Vì sao chuyên gia Việt Nam quan ngại về kênh đào Funan Techo của Campuchia?

Các chuyên gia đã nêu những quan ngại về Dự án, bao gồm: các tác động của dự án đến tài nguyên nước vùng ĐBSCL, đặc biệt trong bối cảnh hạn hán, mặn xâm nhập diễn ra ngày càng thường xuyên và khắc nghiệt hơn.

0

Nối sông Mekong với biển của Campuchia, dự án kênh đào Funan Techo được chính phủ Campuchia khởi xướng từ 2022. Dự án dự kiến khởi công cuối năm 2024 và hoàn thành vào năm 2027, với tổng kinh phí đầu tư 1,7 tỉ USD. Dự án chuẩn bị triển khai phía thượng nguồn nhưng theo nhiều chuyên gia, sẽ tác động dòng chính sông Mekong trong bối cảnh hạn mặn, biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt hơn tại khu vực ĐBSCL của Việt Nam.

Theo thông báo của phía Campuchia, dự án dự kiến sẽ nâng cấp và cải tạo 180km tuyến kênh/sông. Các đoạn kênh được thiết kế với kích thước đủ lớn (bề rộng đáy kênh 50m, bề rộng mặt kênh từ 80-120m và chiều sâu mực nước trong kênh 4,7m) để các tàu tải trọng đến 1.000 tấn có thể đi qua. Thời gian xây dựng dự án là 4 năm, dự kiến khởi công vào cuối năm 2024.

Trên kênh này có 3 công trình âu thuyền tại 3 vị trí: âu thuyền nơi kết nối với sông Bassac (sông Hậu), âu thuyền tại tỉnh Takeo và âu tàu nơi cửa ra tỉnh Kep. Âu thuyền với kích thước cơ bản dài x rộng x sâu là 135 mét x 18 mét x 5,8 mét. Lượng nước xả tối đa qua âu thuyền là 3,6 m3/giây.

Trước những thông tin bước đầu được cung cấp của dự án, ông Đặng Thanh Lâm, Phó Viện trưởng Viện quy hoạch thủy lợi miền Nam cho rằng, các số liệu về dự án kênh đào Funan Techo hiện vẫn chưa đầy đủ, nhất là trong mục đích sử dụng nước nên việc tính toán tác động xuyên biên giới đến Việt Nam vẫn chưa chuẩn xác tuyệt đối. Chính vì thế, vấn đề đặt ra là các Bộ, ngành của Việt Nam nên đề nghị phía Campuchia phối hợp chặt chẽ trong việc chia sẻ thông tin, đánh giá tác động của Dự án Funan Techo đối với tài nguyên nước và môi trường sinh thái của ĐBSCL.

Ông Đặng Thanh Lâm cho biết: “Về các bước tiếp theo thì tôi kiến nghị cần cung cấp thông tin về đánh giá tác động môi trường của dự án. Đây là dự án được nêu là để phát triển. Về phía Ủy hội Mekong rất mong có đánh giá tác động xuyên biên giới để cho phía Việt Nam. Đây là sự phối hợp khách quan và đầy đủ nhất.”

Mới đây, ngày 23 tháng 4, Ủy ban sông Mekong Việt Nam tổ chức hội nghị tham vấn về đề xuất dự án kênh đào Funan Techo của Campuchia diễn ra ở thành phố Cần Thơ. Các chuyên gia, đại biểu cũng đã nêu những quan ngại về Dự án, bao gồm: các tác động của dự án đến tài nguyên nước vùng ĐBSCL, đặc biệt trong bối cảnh hạn hán, mặn xâm nhập diễn ra ngày càng thường xuyên và khắc nghiệt hơn; việc thực hiện Dự án sẽ chuyển nước từ sông Bassac, là phân lưu của sông Mê Công ra cảng Kep nằm ngoài lưu vực sẽ gây suy giảm đáng kể tài nguyên nước tới vùng ĐBSCL, gây tác động không nhỏ đến các hoạt động sinh kế, sản xuất của người dân địa phương và các hệ sinh thái tự nhiên.

TS Nguyễn Đức Tuấn, điều phối viên tổ chức bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) đề nghị: “Các giải pháp và chiến lược đều phải dựa trên đánh giá tác động giảm thiểu nhất đến mức có thể; hài hòa với các lợi ích về kinh tế. Với công trình này, với những quan ngại về ảnh hưởng xuyên biên giới thì tôi nghĩ là chúng ta cần phải đánh giá theo quy trình đầy đủ. Tôi nghĩ về phía các bên cần yêu cầu phía Campuchia cập nhật thông tin về dự án này.”

Nêu vấn đề cụ thể đặt ra đối với khu vực ĐBSCL, PGS-TS Lê Anh Tuấn, chuyên gia nghiên cứu lĩnh vực biến đổi khí hậu, ở góc độ của một người nghiên cứu độc lập cho rằng, mùa khô ở ĐBSCL vốn đã thiếu nước nay sẽ càng thiếu nước trầm trọng hơn nữa nếu có những tác động từ phía trên, dọc theo dòng Mekong. Theo ông Tuấn, những hậu quả sẽ kéo theo, như mặn sẽ xâm nhập sâu hơn và những hệ lụy về mặt sinh thái, đa dạng sinh học cũng bị ảnh hưởng rất lớn.

Theo PGS-TS Lê Anh Tuấn, đây là vấn đề nước xuyên biên giới nên chắc chắn sẽ tác động đến ĐBSCL. Ông Tuấn cũng nêu ra một viễn cảnh khi kênh Funan Techo được triển khai, đó là trong mùa mưa, việc kênh khi đào đất đắp hai bên thành đường sẽ hình thành làng mạc, thành phố, khu công nghiệp, tạo thành đê chắn ngang cánh đồng lũ, khiến phía Bắc kênh sẽ ngập nhiều hơn trong khi phía Nam kênh, tức phía nằm về hướng Việt Nam sẽ ít nước hơn. Như vậy, theo ông Tuấn điều này có nghĩa có thể nước ít hơn, phù sa ít hơn, cá ít hơn và tất cả những công trình đã xây dựng ở vùng Tứ Giác Long Xuyên sẽ dần mất tác dụng.

Theo ông Tuấn, năm 2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050. Trong khi quy hoạch chưa tính đến kịch bản có kênh Funan Techo. Vì thế, ông Tuấn đặt ra một vấn đề là có cần phải thay đổi hay không? Tương tự, các tỉnh xây dựng quy hoạch cũng dựa vào tổng lượng nước theo quy hoạch vùng và đang làm kiểm kê lượng nước ĐBSCL, đến nay các tỉnh có phải điều chỉnh hay không?…

Đối với đề án 1 triệu héc ta lúa chất lượng cao, phát thải thấp của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thì theo PGS- TS Lê Anh Tuấn cây lúa sẽ “ăn gì, uống gì?” khi phù sa ít đi, đất đai bạc màu hơn, nước ít hơn, như vậy 1 triệu héc ta có điều chỉnh không? Ông Tuấn cũng bày tỏ sự lo lắng khi hình dung giải pháp chống sạt lở cho ĐBSCL sẽ nặng nề hơn.

PGS-TS Lê Anh Tuấn cho biết: “Các dự án ứng phó với biến đổi khí hậu hay xóa đó giảm nghèo có khả năng phải điều chỉnh vì kịch bản ứng phó được xây dựng trong điều kiện trước khi có tình huống mới như hiện nay. Chúng ta phải làm thế nào để tạo sự phát triển hài hòa giữa các nước trong lưu vực sông Mekong. Vấn đề đặt ra là chúng ta không bác bỏ nhưng làm sao để chuyện đánh đổi không quá lớn. Và chúng ta cũng không thể nào lấy con sông Mekong ra để làm vật thực nghiệm để xem là tốt hay xấu được.”

Tác giả: Thanh Tùng

Nguồn: Vov.vn