Từng dòng người đi trong thương nhớ…

Cứ mỗi độ tháng Năm, khi nắng bắt đầu vàng hơn, bầu trời cao và trong xanh hơn, dòng người từ mọi miền Tổ quốc lại về Làng Sen quê Bác. Bên chiếc võng mây, khung dệt vải, chiếc phản gỗ,… nghe câu chuyện về vị Cha già kính yêu, những người con muôn phương đều rưng rưng xúc động.

0

Bâng khuâng

Đường vào Làng Sen (xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, Nghệ An) uốn lượn bên cánh đồng lúa vàng óng trĩu bông, rợp dưới tán hàng cây xà cừ cổ thụ. Mùa này, đường làng Kim Liên thơm ngát mùi hương sen. Những đóa sen vươn mình trong nắng vàng rực rỡ, nở rộ trên tán lá xanh mướt, khỏe khoắn.

Hoa phượng đã đỏ cành, bằng lăng trổ màu tím ngát khoe sắc cùng lớp lớp băng rôn, khẩu hiệu chào mừng kỷ niệm 133 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Dòng người từ khắp mọi miền Tổ quốc tìm về trong một niềm vui chung, niềm vui gặp Bác.

Dòng người về thăm quê Bác nhân dịp kỷ niệm 133 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh

Rảo bước trên con đường vào Khu di tích Kim Liên, nhiều cung bậc cảm xúc đan xen. Niềm hân hoan, xúc động xen lẫn sự tự hào và lòng thành kính. Về thăm quê Bác, mọi người đều cảm nhận được sự mộc mạc, giản dị của ngôi nhà tranh vách nứa, của những vật dụng đơn sơ, những luống lạc, vồng khoai lang hay hàng cau, bóng tre xanh rì rào trong gió, nghe kể câu chuyện về một người con vĩ đại của dân tộc. Tất cả đều cảm thấy như mình vừa được gặp Hồ Chủ tịch giữa bóng dáng quê hương. Dòng người từ muôn phương về quê Bác cứ thế kéo dài vô tận.

Trong bộ quân phục màu xanh áo lính, đoàn cựu chiến binh tổ dân số 2 phường Hà Huy Tập, TP Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh nghiêm trang, thành kính trước bàn thờ của Bác trong ngôi nhà 5 gian mái tranh . “Về thăm quê Bác, thăm Làng Sen quê Cha, Hoàng Trù quê Mẹ, thăm nơi Người sinh ra và trải qua thời thơ ấu, tôi thấy rất bình yên và linh thiêng. Mỗi kỷ vật gắn với thời niên thiếu của Bác là một câu chuyện đầy xúc động”, cựu chiến binh Đặng Thị Thu Thuận (SN 1965) tâm sự.

Người cựu chiến binh không nhớ mình đã bao nhiêu lần về thăm quê Bác. Lần đi cùng đoàn cựu chiến binh, lần lại về cùng con, cháu. Dù cảnh vật gần như không có gì thay đổi, vẫn mái nhà tranh đơn sơ khiêm nhường dưới bóng cây, vẫn ao sen ngát hương, vẫn những kỷ vật bình dị, thân thương… nhưng mỗi lần về thăm, bà thấy trong lòng lâng lâng khó tả.

“Lần nào cũng vậy, chỉ cần đến đoạn rẽ vào làng Sen là đã bồi hồi, cảm giác thân quen như được về thăm cha mình vậy. Dù đã nhiều lần về thăm quê Bác nhưng mỗi lần đặt chân lên mảnh đất này, lòng không khỏi bâng khuâng, xúc động. Có cảm giác như Bác của chúng ta vẫn còn ở quanh đây, đang dõi theo bước chân hành hương của con cháu khắp mọi miền. Cuộc đời Bác, giản dị, bao dung nhưng lại làm nên những điều vĩ đại”, người cựu binh xúc động.

Hơn 20 lần về thăm quê Bác, với cô Trần Thị Tuyết Nga, nguyên Hiệu trưởng trường THPT Kim Liên (quận Đống Đa, Hà Nội), cảm xúc bâng khuâng, tự hào vẫn vẹn nguyên. Cầm trên tay bó hoa huệ trắng, cô thành kính dâng lên Người, bày tỏ niềm xúc động về một tâm hồn cao cả, cả một đời hy sinh cho độc lập dân tộc, cho nhân dân. Cô bày tỏ sự ngưỡng mộ lối sống giản dị, gần gũi của Người mà lớp lớp thế hệ mãi mãi cần phải học tập noi theo.

“Từ mái nhà tranh này, Người đã lớn lên, đã nuôi chí lớn tìm đường giải phóng dân tộc, làm rạng danh non sông Việt Nam. Mỗi lần về thăm quê Bác, cảm giác thân thuộc như về chính quê hương của mình. Mong rằng quê hương Kim Liên nói riêng và quê hương Nghệ An nói chung ngày càng phát triển như sinh thời Bác Hồ hằng mong muốn”, cô Tuyết Nga chia sẻ.

Địa chỉ đỏ

Những ngày này, nườm nượp từng đoàn học sinh từ mầm non đến bậc tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông từ khắp mọi miền về thăm quê Bác. Dưới bóng tre xanh, các em học sinh trường Tiểu học Nghĩa Lộc 2 (huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An) ngồi ngay ngắn, say mê lắng nghe các cô thuyết minh viên kể chuyện về Bác Hồ.

“Cháu cảm thấy vinh dự và tự hào khi được các thầy cô đưa về quê thăm Bác, được nghe những câu chuyện về thời thơ ấu của Bác Hồ. Về đây, chúng cháu được thấy mái nhà tranh, những đồ dùng, kỷ vật đơn sơ của Bác mà vốn dĩ chỉ nhìn thấy qua phim ảnh, sách báo. Các cô thuyết minh viên nói rằng Bác Hồ rất yêu thiếu niên, nhi đồng, yêu những em bé chăm ngoan, học giỏi. Cháu cũng muốn được Bác Hồ yêu nên sẽ chăm ngoan, học giỏi”, em Hoàng Ngọc Linh, học sinh lớp 5 lần đầu tiên được về thăm quê Bác bày tỏ.

Các em học sinh trường Tiểu học Nghĩa Lộc 2 (huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An) ngồi ngay ngắn, say mê lắng nghe kể chuyện về Bác Hồ

Nổi bật với màu áo xanh tình nguyện, hơn 20 học sinh trung tâm Giáo dục nghề nghiệp, Giáo dục thường xuyên huyện Nam Đàn, Nghệ An hân hoan về thăm quê Bác trong dịp kỷ niệm 133 năm ngày sinh của Người.

Cầm trên tay bó cúc vàng tươi thắm, em Phan Thị Bảo (SN 2005) bày tỏ cảm xúc: “Ngắm nhìn những hiện vật gắn với cuộc sống, sinh hoạt bình dị thuở thiếu thời của Bác Hồ em luôn có cảm giác gần gũi, thân thương và xúc động. Từ mảnh đất nghèo khó này, Bác Hồ đã quyết tâm ra đi tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc. Là một người trẻ, đoàn viên thanh niên, chúng em nguyện hứa sẽ cố gắng học tập, noi theo tấm gương, tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh”.

Ngày nay, tại Khu di tích Kim Liên, những hình ảnh, tư liệu quý về Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được số hóa bằng việc quét mã QR, ứng dụng công nghệ thực tế ảo VR 360 độ và thực tế ảo tăng cường AR. Thông qua thao tác bấm, chạm, du khách có thể di chuyển nhiều vị trí, khu vực khác nhau trong không gian toàn cảnh của khu di tích.

Ông Nguyễn Bảo Tuấn – Giám đốc Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Kim Liên cho hay: “Kỷ niệm 133 năm ngày sinh của Bác Hồ, tại khu di tích diễn ra nhiều chương trình ý nghĩa, đặc sắc. Nhiều đoàn khách từ khắp mọi miền đất nước cũng đã về dâng hoa, dâng hương và tham quan tại quê Bác. Hệ thống các hiện vật và các hoạt động tại khu di tích sẽ giúp bà con nhân dân khắp mọi miền hiểu thêm về công lao, tình cảm của Người. Hiện, Khu di tích đang từng bước xây dựng hệ thống thuyết minh tự động để giúp du khách có thể dễ dàng tra cứu các thông tin khi đến tham quan”.

Theo Thu Hiền

Link gốc: https://tienphong.vn/tung-dong-nguoi-di-trong-thuong-nho-post1535585.tpo