột biến bằng cách vung tiền tỉ với hy vọng sẽ nhân đôi, nhân ba tài sản trong một thời gian ngắn, thay vì mua những cây “quốc dân”.

Nhưng hiện tại những cây tiền tỉ này lại giảm giá sâu nhất, bán chỉ thu được rất ít ỏi. Những cây lan đột biến thời đỉnh điểm có giá chục tỉ/kie như Cờ Đỏ, Bảo Duy, Người đẹp không tên, Đôi mắt Pleyku, Kinh Bắc… giờ vắng hẳn giao dịch.

Mới đây một vườn lan lớn trong thế giới lan var đăng bán 1 kie năm cánh trắng Long Khánh dạng lúa non (người bán đang nhân giống, chưa có cây thực tế) sau 45 ngày sẽ giao kie, giá được đưa ra hơn 15,5 tỉ đồng.

Nếu thời điểm cuối năm 2020 đây là giao dịch bình thường, nay tin rao này lập tức bị chính người chơi lan đột biến dè bỉu với những lời lẽ không mấy hay ho như “làm giá, lùa gà”.

Theo đánh giá của nhiều người chơi lan, giá lan bây giờ dần trở lại giá trị thật. Người mua sưu tầm để chơi như một thú vui hơn là kinh doanh. Anh Duy Phạm, chủ vườn lan Kamy tại TP Quảng Ngãi, chia sẻ anh vẫn bán được lan đột biến nhưng giá rẻ hơn.

“Phú Thọ tôi bán 5.000 – 15.000 đồng/cm, Hiển Oanh 20.000 – 30.000 đồng/cm. Những cây đẹp hơn như Bạch Tuyết bán 5 triệu đồng/cm… Tôi nghĩ nếu chơi lan theo niềm vui và nhân giống bán với giá bình thường như hiện nay nhà vườn vẫn sống được với cây lan. Nó rẻ hơn cả lan công nghiệp”, anh Duy chia sẻ.

Một chủ vườn ở Đắk Lắk cũng đồng quan điểm với anh Duy khi anh này xem việc chăm sóc lan đột biến như một nghề và so sánh nếu làm nông những ngành nghề khác thì lan vẫn cho thu nhập tốt hơn. Hiện tại chủ vườn này hài lòng với giá thực tế cây lan hiện nay và vẫn tiếp tục nhân giống, chăm sóc và bán cho người sưu tầm chơi hoa.

“Khi lan đột biến mới manh nha, giá chỉ cao hơn giá hiện tại một tí. Hiện tại trở về giá như đang thấy là phù hợp. Tôi chỉ mong cây lan đột biến được người chơi đón nhận như những cây sinh vật cảnh khác và mua theo nhận định vẻ đẹp hơn là mua theo giá”, anh này nói.

Khó hy vọng giá phục hồi

Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, những người vỡ nợ vì lan đột biến ngày một nhiều, hầu hết “đu đọt” nhảy vào cuộc chơi lan đột biến từ giữa năm 2020 đến giữa năm 2021. Tuy nhiên tất cả đều ngại nói về thực tế hiện tại và tiếp tục nuôi hy vọng lan đột biến sẽ trở lại mức giá như xưa.

Một “đại gia” ở Gia Lai từng bỏ hơn 15 tỉ đồng mua lan đột biến phân tích nguyên nhân thời điểm năm 2020 – 2021 dòng tiền chục ngàn tỉ đổ vào lan đột biến vì dịch bệnh, tiền không biết đầu tư vào gì. Toàn bộ số tiền lớn những “người mới” đổ vào đều rơi vào tay của các “tay to” trong ngành lan đột biến và giờ đã chuyển thành bất động sản, siêu xe.

“Thực tế lan quá dễ nhân giống, giá trên trời trước đây do mấy ông tự đẩy lên thôi. Giá bây giờ mới đúng là giá thật”, vị này nói.

Theo một số nhà vườn, giá hiện tại của lan đột biến đã chạm ngưỡng đáy và không thể tăng trở lại như thời điểm sóng. Bởi niềm tin vào hoa lan đột biến không còn. Dòng tiền lớn đổ vào lan đột biến cũng biến mất. Đó cũng là lý do mà trong gần 1 năm qua không có những giao dịch tiền tỉ với những chồng tiền dày cộm xuất hiện.

                                                                                                                Theo An Duy (Tuổi trẻ)

Link gốc: https://tuoitre.vn/vo-no-hang-chuc-ti-dong-vi-lan-dot-bien-20220328220128082.htm