Tổng Bí thư Tô Lâm: Rất bức xúc, một tờ giấy khai sinh thôi cũng phải 5-6 cơ quan tham gia
Nhắc lại chuyện bộ máy nặng nề, một việc nhiều người làm, không ai chịu trách nhiệm chính, Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu phải rất rành mạch những chuyện như vậy vì chính quyền phục vụ nhân dân.
Sáng 31-10, nêu ý kiến tại tổ, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhắc đến việc một vấn đề mà không biết ai chủ trì.
Cát, đá, sỏi 5-6 bộ cùng nghiên cứu nhưng không biết ai chủ trì
Tổng Bí thư dẫn chứng vừa qua tập trung giải quyết vấn đề cát, đá, sỏi và 5-6 bộ cùng tập trung nghiên cứu nhưng không biết ai chủ trì.
Trong đó, Bộ Giao thông vận tải nói sông này nếu khơi thông luồng lạch cho giao thông thì bộ có trách nhiệm và nếu doanh nghiệp nào làm khai thác lòng sông sẽ trả tiền vì giúp khơi thông luồng lạch.
Còn Bộ Tài nguyên và Môi trường nói không được, vì đây là kho tài nguyên của tôi, ai muốn khai thác phải trả tiền. Trong khi Bộ Xây dựng lại nói đây là nguyên vật liệu xây dựng…
“Một vấn đề thôi bao nhiêu cuộc họp bàn lên bàn xuống, nhưng hỏi ai chịu trách nhiệm chính về cát, sỏi, lòng sông thì chả biết ai. Bộ máy cứ như thế làm sao chịu được, không thể chịu được những cái cồng kềnh”, Tổng Bí thư đánh giá và cho rằng với địa phương cũng lại sở giao thông vận tải, sở tài nguyên và môi trường…
Theo Tổng Bí thư, doanh nghiệp cũng khổ sở, muốn làm gì về cát, đá, sỏi hỏi đủ thứ ý kiến, rồi UBND tỉnh quyết định, huyện chịu trách nhiệm quản lý, mà lại vẫn tiêu cực.
“Quản lý như vậy đâu có phải hay, được đâu. Cát, đá, sỏi lòng sông là khe hở, người dân có được thụ hưởng đâu.
Cát cấp cho doanh nghiệp khai thác lên, giá bán, giá mua đã lằng nhằng, doanh nghiệp lời như thế, khai thác chui… rất tiêu cực.
Thậm chí tội phạm cũng xen vào, từ vận chuyển, khai thác đến đổ vào các khu công nghiệp, công trình công… có bóng dáng tội phạm lợi dụng cơ chế.
Các chủ tịch địa phương rất nhức đầu, thậm chí, khống chế lại cả chính quyền, “nếu cho ông kia làm, không cho tôi làm thì chết với tôi”, đe dọa như thế. Như vậy, hiệu lực quản lý đến đâu? Đây là vấn đề cần xem xét”, Tổng Bí thư chỉ rõ.
Rà soát lại xem, cách gì để phục vụ nhân dân tốt hơn
Tổng Bí thư Tô Lâm nhắc lại chuyện bộ máy nặng nề, “một việc nhiều người làm, không ai chịu trách nhiệm chính” hay trường hợp việc người ta làm được nhưng mình cứ giành lại để làm, kìm hãm người khác.
Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu phải rất rành mạch về những chuyện như vậy vì chính quyền phục vụ nhân dân.
Ông dẫn chứng vừa qua rất bức xúc khi rà soát tới tận phường, xã, xóm, có những người không muốn chuyển đổi số. Họ cho rằng “ơ, chuyển đổi số thế này chúng em mất việc à?”.
Theo Tổng Bí thư, trước đây “một cửa” cũng rất hay rồi, nhưng bây giờ còn hay hơn thế là “không còn cửa nào cả”.
“Một cửa vẫn là thủ tục, vẫn lằng nhằng, phải cải cách. Nhiều lần tôi nói rất bức xúc việc một tờ giấy khai sinh thôi, 5-6 cơ quan phải tham gia vào.
Dân mất cả tuần đến 10 ngày, có khi người ta cũng chán, chả đi làm, chả vấn đề gì. Nhưng không được, đã là thủ tục phải làm và phải cải cách”, Tổng Bí thư nói.
Ông nêu việc một bà mẹ sinh con ra, giấy chứng sinh của trạm y tế cấp, rồi mang giấy đó sang công an lấy số định danh. Có số định danh sang tư pháp để lấy giấy khai sinh. Có giấy khai sinh lại quay trở về công an làm hộ khẩu, rồi sang y tế làm bảo hiểm…
“Tại sao không để ở ngay tại trạm y tế đó cho phép người mẹ 1-2 ngày hoàn thành tất cả các thủ tục và khi người ta bế con về là đầy đủ giấy tờ? Khi đó dân có sướng không? Tại sao lại phải sang tư pháp gì nữa khi đương nhiên người ta có cái đó rồi mà phải đi trình bày, làm những chuyện khổ như thế?”, Tổng Bí thư nêu.
Về thắc mắc cán bộ tư pháp ở xã sẽ làm việc gì, Tổng Bí thư cho rằng cán bộ tư pháp xã chỉ hướng dẫn pháp luật, tư vấn luật pháp cho nhân dân, không phải làm thủ tục hành chính nữa.
“Phải rất chi tiết, rà soát lại xem, cách gì để phục vụ nhân dân tốt hơn, cách gì để giảm công sức vào những việc không cần thiết.
Rất nhiều việc, đòi hỏi phải cải cách thủ tục hành chính, giảm bớt bộ máy”, Tổng Bí thư nói thêm.
Tổng Bí thư cũng yêu cầu phải đi vào thực tế, phải rà soát những việc rất chi tiết, rất cụ thể mới đổi mới được.
“Đây là một cuộc cách mạng. Nghị quyết Trung ương đã nói, nhưng phải “thấm” tới từng chi bộ, từng đảng viên, chứ không phải việc giảm biên chế là của Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Nội vụ hay các cơ quan. Tất cả mọi người đều phải tham gia vào công cuộc này, từ những công việc cụ thể”, Tổng Bí thư nêu thêm.
Nhắc lại dịp dự khai giảng năm học mới tại Học viện Nông nghiệp mới đây, Tổng Bí thư cho biết ông đã nói với các sinh viên phải bỏ khái niệm “đi xin việc”.
Theo Tổng Bí thư, chúng ta có sức khỏe, trí tuệ, khao khát, không phụ thuộc vào đâu cả.
“Mình bé mình làm vừa sức để lo cho bản thân, vợ con, bố mẹ, họ hàng, sau đó làng xã…. Chả có ông lớn nào mà không đi lên từ nhỏ bé cả, không việc lớn nào mà không từ việc vừa và nhỏ cả.
Khi mình làm tốt rồi, cơ quan nhà nước mời vào làm để đóng góp cho đất nước…”, Tổng Bí thư chia sẻ.
Tác giả: Thành Chung
Nguồn: tuoitre.vn