Trả lương thấp hơn công nhân khiến địa phương gặp khó khi tuyển GV hợp đồng
Phó Giám đốc sở GD&ĐT Nghệ An cho biết, ở vùng sâu, vùng xa khó khăn trong nguồn tuyển nhiều hơn từ khi nâng chuẩn trình độ theo Luật Giáo dục 2019.
Năm học mới, sự thiếu hụt giáo viên đang là vấn đề thách thức với nhiều địa phương hiện nay.
Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Văn Khoa, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An cho biết, địa phương này đang thiếu giáo viên trầm trọng nhất ở bậc mầm non.
Năm nay, toàn tỉnh được được bổ sung 2.800 biên chế và biên chế dành cho giáo viên mầm non là 2.100. Tỉnh sẽ ưu tiên đưa đội ngũ giáo viên hợp đồng vào biên chế trước, còn lại bao nhiêu thì tuyển bổ sung.
Hiện nay Sở Giáo dục và Đào tạo đang sàng lọc quy trình, xin ý kiến của Ủy ban nhân dân tỉnh để phân bổ chỉ tiêu biên chế cho từng địa phương, cố gắng để khoảng cuối tháng 10 các địa phương có đủ biên chế.
Tuy nhiên, kể cả khi bổ sung thêm 2.100 biên chế thì giáo dục mầm non của địa phương này vẫn đang thiếu khoảng 2.900 giáo viên. Một số huyện thiếu nhiều giáo viên mầm non nhất như Quỳnh Lưu, Yên Thành,…
Theo ông Khoa, khó khăn trong tuyển dụng giáo viên hiện nay là hạn chế về nguồn tuyển, đặc biệt là ở vùng sâu vùng xa, một phần vì theo Luật Giáo dục 2019 chuẩn đào tạo giáo viên được nâng lên nên số đối tượng dự tuyển cũng giảm.
Theo Luật Giáo dục 2019, giáo viên mầm non phải đạt trình độ đào tạo từ cao đẳng trở lên, một số vùng miền núi dù giao chỉ tiêu nhưng số lượng dự tuyển không đảm bảo được, cụ thể như các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong. Còn vùng đồng bằng, thành phố thì vẫn thuận lợi hơn.
“Sau khi giao chỉ tiêu rồi mà trường nào vẫn còn thiếu giáo viên thì cố gắng thực hiện các giải pháp khác như tuyển giáo viên hợp đồng.
Tuy nhiên, tuyển cũng khó vì lương giáo viên hợp đồng còn rất thấp, chỉ từ 3 -3,5 triệu đồng/tháng.
Những người có trình độ đào tạo mà làm việc hợp đồng lương thấp, tương lai bấp bênh thì thay vì tham gia hợp đồng dạy cho các cơ sở giáo dục mầm non, họ lựa chọn vào làm các khu công nghiệp hoặc các lĩnh vực khác để có thu nhập cao hơn”, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An thông tin.
Tránh cào bằng trong bổ sung biên chế cho từng địa bàn
Không riêng tỉnh Nghệ An, nhiều địa phương cũng đang thiếu giáo viên với số lượng lớn như tỉnh Bình Dương, Thanh Hóa, Gia Lai,…
Theo Quyết định số 72-QĐ/TW, ngày 18/7/2022 của Bộ Chính trị, năm học 2021-2022, tổng số giáo viên tại các địa phương là 1.212.684 người, số giáo viên thiếu là 101.745 người.
Chia sẻ với phóng viên về vấn đề này, Giáo sư Huỳnh Văn Sơn – Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, năm học 2022 – 2023 đã vừa khai giảng, Bộ Chính trị giao bổ sung 65.980 biên chế giáo viên trong giai đoạn 2022-2026, riêng năm học 2022-2023 giao bổ sung 27.850 biên chế giáo viên mầm non, phổ thông công lập.
Trong thời gian vừa qua, số giáo viên vừa ra trường trong toàn quốc và cả số giáo viên trước đó cũng đã đáp ứng phần nào số lượng tuyển.
Ở đây, cần nhìn nhận nhiều vấn đề để có một tư duy cân bằng.
Thứ nhất, chương trình giáo dục phổ thông 2018 triển khai đến lớp 3, 7, 10 sẽ có một số môn mới và nhu cầu giáo viên cần đáp ứng là nhu cầu có thật. Tuy nhiên, ở lớp 10, cần có thực tế chọn nhóm môn của học sinh để đảm bảo cái nhìn thực tiễn và có dự báo cho các năm sau.
Thứ hai, số giáo viên ra trường ở một số ngành mới cho năm học này bắt đầu đáp ứng một phần, nhất là năm sau, sinh viên nhiều ngành như: sư phạm Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý… đều tốt nghiệp ở các trường sẽ đáp ứng thêm nhu cầu nhân lực.
Thứ ba, số giáo viên được bồi dưỡng từ số giáo viên hiện tại hay sinh viên sư phạm tốt nghiệp theo các hướng dẫn bồi dưỡng giáo viên môn mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo qua các thông tư cũng sẽ đáp ứng nhân lực cho ngành.
Thứ tư, thị trường lao động nói chung trong đó có ngành giáo dục bị ảnh hưởng nhất định trong mùa dịch nên chắc chắn số sinh viên sư phạm và số giáo viên chưa gắn với ngành có xảy ra.
Khi dịch bệnh đã ổn định, hệ thống trường mầm non, phổ thông hoạt động đều hơn, sẽ phần nào thu hút và cân bằng thị trường ở một góc nhìn nào đó.
Thứ năm, giáo viên mầm non có nhu cầu cao thực sự vì số trẻ đến trường công sau dịch tăng nhiều, không loại trừ trường hợp các nhóm trẻ gia đình, trường mầm non tư thục chưa hoạt động lại cho thấy nhu cầu chỗ học, giáo viên công bị ảnh hưởng nhiều. Đây là một trong những thực tế cho thấy áp lực có thể xảy ra nên cần đáp ứng nhu cầu và cần có dự báo để định hướng phát triển nhân lực trong ngành.
Ngoài ra, định hướng cho thấy số nhân sự được bổ sung này còn góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, hiệu quả thực thi chương trình giáo dục mầm non nhất là chương trình giáo dục phổ thông 2018 hiện nay.
Tóm lại, thông tin bổ sung biên chế giáo viên giáo viên trước thềm năm học mới mang tính tích cực để đáp ứng nhu cầu nhân sự, có tính toán đến vấn đề nâng cao chất lượng giáo dục của nước ta hiện nay.
Giáo sư Huỳnh Văn Sơn cũng cho rằng, con số 27.850 biên chế giáo viên trong năm học này là con số toàn quốc cần, thực tế để tuyển số lượng này cần nhiều biện pháp và chúng ta cũng cần đặt trong bối cảnh từng quận, huyện, tỉnh thành để tránh cào bằng.
Có một vấn đề cần khẳng định là nhân lực trong ngành vẫn có thể có được bằng nhiều cách như: tuyển dụng, hợp đồng; khai thác nhân lực dạy ngoài giờ… ở ngành.
Nói như thế để tránh các áp lực tự thân hay các suy nghĩ rằng ngành đang quá thiếu nhân lực và không thể thực thi chương trình. Đó là chưa kể số lao động hợp đồng có thể chuyển dần sang định biên theo thực tế.
Ở góc độ khác, cần nhìn nhận rằng nếu nhu cầu thị trường có 27.850 biên chế giáo viên trong năm học, các trường đào tạo giáo viên sẽ đảm bảo luận cứ đào tạo theo nhu cầu, mà một trong những định hướng là đào tạo theo Nghị định 116/2020/NĐ-CP.
Tuy vậy, thực tế vẫn phải được tháo gỡ ở các tỉnh thành. nhất là về sự nhất quán trong quản lý đặt hàng, đánh giá để đảm bảo việc đặt hàng đào tạo giáo viên hiệu quả bằng sự tự tin từ hai phía mới tạo ra tác động tích cực.
Theo Phạm Minh
Link gốc: https://giaoduc.net.vn/tra-luong-thap-hon-cong-nhan-khien-dia-phuong-gap-kho-khi-tuyen-gv-hop-dong-post229422.gd