Trưởng chi cục thuế nhận gần 400 triệu để bảo kê ‘trùm mua bán hoá đơn’

Cựu Chi cục trưởng Chi cục thuế Cát Hải bị cáo buộc nhận 362 triệu để tạo điều kiện, hướng dẫn vợ chồng Trương Xuân Đước thành lập công ty mua bán hóa đơn trái phép.

0

Trong số 13 bị can vừa bị Viện KSND tỉnh Quảng Ninh truy tố, bị can Nguyễn Đình Đương – cựu Chi cục trưởng Chi cục thuế huyện Cát Hải (Hải Phòng) và Đỗ Thanh Hoài – cựu nhân viên Chi Cục thuế huyện Cát Hải bị truy tố về tội “Nhận hối lộ” quy định tại các điểm c, d khoản 2, Điều 354 Bộ luật hình sự.

Hai bị can này liên quan vụ án Trương Xuân Đước (SN 1971, trú tại Hải Phòng) và đồng phạm “Mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ nộp ngân sách Nhà nước”.

Trưởng chi cục thuế nhận “bảo kê” doanh nghiệp

Theo cáo trạng truy tố, khoảng tháng 8/2021, Trương Xuân Đước biết Nguyễn Đình Đương được phân công, bổ nhiệm làm Chi cục trưởng Chi cục thuế huyện Cát Hải.

Do có mối quan hệ quen biết từ trước, Đước đến Chi cục thuế Cát Hải gặp, nhờ Đương giúp trong lĩnh vực quản lý thuế đối với một số công ty Đước sẽ thành lập để mua bán trái phép hóa đơn trên huyện Cát Hải và được Đương đồng ý.

Nguyễn Đình Đương (áo xanh, tay cầm vải trắng) bị cơ quan công an bắt giữ tối 13/3/2023.

Sau đó, Trương Xuân Đước thành lập Công ty TNHH Phát triển Thương mại vận tải Phương Bắc (đăng ký trụ sở ở xã Văn Phong, huyện Cát Hải) để hoạt động mua bán trái phép hóa đơn.

Đến kỳ kê khai thuế đầu tiên của Công ty vận tải Phương Bắc (kỳ kê khai thuế quý 3/2021), Đỗ Thanh Hoài là Đội phó Đội Kiểm tra thuế Chi cục thuế huyện Cát Hải báo cáo Đương về việc Công ty Vận tải Phương Bắc mới thành lập, kê khai thuế lần đầu mà giá trị hàng hóa dịch vụ bán ra cao bất thường (gần 25 tỷ đồng, chưa tính thuế VAT).

Lúc này, Đương nói cho Hoài biết, Công ty Vận tải Phương Bắc là công ty Đước thành lập, quản lý, điều hành để hoạt động mua bán trái phép hóa đơn và chỉ đạo Hoài tạo điều kiện trong hoạt động quản lý thuế. Đương cho Hoài số điện thoại và chỉ đạo Hoài gọi Đước đến Chi cục thuế huyện Cát Hải để xử lý việc kê khai thuế cao bất thường của Công ty Vận tải Phương Bắc.

Khi Đước cùng vợ là Nguyễn Thị Ngọc Anh đến phòng làm việc của Đương tại Chi cục thuế huyện Cát Hải, Đương gọi Hoài đến chỉ đạo Hoài hướng dẫn Đước và Ngọc Anh cách thức kê khai thuế để không bị cơ quan chức năng phát hiện hoạt động mua bán trái phép hóa đơn.

Đồng thời, theo chỉ đạo của Đương, Hoài trao đổi, yêu cầu vợ chồng Đước, Ngọc Anh thực hiện 3 nội dung: Thứ nhất, kê khai thuế hàng tháng phát sinh giao dịch hàng hóa, dịch vụ bán ra thấp xuống so với thực tế tổng số hóa đơn trái phép đã xuất cho khách hàng từ 3, 4 tỷ đồng/tháng để tránh bị nghi ngờ, do huyện Cát Hải là địa bàn biển đảo, xa đất liền, việc làm ăn kinh doanh khó khăn nên không thể kê cao.

Thứ hai, mỗi doanh nghiệp thành lập mới để hoạt động mua bán trái phép hóa đơn tại huyện Cát Hải, Đước và Ngọc Anh phải chi phí số tiền 50 triệu đồng.

Thứ ba, hàng tháng chi phí tiền cho Đương và Hoài theo tỷ lệ 3 triệu/1 tỷ đồng giá trị giao dịch hàng hóa, dịch vụ bán ra ghi trên hóa đơn (chưa tính thuế VAT).

Hoài cũng yêu cầu Đước, Ngọc Anh điều chỉnh, nộp tờ khai thuế bổ sung quý 3/2021 của Công ty Vận tải Phương Bắc giảm xuống theo yêu cầu trên.

Vợ chồng Đước, Ngọc Anh đồng ý với các yêu cầu của Hoài và giao cho kế toán là Vũ Thị Hiền điều chỉnh, nộp tờ khai bổ sung quý 3/2021 của Công ty Vận tải Phương Bắc, giá trị hàng hóa, dịch vụ bán ra sau khi điều chỉnh là hơn 8 tỷ đồng (chưa tính thuế VAT).

Quá trình gặp gỡ tại phòng làm việc của Đương, vợ chồng Đước, Ngọc Anh đưa một phong bì trong đó có 50 triệu đồng cho Đương và một phong bì 20 triệu đồng cho Hoài để cảm ơn.

Bắt đầu từ tháng 10/2021, vợ chồng Đước, Ngọc Anh thành lập thêm Công ty Cổ phần Xây dựng Thăng Long Hải Phòng, Công ty TNHH Phát triển thương mại xây dựng Nguyễn Gia (cùng địa chỉ ở xã Văn Phong) để hoạt động mua bán trái phép hóa đơn trên địa bàn huyện Cát Hải và đưa tiền chi phí cho Đương, Hoài theo thỏa thuận.

Hàng tháng, theo chỉ đạo của Đương, Hoài liên hệ với Ngọc Anh nhận tiền chi phí. Ngọc Anh trực tiếp theo dõi giá trị giao dịch hàng hóa, dịch vụ tính toán ra số tiền cần chi phí theo thỏa thuận, báo cáo lại Đước để lấy tiền đưa cho Hoài.

Nhận 362 triệu từ “trùm mua bán hoá đơn”

Quá trình điều tra vụ án xác định, trong thời gian từ tháng 8/2021 đến tháng 8/2022, Trương Xuân Đước và Nguyễn Thị Ngọc Anh đưa cho Nguyễn Đình Đương, Đỗ Thanh Hoài tổng số tiền 362 triệu đồng, gồm 70 triệu đồng tiền phong bì nhận tại phòng làm việc của Đương; 100 triệu đồng tiền thành lập 2 công ty (Công ty Thăng Long Hải Phòng, Công ty Nguyễn Gia) và 192 triệu đồng tiền chi phí theo tỷ lệ 3 triệu đồng/1 tỷ đồng giá trị giao dịch hàng hóa, dịch vụ bán ra ghi trên hóa đơn (chưa tính thuế VAT) theo thỏa thuận đã thống nhất trước đó.

Về số tiền nhận được trên, Đương, Hoài khai, Đương được hưởng lợi 50 triệu đồng và Hoài được hưởng lợi 20 triệu đồng là tiền phong bì nhận tại phòng làm việc của Đương trong lần gặp Đước, Ngọc Anh tại Chi cục thuế huyện Cát Hải.

Đối với số tiền 292 triệu đồng còn lại, Hoài quản lý, sử dụng để tiếp khách và chi phí cho các hoạt động chung của Chi cục thuế huyện Cát Hải theo chỉ đạo của Đương song không có giấy tờ, sổ sách theo dõi.

Tối 13/3/2023, Công an tỉnh Quảng Ninh đã khám xét nhà riêng, bắt giữ Nguyễn Đình Đương để điều tra hành vi nhận hối lộ. Cùng ngày, cơ quan công an cũng bắt Đỗ Thanh Hoài cùng về hành vi này.

Trong vụ án này, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Quảng Ninh khởi tố bị can, bắt tạm giam Trương Xuân Đước (SN 1971), Nguyễn Thị Ngọc Anh (SN 1979, vợ Đước), Trương Văn Nam (SN 1990), đều trú tại TP Hải Phòng.

Trước khi bị bắt, khoảng tháng 10/2022, vợ chồng Đước biết tin Trương Văn Nam (là cháu của Trương Xuân Đước) bị Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Quảng Ninh bắt, khám xét liên quan đến hành vi mua bán trái phép hóa đơn, đồng thời cũng điều tra, xác minh về công ty của Đước và Ngọc Anh quản lý, điều hành.

Lo sợ bị xử lý liên quan đến hoạt động mua bán trái phép hóa đơn, Đước đã bỏ trốn và chỉ đạo Ngọc Anh đến gặp ông Đỗ Hữu Ca – cựu Giám đốc Công an TP Hải Phòng (đã nghỉ hưu, là người có mối quan hệ thân thiết với Đước) để nhờ chạy tội.

Từ cuối tháng 10/2022 đến khoảng tháng 12/2022, vợ chồng Trương Xuân Đước và Nguyễn Thị Ngọc Anh (SN 1979) đã 4 lần đến gặp và đưa tổng cộng 35 tỷ đồng cho ông Đỗ Hữu Ca tại nhà riêng ở xã Kênh Giang để nhờ chạy án cho Đước không bị Công an Quảng Ninh xử lý hình sự về hoạt động mua bán trái phép hóa đơn.

Tuy nhiên, ông Ca khai rằng, thời điểm đó bản thân đã nghỉ hưu nhiều năm, các mối quan hệ không còn nhiều, không còn khả năng chạy tội cho Đước và cũng không tác động, sử dụng số tiền 35 tỷ đồng để chạy tội cho Đước.

Cựu Giám đốc Công an TP Hải Phòng cũng không thừa nhận việc nhận tiền để chạy tội cho Đước mà số tiền này do Đước và Ngọc Anh chủ động mang đến để vào trong phòng khách và phòng ngủ tầng 1 của ông Ca.

Ông Đỗ Hữu Ca bị cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Quảng Ninh khởi tố, bắt tạm giam về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” vào ngày 18/2/2023 và bị Viện KSND tỉnh Quảng Ninh truy tố cùng tội danh.

Tác giả: Nguyễn Huệ

Nguồn: VTC.VN