Việt Nam nói gì khi Trung Quốc đơn phương ra lệnh cấm bắt cá trên biển Đông?

Chiều 20/4, tại Hà Nội, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Đoàn Khắc Việt đã chủ trì cuộc họp báo thường kỳ, thông tin về các vấn đề mà dư luận quan tâm như Trung Quốc đơn phương ra lệnh cấm bắt cá trên biển Đông; công tác bảo hộ công dân ở Sudan hay việc một số bản sắc phong của Việt Nam bị đem đấu giá ở Trung Quốc.

Theo đó, liên quan đến lệnh cấm đánh bắt cá ở biển Đông mà Trung Quốc đơn phương đề ra từ 1/5-16/8, Phó Phát ngôn Đoàn Khắc Việt nêu rõ, lập trường của Việt Nam đối với lệnh cấm bắt cá mà Trung Quốc đơn phương ban hành trái phép ở biển Đông là nhất quán và đã được khẳng định rõ trong nhiều năm qua.

Lệnh cấm đánh bắt cá này đã xâm phạm đến chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam đối với các vùng biển, vùng đặc quyền kinh tế, được xác định theo công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982.

Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Đoàn Khắc Việt.

“Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam với quần đảo Hoàng Sa, quyền chủ quyền, quyền tài phán với các vùng biển của Việt Nam, không làm phức tạp tình hình, đóng góp vào duy trì hoà bình, ổn định ở khu vực biển Đông”, ông Đoàn Khắc Việt nhấn mạnh.

Ngoài ra, Phó Phát ngôn tái khẳng định, rằng việc duy trì an ninh, an toàn, tự do hàng hải và thượng tôn pháp luật ở biển Đông liên quan mật thiết đến hoà bình, ổn định, hợp tác và phát triển cùng có lợi ở khu vực châu Á Thái Bình Dương và trên thế giới. Việt Nam mong muốn các bên liên quan đóng góp một cách có trách nhiệm về việc này, trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982.

Về vấn đề bảo hộ công dân trong bối cảnh cuộc xung đột vũ trang tại Sudan diễn ra đã khiến hàng ngàn người thương vong, ông Đoàn Khắc Việt cho hay: “Theo thông tin từ đại sứ quán Việt Nam tại Ai Cập kiêm nhiệm Sudan, hiện có 1 công dân mang quốc tịch Việt Nam – Australia đang cư trú ở Thủ đô Khartoum và 16 thuyền viên khác đang ở trên tàu ở cảng gần Sudan. Hiện các công dân Việt Nam vẫn ở trong tình trạng an toàn. Tuy nhiên, đại sứ quán sẽ tiếp tục theo dõi sát tình hình và có các biện pháp bảo hộ cần thiết”.

Tính đến ngày 20/4, bạo lực giữa quân đội Sudan và nhóm bán quân sự RSF bùng phát hôm 15/4 đã khiến gần 300 người thiệt mạng và 3.000 người bị thương. Hai bên sử dụng máy bay chiến đấu, xe tăng, pháo binh và súng máy tấn công nhau tại những khu dân cư đông đúc ở thủ đô Khartoum cũng như các thành phố khác trên toàn Sudan.

Trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan đến việc một số bản sắc phong của Việt Nam bị đem đấu giá ở Trung Quốc, Phó Phát ngôn Đoàn Khắc Việt cho biết, thực hiện chỉ đạo của Bộ Ngoại giao, sau khi trao đổi với Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch cũng như UBND tỉnh Phú Thọ, Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Thượng Hải đã liên hệ làm việc với các cơ quan chức năng sở tại để tạm dừng cuộc đấu giá bán những sắc phong này và yêu cầu phía bạn cung cấp thông tin liên quan tới các sắc phong.

“Ngày 19/4, đại diện của Cục Văn hoá và Du lịch Thượng Hải thông báo đã quyết định tạm dừng cuộc đấu giá này và sẵn sàng phối hợp với phía Việt Nam để cung cấp các thông tin liên quan. Trong thời gian tới, Bộ Ngoại giao cũng sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch, địa phương liên quan và các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục theo sát vụ việc và trao đổi và sẽ có các biện pháp xử lý tiếp theo”, ông Đoàn Khắc Việt nêu rõ.

Theo Kim Ngọc

Link gốc: https://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/viet-nam-noi-gi-khi-trung-quoc-don-phuong-ra-lenh-cam-bat-ca-tren-bien-dong–i690770/