Trường Mầm non Trần Đại Nghĩa: Lấy giáo dục nhân cách làm mục tiêu đào tạo
Ở Trường Mầm non Trần Đại Nghĩa, việc dạy đạo đức, lễ nghĩa cho học sinh được đặt lên hàng đầu. Đây cũng là ngôi trường mầm non đầu tiên ở thành phố Vinh được dạy học theo mô hình của Hệ thống Giáo dục Khai Minh Đức, một mô hình được đánh giá cao với việc lấy giáo dục nhân cách làm nền tảng.
Tính đến thời điểm này, Hệ thống giáo dục Khai Minh Đức mới tiếp quản Trường Mầm non Trần Đại Nghĩa được hơn 2 năm với gần 200 học sinh. Toàn bộ học sinh của trường hiện đang học tập trong khuôn viên rộng gần 6.000m² tại địa chỉ 167A đường Ngư Hải, thành phố Vinh. Trường mới, thầy cô mới nhưng chỉ sau một thời gian ngắn theo học, phụ huynh, học sinh đã xem đây là ngôi nhà thứ hai và yên tâm gửi gắm con trẻ bởi nhiều tính ưu việt…
Giới thiệu về Trường Mầm non Trần Đại Nghĩa, cô giáo Phạm Thị Tuyên (nguyên là giảng viên Trường Đại học Vinh) – Chủ tịch Hội đồng quản trị nhà trường không nói nhiều về chương trình, về đội ngũ, về các điều kiện tổ chức dạy và học. Thay vào đó, cô dành thời gian để chúng tôi cảm nhận về nhà trường thông qua các giờ dạy của các giáo viên, xem các hoạt động trải nghiệm của học trò và dự một số hoạt động thường xuyên của học sinh các lớp. Người đứng đầu nhà trường cũng hào hứng nói rằng: Ở Trường Mầm non Trần Đại Nghĩa, có rất nhiều sự khác biệt và chúng tôi tin rằng với chương trình dạy học của mình, học sinh của nhà trường sẽ tiến bộ từng ngày, các con sẽ ngoan ngoãn, hiếu thảo với cha mẹ, kính trọng thầy cô và chan hòa với bạn bè.
Như nhiều trường mầm non khác, giờ học của học sinh Trường Mầm non Trần Đại Nghĩa thường bắt đầu vào 8h sáng. Sau giờ ăn sáng, hoạt động chào buổi sáng là hoạt động thường nhật nhưng luôn được học sinh hứng thú tham gia. Thời lượng của chương trình chào buổi sáng thường chỉ kéo dài 20 phút, nhưng trong khoảng thời gian này các con được tập trung để tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa như cùng nhau đọc bài thơ “Phép tắc người con”. Đây là những đoạn thơ ngắn được biên soạn riêng cho học sinh của hệ thống giáo dục Khai Minh Đức. Qua những câu thơ được học và đọc mỗi ngày, học sinh sẽ dần dần hiểu được các đạo lý của người con như “ở nhà phải hiếu”, phải biết “kính trọng mọi người”, phải biết quý thời gian, biết yêu thương, biết cố gắng để trở thành con ngoan, trò giỏi, đội viên tốt.
Cũng trong hoạt động Chào buổi sáng, các con được dạy phải biết tri ân, cảm ơn ông bà cha mẹ, những người thân yêu trong gia đình; được nghe những câu chuyện bổ ích qua chương trình phát thanh của trường. Sáng thứ Hai hàng tuần, nhà trường tổ chức chào cờ để học sinh toàn trường được tham gia chung trong một hoạt động tập thể, cùng nhau hát Quốc ca, nói lời chúc yêu thương đầu ngày.
Có lẽ, sự khác biệt lớn nhất ở Trường Mầm non Trần Đại Nghĩa so với nhiều trường học khác đó chính là tính kỷ luật, lễ phép trong giao tiếp được giáo viên và học sinh thực hiện rất nghiêm túc. Nếu chứng kiến có thể bạn sẽ ngạc nhiên vì ngay từ khi bước chân vào cổng trường, học sinh sẽ cúi chào thầy giáo, cô giáo, chào bác bảo vệ, chào người lớn. Phụ huynh vào trường cũng sẽ nhận được sự cúi chào của giáo viên. Khách lạ đến thăm và làm việc với nhà trường, giáo viên và học sinh đều gập mình thay cho lời chào…
Bên cạnh việc chú trọng về giáo dục nhân cách, học sinh ở Trường Mầm non Trần Đại Nghĩa cũng được thầy cô rèn luyện cho tính tự lập, chia sẻ giúp đỡ người khác và cả những kỹ năng làm việc nhóm. Đơn giản như việc tổ chức các bữa ăn cho trẻ, các em sẽ được hướng dẫn theo từng nhóm, nhóm thì chia cơm, nhóm thì soạn bàn ăn, nhóm lại chuẩn bị bát đĩa. Trong quá trình trẻ ăn, cô giáo chỉ là người giám sát, trợ giúp còn trẻ sẽ tự ăn hết suất ăn. Sau mỗi bữa ăn, trẻ có ý thức tự thu dọn bát đĩa, lau dọn bàn ăn, thậm chí biết rửa bát đĩa…
Những bài học về kỹ năng còn được lồng ghép qua nhiều hoạt động tập thể, hoạt động ngoài trời, ôn luyện các kỹ năng “góc kỹ năng”. Cô giáo Nguyễn Phương Thảo – Hiệu trưởng nhà trường cũng nói thêm: Ở Trường Mầm non Trần Đại Nghĩa học sinh ngoài được học theo chương trình chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo chúng tôi còn lồng ghép nhiều hoạt động khác ngoài chương trình. Các tiết học được thiết kế một cách sinh động, gần gũi, phù hợp với từng độ tuổi để trẻ hứng thú. Qua một thời gian ngắn học tại trường, phụ huynh sẽ thấy rõ sự chuyển biến của con trẻ từ ý thức, hành động đến nhận thức và trẻ đến trường đều thấy vui và hào hứng.
Hệ thống giáo dục Khai Minh Đức bắt đầu xây dựng cơ sở mầm non đầu tiên tại Hà Nội từ năm 2014 với mục tiêu lấy nhân cách đạo đức làm nền tảng, kiến thức và kỹ năng là cần thiết để dạy dỗ con trẻ trở thành những con người toàn diện. Kế thừa những truyền thống tốt đẹp của nhà trường, Trường Mầm non Trần Đại Nghĩa cũng được hình thành từ những người có nhiều năm hoạt động trong ngành Giáo dục và tâm huyết với nghề. Sau 2 năm đi vào hoạt động, với nhiều ưu thế riêng, Trường Mầm non Trần Đại Nghĩa đang ngày càng được nhiều phụ huynh tin cậy và lựa chọn. Về phía nhà trường cũng đang nỗ lực cố gắng để xây dựng nhà trường thành một địa chỉ tin cậy. Ở đây, ngoài đội ngũ giáo viên được tuyển chọn kỹ càng, đạt chuẩn và trên chuẩn, có nghiệp vụ sư phạm, yêu nghề, mến trẻ. Nhà trường chú trọng vào việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, xây dựng và thiết kế chương trình. Ngoài ra, nhà trường quan tâm đến việc dinh dưỡng cho trẻ với việc tổ chức các bữa ăn sạch, sử dụng hoàn toàn thực phẩm organic để phù hợp với độ tuổi và sự phát triển của trẻ mầm non.
Đến với Trường Mầm non Trần Đại Nghĩa, phụ huynh cũng sẽ trở thành một thành viên chính thức trong đại gia đình của nhà trường. Hàng năm, nhà trường tổ chức Ngày hội thể thao để kết nối tất cả phụ huynh, học sinh nhà trường. Giáo dục con trẻ muốn tốt thì gia đình và nhà trường phải là một, vì vậy, trong quá trình theo học, nhà trường thường xuyên xây dựng và chia sẻ những chuyên đề về giáo dục cho phụ huynh với nhiều nội dung ý nghĩa như: Dạy trẻ điều gì, Đạo thầy trò, Chăm mẹ và con cái, Vấn đề của con trẻ hiện nay, Hành trang cho con vào lớp 1. Hàng tháng nhà trường tổ chức các sự kiện có sự tham gia của phụ huynh như lễ sinh nhật theo tháng giúp các con hiểu hơn về ơn đức của cha mẹ, mỗi tuần trẻ có một “Ngày yêu thương” để biết ơn bố mẹ, thầy cô, ông bà. Cuối năm học nhà trường có lễ tri ân dành cho học sinh chuẩn bị ra trường, lễ trưởng thành cho học sinh chuẩn bị vào lớp 1…
Nói về hoạt động của nhà trường, ông Phan Trung Phương – cố vấn cao cấp của Hệ thống giáo dục Khai Minh Đức cũng cho biết: Trong suốt 2 năm qua mặc dù thu chưa đủ bù chi, tuy nhiên với mục đích xây dựng một môi trường giáo dục toàn diện để trẻ có thể phát triển nhân cách sớm, trở thành “một người con hiểu chuyện, trên dưới, trước sau, trong ngoài, lễ phép” nhà trường vẫn kiên trì với mô hình của mình và không coi giáo dục là một loại hình kinh doanh: Chúng tôi có hai slogan về nhà trường, đó là “Khi nhân cách hoàn thiện trí tuệ sẽ nở hoa”, “Bạn không chỉ nghe chúng tôi nói mà hãy xem chúng tôi làm và cảm nhận sự trưởng thành của con bạn” và chúng tôi tin rằng nếu phụ huynh có con học ở trường sẽ cảm nhận rất rõ điều đó. Niềm vui, niềm hạnh phúc của chúng tôi là thấy các con ngoan, trò giỏi, một công dân tốt, có ích cho xã hội.
Lựa chọn mô hình giáo dục này, Chủ tịch Hội đồng quản trị của nhà trường cũng bày tỏ rất nhiều tâm tư, đó là việc giáo dục những con trẻ chân thành, thật thà, biết yêu thương, biết trân trọng. Cô giáo Nguyễn Thị Tuyên cũng nói rằng: Tôi nhận thấy, ngày nay, nhiều gia đình rất quan tâm con trẻ nhưng họ thường hướng con cái đến việc học kiến thức, kỹ năng. Kiến thức và kỹ năng là cần thiết nhưng chưa phải là tất cả nếu không nói là chưa đủ. Kiến thức và kỹ năng phải trên nền tảng gốc rễ của một nhân cách tốt thì sau này các con lớn lên mới không trở thành những cá nhân ích kỷ, lười nhác, không có tâm tri ân, báo ân, sống vô cảm.
Chính vì thế, mục tiêu của trường chúng tôi là dạy cho con trẻ, để ngay từ ngày nhỏ các em đã có thể “hiểu chuyện”, khơi dậy tâm thiện lành vốn có của các con. Ở trường chúng tôi, tuy chỉ mới thành lập nhưng tôi thấy hạnh phúc bởi sau một thời gian học và đồng hành với con tại nhà trường, nhiều phụ huynh đã thay đổi trong cách giáo dục con trẻ, cuộc sống gia đình họ cũng tốt hơn. Về lâu dài, tôi nghĩ rằng nếu bạn dạy dỗ một đứa trẻ chăm ngoan, học giỏi, chúng ta sẽ có một gia đình hạnh phúc, đầy tình yêu thương. Khi có nhiều gia đình hạnh phúc thì một xã hội có đạo đức, có nhân văn sẽ từ đó mà hình thành. Và phải chăng, đó là điều mong muốn của Đảng, của Nhà nước và của mỗi chúng ta.
Theo Mỹ Hà
Link gốc: https://baonghean.vn/truong-mam-non-tran-dai-nghia-lay-giao-duc-nhan-cach-lam-muc-tieu-dao-tao-post257201.html