Vợ chồng thầy giáo ở Kỳ Sơn giúp hàng chục người thoát đói rét trong cơn lũ quét

Hơn 1 tuần trôi qua sau cơn lũ quét lịch sử vào rạng sáng 2/10, vợ chồng thầy Vi Văn Hùng - giáo viên phụ trách Đội của Trường THCS bán trú Tây Sơn dường như vẫn chưa dám ngủ say giấc. Trong chập chờn tỉnh mê, họ vẫn còn ám ảnh cái thanh âm ầm ào rúng động của dòng nước xiết đổ về, và bao lần, đôi bàn tay tê rần nhức mỏi vì suốt nhiều ngày đêm liên tục gần như thức trắng để vo gạo nấu xôi, bưng vác hỗ trợ bà con dân bản lại nhắc nhở họ về hiện thực. Cơn lũ qua đi, bao ngổn ngang còn lại, nhưng trên tất thảy, là nghĩa tình đồng bào ấm áp đã dìu nhau vượt lên lũ dữ, ngời hy vọng vào ngày mai…

0

“Hôm nay không biết có những ai cần tiếp tế thực phẩm nữa không nhỉ?” – mấy ngày nay, vợ chồng thầy Vi Văn Hùng thường bắt đầu ngày mới bằng băn khoăn như thế. Hơn 1 tuần sau cơn lũ, với sự chung tay vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các doanh nghiệp, nhà hảo tâm và nhân dân trong, ngoài tỉnh, cơ bản người dân các bản làng nơi cơn lũ đi qua đã không còn phải lo nhiều đến việc đói ăn. Nhưng trực tiếp chứng kiến sự phá huỷ kinh hoàng của lũ, vợ chồng thầy Hùng vẫn không khỏi lo lắng. Họ hiểu rằng, phải còn rất lâu nữa, mảnh đất vùng biên này mới thực sự hồi sinh.

Bản Hoà Sơn (Tà Cạ, Kỳ Sơn) tan hoang do lũ quét. Ảnh: Thành Cường

Gia đình thầy Hùng ở bản Hoà Sơn, xã Tà Cạ – ngay tâm lũ quét. Đây là nơi chịu thiệt hại nặng nề nhất, bản có 236 hộ dân thì hơn một nửa bị lũ cuốn trôi nhà cửa, tài sản không còn chút vết tích. Một vài hộ khác may mắn nằm ở địa thế cao, lệch dòng nước chảy xiết nên mất mát có phần đỡ hơn, như gia đình thầy Hùng. Ngôi nhà còn giữ được tương đối nguyên vẹn, chỉ thiệt hại vườn cây, ao cá cùng một số vật nuôi. “Như thế là đã quá may mắn rồi! Nhìn quanh bà con dân bản, xót xa lắm!” – thầy Vi Văn Hùng trầm ngâm nói.

Giáo viên ở trọ trong bản Hòa Sơn, xã Tà Cạ chuyển đồ đạc chạy lũ trong đêm. Ảnh: Thành Cường

Bản làng thanh bình còn đâu, trước mắt chỉ là những tảng đá khổng lồ án ngữ đường đi, là hàng trăm hàng nghìn mét khối bùn nâu lấp kín nhà cửa, cây cối, là những người già, trẻ nhỏ – những em học sinh chỉ kịp chạy thoát thân trong đêm, đứng run rẩy sợ hãi nhìn dòng nước lũ. Cảnh ấy tang thương quá, vợ chồng thầy Hùng không cầm được nước mắt.

Ngay khi trời vừa mờ sáng, dù nước vẫn cuồn cuộn, nhưng vượt lên nỗi sợ hãi bản năng, hai vợ chồng dùng sức hét lớn tiếng, tìm mọi cách kêu gọi, báo hiệu cho bà con dân bản chạy vào nhà mình trú tránh. Để thêm nhiều người được đến nơi ở an toàn, vợ chồng thầy Vi Văn Hùng cùng 2 đứa con chủ động sang ở nhờ nhà chị gái gần đó, giúp 15 người dân bản Hoà Sơn tạm có đủ chỗ nghỉ ngơi.

“Lúc đó tôi chẳng nghĩ gì cả. Mọi điều xảy ra quá đột ngột. Tất cả mọi người đều hoảng sợ cực độ. Điều bật ra đầu tiên trong tâm trí tôi là làm thế nào để giúp được càng nhiều người càng tốt”. – thầy Vi Văn Hùng nhớ lại.

Suốt đêm đó và cả mấy ngày sau, vợ chồng thầy Hùng gần như không ngủ. Ở bản Hòa Sơn, ngoài dân cư bản địa còn có nhiều học sinh cấp 3 quê ở Mỹ Lý, Keng Đu đến ở trọ… Nhà trọ chủ yếu tập trung phía cuối bản – nơi cơn lũ quét qua mạnh nhất. Nhà cửa, sách vở, vật dụng cá nhân, lương thực dự trữ… đều chìm dưới nước chỉ sau vài chục phút, không biết phải làm sao, mười mấy học sinh sợ hãi kéo nhau lên nhà thầy Hùng. “Thầy ơi cho em ở nhờ với!”, “Thầy ơi, có gì ăn không ạ, bọn em đói quá!”… Nhìn trò ướt sũng rét run, nghe tiếng trò kêu đói, vợ chồng thầy Hùng rưng rưng…

Ngày đầu tiên, vợ chồng thầy Hùng cùng phụ nữ bản Hoà Sơn nấu được 4 tạ xôi để tiếp tế cho bà con dân bản. Ảnh: Thành Cường

Ngôi nhà của thầy lại thêm chật cứng với những người đến xin tá túc. Tất cả gạo thóc, mì tôm trong nhà đều đã được mang ra nấu phục vụ mọi người. Người đến ngày một đông, vợ chồng thầy Hùng cùng chị gái Vi Thị Hiển, là tiểu thương buôn bán nông sản, tiếp tục mở kho mang gạo nếp, miến dong ra để chăm sóc bữa ăn cho bà con. Ngày đầu tiên sau lũ, 2 vợ chồng thầy nấu được 4 tạ gạo nếp; sau đó, nhờ có thêm tiếp tế nên mỗi ngày duy trì nấu 2 tạ.

Gian bếp “dã chiến” đặt ngay tại khoảnh sân may mắn không bị lũ quét qua, càng về sau càng nhận được nhiều sự giúp đỡ chung tay của đông đảo chị em bản Hoà Sơn; tất bật tiếng phân công người vo gạo, người thổi lửa, người rán trứng băm thịt… Ngoài trời, mưa vẫn ào ạt từng cơn như trút giận, còn ở khoảnh sân nhỏ bé này, hơi ấm thơm mùi gạo mới sực nức lên, nắm xôi nóng hổi được nén chặt thành từng gói, sẵn sàng phân phát đến từng hộ gia đình trong bản. “Ai còn sức khoẻ thì đến lấy, ai già yếu luội sức thì chúng tôi cắt cử người mang đến tận nơi” – thầy Hùng cho biết.

Những suất xôi giản dị, ấm áp nghĩa tình đã thực sự “cứu” nhiều người thoát khỏi đói rét trong ngày đầu sau lũ quét. Ảnh: Thành Cường

Bà Ngân Thị Biển – một trong những người dân bản Hoà Sơn tá túc ở nhà thầy Vi Văn Hùng xúc động chia sẻ: “Không thể tưởng tượng nổi, chưa bao giờ tôi chứng kiến cơn lũ kinh khủng đến vậy. Nhà cửa cuốn trôi không còn lại gì, nếu mấy hôm nay không ở trong nhà vợ chồng thầy Hùng thì quả thực không biết đi đâu. Gia đình tôi biết ơn lắm!”. Không chỉ bà Biển, nhiều người dân Hoà Sơn khi được hỏi đều xúc động nói rằng, nghĩa tình và hành động thiết thực, kịp thời của vợ chồng thầy Hùng đã thực sự cứu họ thoát khỏi đói rét trong cơn lũ, cho họ một mái nhà tránh gió mưa…

Bà Ngân Thị Biển xúc động và biết ơn vợ chồng thầy Hùng đã nhiệt tình giúp đỡ gia đình bà qua cơn hoạn nạn. Ảnh: Thành Cường

Gặp lại thầy Hùng hơn 1 tuần sau cơn lũ dữ, người giáo viên ấy vẫn chưa nguôi tất bật. Sau khi các đoàn tiếp tế vào được đến bản, người dân Hoà Sơn không lo đói ăn nữa, gian bếp “dã chiến” với nồi xôi nghĩa tình của vợ chồng thầy Hùng cũng đã tắt lửa, song thầy lại tiếp tục cùng cánh đàn ông sức vóc trong bản đào đất, lật đá để sớm thông đường, bốc vác hàng tiếp tế lên Tây Sơn cho học sinh. Đôi tay quen cầm phấn, đôi chân nhiều năm chỉ “thuộc” đường đến trường, nay đã chai sần và bạc đi vì nước lũ.

Thầy Hùng là người kiệm lời, lại thêm bận rộn, đến mức chẳng để phóng viên chụp một tấm ảnh kỷ niệm; hỏi gì cũng chỉ nói “Có gì đâu, sức mình đến đâu giúp bà con đến đó”! Nhưng thầy Hùng ơi, tâm sức mà thầy khiêm tốn nhận là bé nhỏ không có gì đáng nhắc đến ấy lại thật đẹp đẽ trong mắt bao người, để rồi rất nhiều năm sau nữa, trong ký ức dân bản Hoà Sơn về cơn lũ dữ kinh hoàng, bên cạnh nỗi sợ hãi, nỗi đớn đau mất mát, chắc chắn sẽ còn lấp lánh niềm cảm phục và tin yêu vào những điều tốt đẹp của hai chữ “đồng bào”!

Theo Thành Cường – Phước Anh

Link gốc: https://baonghean.vn/vo-chong-thay-giao-o-ky-son-giup-hang-chuc-nguoi-thoat-doi-ret-trong-con-lu-quet-post260034.html