Vì sao nhiều cầu thủ trẻ SLNA bị chậm phụ cấp?

Những ngày vừa qua, nhiều cầu thủ và HLV các đội trẻ của CLB Sông Lam Nghệ An chia sẻ câu chuyện họ bị chậm phụ cấp gần một năm nay?

0

Mòn mỏi chờ tiền

Năm 2022 là một năm đại thành công của bóng đá trẻ Nghệ An khi các đội tuyển trẻ của CLB Sông Lam Nghệ An mang về phòng truyền thống hàng loạt danh hiệu vô địch Quốc gia ở các lứa U9, U11, U13 và U15. Tuy nhiên, nhiều ngày qua dư luận đang xôn xao việc các cầu thủ của Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ Sông Lam Nghệ An vẫn chưa được nhận tiền phụ cấp hỗ trợ từ tỉnh Nghệ An.

Trao đổi với báo chí, một cầu thủ U17 Sông Lam Nghệ An chia sẻ: “Hằng tháng ngoài việc hỗ trợ chỗ ăn, ở tại CLB thì chúng em còn nhận được khoản tiền hơn 1 triệu đồng. Tuy nhiên, các tháng 1, 2 và 3 các cầu thủ chỉ được nhận 50% phụ cấp. Kể từ tháng 3 đến nay, chúng em không nhận được phụ cấp này nữa”.

U15 Sông Lam Nghệ An vô địch giải bóng đá U15 Quốc gia năm 2022.

Ông Nguyễn Đình Nghĩa, Giám đốc Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ Sông Lam Nghệ An xác nhận có việc các cầu thủ thuộc trung tâm chưa nhận được phụ cấp hằng tháng.

“Gần 1 năm qua, chúng tôi vẫn chưa nhận được tiền từ tỉnh Nghệ An. May mắn là phía nhà tài trợ Tân Long đã tạm chi những khoản như ăn, học, mua dụng cụ tập luyện cho các cháu. Nếu không có những khoản tạm chi kinh phí đó thì các đội trẻ của Sông Lam Nghệ An không thể tham gia thi đấu các giải trẻ quốc gia. Cho đến hiện tại, các khoản phụ cấp hàng tháng cho các cầu thủ, chúng tôi vẫn phải chờ tỉnh Nghệ An giải ngân mới có thể chi được”, ông Nghĩa cho biết.

Đấu thầu xong mới có phụ cấp?

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Phương, Trưởng phòng quản lý TDTT, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Nghệ An cho biết, từ trước đến nay, UBND tỉnh Nghệ An điều hành theo hình thức giao cho Sở Văn hóa và Thể thao đặt hàng công ty cổ phần Sông Lam để đào tạo bóng đá trẻ. Trên cơ sở đó, Sở sẽ ký hợp đồng với công ty sau đó cấp tiền cho lò đào tạo Sông Lam Nghệ An.

“Theo cơ chế quy định mới ngân sách thì không thể chuyển sang cho doanh nghiệp được mà phải mở đấu thầu. Trong khi đó, Công ty cổ phần Thể thao Sông Lam Nghệ An vừa mới chuyển giao từ Công ty cổ phần bóng đá Sông Lam Nghệ An nên chưa đủ điều kiện năng lực để đấu thầu. Thời gian qua, Sở Văn hóa và Thể thao Nghệ An đã 2 lần mời thầu nhưng không có đơn vị nào tham gia thầu, kể cả Công ty cổ phần Thể thao Sông Lam Nghệ An”, ông Phương chia sẻ.

Cũng theo ông Phương, không phải Công ty cổ phần Thể thao Sông Lam Nghệ An không muốn vào thầu nhưng vì doanh nghiệp này không đủ năng lực nên đã không thể tham gia. Nếu là Công ty cổ phần Bóng đá Sông Lam Nghệ An của Bắc Á Bank trước đây thì hoàn toàn đủ điều kiện để tham gia thầu.

Khi được hỏi về việc Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ Sông Lam Nghệ An là do ai quản lý, ông Phương chia sẻ: “Công ty cổ phần Sông Lam Nghệ An thuộc tập đoàn Tân Long là đơn vị doanh nghiệp, họ không phải đơn vị sự nghiệp nhà nước. Ở đây duy nhất có hai đơn vị thuộc Sở Văn hóa và Thể thao Nghệ An là Trung tâm huấn luyện và thi đấu thể dục, thể thao Nghệ An và trường Phổ thông năng khiếu TDTT. Còn Trung tâm bóng đá trẻ thuộc Công ty cổ phẩn Thể thao Sông Lam Nghệ An thuộc tập đoàn Tân Long. Hiện, Tân Long có hỗ trợ một phần kinh phí để duy trì hoạt động cho Trung tâm. Cho đến giờ, họ đang bỏ tiền ra và chưa lấy một đồng nào từ ngân sách”.

Kể từ tháng 12/2021, UBND tỉnh Nghệ An, Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Tài chính, Công ty cổ phần Thể thao Sông Lam Nghệ An đang nỗ lực để tìm tất cả các giải pháp tháo gỡ khó khăn liên quan việc chi trả nguồn kinh phí hoạt động cho Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ Sông Lam Nghệ An nhưng đến nay vẫn chưa thể thực hiện được do vướng các quy định.

Theo Thu Hiền

Link gốc: https://tienphong.vn/vi-sao-nhieu-cau-thu-tre-slna-bi-cham-phu-cap-post1491849.tpo