Vì sao nhiều dự án đầu tư công ở Nghệ An giải ngân “rùa bò”?

Năm 2022, Nghệ An được giao kế hoạch vốn đầu tư công tập trung 7.124,7 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách Trung ương hơn 5.566 tỷ đồng, ngân sách địa phương hơn 1.557 tỷ đồng. Đến tháng 9 này, tổng vốn đầu tư công tập trung của tỉnh mới giải ngân hơn 2.119 tỷ đồng, chỉ đạt 29,74%...

0

Chậm tiến độ giải ngân các dự án đầu tư công

Năm 2022, Nghệ An được giao kế hoạch vốn đầu tư công tập trung 7.124,7 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách Trung ương hơn 5.566 tỷ đồng, ngân sách địa phương hơn 1.557 tỷ đồng. Tỉnh đã phân bổ chi tiết cho 201 dự án với số vốn hơn 5.801 tỷ đồng, còn hơn 1.322 tỷ đồng chưa được giao chi tiết cho các chủ đầu tư.

Nghệ An đang tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án đầu tư công trọng điểm trên địa bàn.

Đến ngày 10/9, tổng vốn đầu tư công tập trung của tỉnh đã giải ngân hơn 2.119 tỷ đồng, đạt 29,74%; nếu không tính các khoản chưa phân bổ chi tiết (bao gồm nguồn chương trình mục tiêu quốc gia và vốn chuẩn bị đầu tư nguồn ngân sách địa phương) kết quả giải ngân đạt 36,52%; kế hoạch vốn kéo dài đã giải ngân hơn 360 tỷ đồng, đạt 13,3%. Cũng theo số liệu thống kê thì hiện toàn tỉnh có 19 đơn vị có tỷ lệ giải ngân đạt trên mức bình quân chung của tỉnh; 18 huyện, thành, thị và 13 đơn vị chủ đầu tư giải ngân có tỷ lệ dưới mức bình quân chung của tỉnh; 15 đơn vị chủ đầu tư chưa giải ngân. Tính theo dự án, có 130/201 công trình giải ngân dưới 50%, trong đó có 61 công trình với kế hoạch vốn hơn 890 tỷ đồng chưa giải ngân.

Dự kiến đến hết năm 2022, có khoảng 27 dự án không giải ngân hết, với số vốn hơn 560 tỷ đồng. Một số đơn vị có vốn lớn và nhiều dự án giải ngân dưới 50%, gồm các huyện, thị như: Hoàng Mai, Quỳnh Lưu, Hưng Nguyên, Nghĩa Đàn, Quỳ Châu, Con Cuông, Anh Sơn, Thanh Chương và Diễn Châu và khối ngành như: Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn…Bên cạnh đó, có 4 dự án trọng điểm tiến độ giải ngân chậm: Dự án Bệnh viện Ung bướu Nghệ An (giai đoạn 2); Dự án đường ngang N5 trong Khu kinh tế Đông Nam; Dự án đường ngang N2 trong Khu kinh tế Đông Nam; Dự án đường giao thông nối quốc lộ 7C (Đô Lương) đến đường Hồ Chí Minh (Tân Kỳ).

Vì sao chậm tiến độ?

Lý giải về việc kết quả giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh chậm, tỷ lệ đạt thấp, Lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Nghệ An cho rằng do giá của các loại vật liệu xây dựng tăng đột biến; Quy trình thực hiện thủ tục đối với các công trình khởi công mới và công trình chuyển tiếp có gói thầu mới mất nhiều thời gian; Nguồn vốn kéo dài từ các năm trước sang năm 2022 giải ngân chậm; Các dự án ODA còn nhiều vướng mắc…Đặc biệt, một số chủ đầu tư, ngành, huyện chưa quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện giải ngân vốn đầu tư công. Năng lực một số chủ đầu tư, ban quản lý dự án, nhà thầu tư vấn, xây lắp, giám sát chưa đáp ứng yêu cầu.

Bên cạnh đó, nguyên nhân tiến độ giải ngân đầu tư công chậm vẫn là do khâu chuẩn bị đầu tư chưa thực sự tốt. Khi làm hồ sơ xin chấp thuận chủ trương đầu tư thì chỉ mới khái toán và chưa biết có được thông qua hay không nên chuẩn bị cũng chỉ bước đầu và sơ lược. Khi dự án được thông qua và bắt tay vào thực hiện, có một số hạng mục phát sinh trên thực địa phải điều chỉnh dẫn đến phải làm lại hồ sơ gây ảnh hưởng tiến độ chung dự án; Vướng mắc trong quá trình giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án cũng là một trong những lý do được nhiều lãnh đạo sở, ngành, địa phương nêu khi nói về nguyên nhân chậm tiến độ.

Ngoài các nguyên nhân trên, theo các Sở Tài chính và Kế hoạch và Đầu tư, đối với các dự án đầu tư công vốn vay nước ngoài, tỷ lệ giải ngân chậm là do quy định của Chính phủ và Hiệp định tài trợ vốn giữa Chính phủ ta với các nhà tài trợ vốn và các định chế tài chính quốc tế là các dự án lớn phải mời thầu quốc tế hoặc thủ tục lấy ý kiến nhà tài trợ nên mất nhiều thời gian hơn. Mặt khác, so với trước đây, đầu tư công từ vốn vay nước ngoài được các bộ, ngành và Chính phủ hỗ trợ trả nợ nhưng nay các địa phương vay phải bố trí vốn đối ứng và trả nợ lãi và gốc nên không phải địa phương nào cũng hào hứng. Vài năm lại đây, mỗi năm Nghệ An chỉ được bố trí trên dưới 500 tỷ đồng vốn đầu tư công từ nguồn vốn vay đầu tư công nước ngoài, tỷ lệ thấp so với các tỉnh nhưng khó giải ngân.

Đi sâu phân tích nguyên nhân chủ quan khiến tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh đạt thấp, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho rằng, một số chủ đầu tư của ngành, huyện chưa thực sự quyết liệt trong công tác chỉ đạo, năng lực lãnh đạo, chỉ đạo chưa đáp ứng yêu cầu; nhiều dự án đã có chuẩn bị từ trước nhưng không chủ động, lựa chọn đơn vị tư vấn, nhà thầu chưa đúng. Công tác chuẩn bị đầu tư còn hạn chế, không kỹ, không sát, dẫn đến hồ sơ thủ tục chậm. Trong công tác giải phóng mặt bằng, ngoài nguyên nhân khách quan, nhiều địa phương chưa chủ động, chưa theo tinh thần “mặt bằng đi trước một bước”.

Đối với 3 Chương trình mục tiêu Quốc gia, Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá, Nghệ An được bố trí vốn lớn, có nhiệm vụ phải đẩy nhanh tiến độ giải ngân. Nhưng thực tế, các ngành, địa phương triển khai rất chậm. Nhắc lại các mục tiêu trong Nghị quyết số 124 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cũng nhận định, thời gian giải ngân chỉ còn khoảng 4 tháng trong khi khối lượng công việc, số lượng dự án chưa giải ngân còn rất nhiều.

Không vì tiến độ giải ngân mà làm ẩu

Tại cuộc họp mới đây của Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An với các sở, ngành, đơn vị, địa phương về thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, lãnh đạo các sở, ban, ngành, huyện, chủ đầu tư báo cáo cụ thể nguyên nhân kết quả giải ngân chậm, thấp; nêu khó khăn, vướng mắc; kiến nghị, đề xuất các giải pháp trong thời gian tới. Một số chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân cao chia sẻ kinh nghiệm, cách làm hay. Trong đó, hầu hết các huyện, ngành, chủ đầu tư đều cam kết phấn đấu giải ngân 100% vốn đầu tư công được giao.

Cũng tại Hội nghị này, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Hồng Vinh cho rằng: Để đẩy nhanh tỷ lệ giải ngân đầu tư công cần xây dựng tiến độ chi tiết của từng dự án theo các mốc thời gian cụ thể; rà soát đánh giá lại năng lực của nhà thầu, đơn vị tư vấn; nghiệm thu theo tuần, theo tháng để giải ngân tốt hơn và thường xuyên báo cáo giám sát đầu tư để điều chỉnh giá, tránh thất thoát, lãng phí, quản lý dự án tốt hơn; chủ động đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng. Đặc biệt, cần mạnh dạn điều chỉnh những chủ đầu tư không đủ năng lực, kinh nghiệm; không giao làm chủ đầu tư các dự án cho những đơn vị này những năm tiếp theo. Song song với đó, không vì tiến độ giải ngân mà làm ẩu, không đảm bảo chất lượng công trình.

UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương, chủ đầu tư căn cứ mục tiêu trong Nghị quyết số 124 của Chính phủ, căn cứ số vốn, số dự án được giao trong năm 2022 để thực hiện theo đúng cam kết đã ký. Những ngành, địa phương, người đứng đầu nào không hoàn thành cam kết giải ngân vốn đầu tư công thì không được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ vào cuối năm.

Theo Thùy Anh

Link gốc: https://cand.com.vn/Ban-doc-cand/vi-sao-nhieu-du-an-dau-tu-cong-o-nghe-an-giai-ngan-rua-bo–i668738/