Vì sao người dân chạy xe máy cả nghìn cây số về quê?

Không còn tiền sinh hoạt, lo lắng bệnh dịch bùng phát khi các địa phương phía Nam nới lỏng giãn cách, nhiều người chạy xe máy cả nghìn cây số về quê.

12h trưa 5/10, anh Trần Văn Đức, 26 tuổi, quê huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An, cùng vợ và con gái 2 tuổi dừng xe máy nghỉ ngơi bên vệ đường tránh TP Huế sau khi vượt qua hơn 1.000 km từ thị xã Bến Cát, Bình Dương. Người ướt đẫm, đôi mắt đỏ hoe vì thiếu ngủ, anh Đức vẫn động viên người vợ ngồi cạnh cố lên, gần về đến quê rồi. Con gái anh hồn nhiên nhặt lá tràm khô chơi.

Anh Đức và vợ cùng người bạn ngồi nghỉ ngơi bên đường tránh TP Huế trưa ngày 5/10. Ảnh: Võ Thạnh

Nhìn lại một năm vào thị xã Bến Cát, anh Đức chia sẻ rất buồn khi cả gia đình vừa quen với cuộc sống mới thì đã phải về. Hành trình về quê cực nhọc, đối diện với nguy hiểm trên đường, nhưng đổi lại về tới quê gia đình anh sẽ không phải lo lắng tiền nhà trọ, chi phí điện nước, gạo, rau hàng ngày. Anh vẫn còn ruộng, có thể cấy lúa, trồng rau màu, duy trì cuộc sống trong bối cảnh dịch bệnh.

Thị xã Bến Cát, nơi anh Đức sống, nới lỏng giãn cách, dần khôi phục sản xuất, kinh doanh từ ngày 15/9. Tuy nhiên, công ty giày nơi vợ chồng anh làm vẫn chưa thông báo ngày hoạt động trở lại. Chủ nhà trọ thì bóng gió không cho ở nếu vợ chồng anh đi làm. “Họ sợ công nhân lây nhiễm bệnh rồi ảnh hưởng đến cả khu trọ. Thời gian qua, nhiều khu trọ đã bị như vậy”, anh Đức nói.

Trong khi đó, vợ chồng anh Đức đã thất nghiệp 4 tháng do công ty giày ngừng sản xuất. Tiền lương của hai vợ chồng 14 triệu đồng/tháng, thuê một phòng trọ 10 m2 giá 2 triệu đồng. Con gái được gửi cho một nhà trẻ tư nhân gần đó. Bình thường không có dịch, vợ chồng anh đã phải sống tằn tiện để tích lũy nuôi con. Đến nay những đồng tiền tiết kiệm cuối cùng đã hết.

Theo dõi tình hình dịch bệnh, anh Đức đứng ngồi không yên khi số ca nhiễm của Bình Dương đứng thứ hai cả nước, sau TP HCM, với hơn 217.000 ca, 2.000 người chết. “Ở phòng trọ, hàng ngày nghe tiếng xe cấp cứu kêu inh ỏi chở người bệnh đi điều trị, chúng tôi rất lo. Thân cô thế cô, nhỡ mắc bệnh, lại hết tiền thì biết xoay xở thế nào”, anh Đức nói.

Khi được nhóm bạn quê Nghệ An rủ nhau đi xe máy 1.500 km về quê, vợ chồng anh quyết định trả nhà trọ, gói ghém đồ đạc cùng về. Khi nào dịch bệnh Covid-19 trên cả nước yên ắng, anh Đức mới dám trở lại Bình Dương làm việc.

Anh Trần Văn Dũng, 36 tuổi, chở vợ và hai đứa con từ TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, về quê Quảng Bình cũng vì lý do hết tiền sinh sống và lo ngại dịch bệnh kéo dài. Vào Đồng Nai hành nghề xe ôm gần 10 năm, vợ làm công nhân may, mỗi tháng kiếm được hơn chục triệu đồng, đủ duy trì cuộc sống ở mức tối thiểu.

Bốn tháng trước, dịch bệnh bùng phát, vợ chồng anh định về quê song nghĩ hai con 8 và 5 tuổi đã quen với cuộc sống nơi này, việc học hành cũng thuận tiện, giờ về chưa biết làm gì. Đến ngày 20/9, 103 xã, phường trong tổng số 170 xã phường của Đồng Nai được nới lỏng giãn cách khi dịch bệnh dần kiểm soát, song anh Dũng vẫn quyết đưa vợ con về.

“Biến chủng này lây nhiễm nhanh, hiện mỗi ngày Đồng Nai vẫn ghi nhận 500-600 ca. Với việc lưu thông đông đúc trở lại, nguy cơ dịch căng thẳng rất cao. Tôi làm nghề grab, nguy cơ nhiễm còn cao hơn nữa. Thôi tạm thời cứ về quê, khi nào dịch hết hẳn thì quay trở lại”, anh Dũng giải thích.

Anh Đức, anh Dũng nằm trong số hàng chục nghìn người đi xe máy về quê khi các tỉnh phía Nam nới lỏng giãn cách. Một tuần qua, chốt kiểm soát dịch đèo Lò Xo trên đường Hồ Chí Minh, huyện Phước Sơn, Quảng Nam, ghi nhận hơn 10.000 người từ miền Nam đi qua để về quê. Chốt kiểm soát dịch trên quốc lộ 1A, xã Tam Nghĩa, huyện Núi Thành, có hơn 1.000 người đi qua. Phần lớn họ đi xe máy, số ít đi bộ được ôtô của các địa phương trung chuyển.

Còn theo thống kê của Bộ Công an, hiện có 3,5 triệu người các địa phương làm việc tại TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai và Long An, trong đó 2,1 triệu người muốn về quê. Vì vận tải hành khách bằng đường bộ, đường sắt và hàng không chưa khôi phục, họ đành chạy xe máy về.