Tình huống pháp lý vụ sập trần lớp học ở tỉnh Nghệ An

Về vụ việc sập trần lớp học tại tỉnh Nghệ An, luật sư nêu, trong trường hợp người thi công thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng như làm chết người hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Hiện trường vụ sập trần nhà tại lớp 11A9, Trường phổ thông Hermann Gmeiner Vinh. Ảnh: Hải Đăng

Sự việc đáng tiếc

Thăm hỏi, động viên các học sinh và gia đình là nạn nhân của vụ sập trần gỗ lớp học xảy ra vào sáng 21/12, tại phòng học lớp 11A9, Trường PT Hermann Gmeiner, TP Vinh, tỉnh Nghệ An, lãnh đạo ngành giáo dục tỉnh Nghệ An yêu cầu các nhà trường rà soát lại cơ sở vật chất để không xảy ra sự cố tương tự.

Đại diện Phòng Giáo dục và Đào tạo TP Vinh cũng cho biết, đã yêu cầu tất cả các trường học trên địa bàn TP Vinh rà soát lại toàn bộ cơ sở vật chất và báo cáo ngay với TP nếu có nguy cơ mất an toàn.

Trước đó, khoảng 7h40 ngày 21/12 tại Trường PT Hermann Gmeiner, phường Hưng Phúc, TP Vinh xảy ra sự việc sập trần phòng học lớp 11A9. Vào thời điểm trên, hàng chục học sinh lớp 11A9 đang ở trong phòng học thì phần trần gỗ bất ngờ đổ sập.

Vụ tai nạn đáng tiếc xảy ra đã khiến 10 học sinh bị nhập viện. Đến chiều 21/12, có 7 học sinh bị xây xát nhẹ đã được ra viện. Một học sinh nữ được chẩn đoán ban đầu gãy cột sống đã được chuyển ra Hà Nội để điều trị. Ngoài ra, có 2 học sinh đang phải tiếp tục điều trị ở Bệnh viện Đa khoa 115, trong đó, có một em bị gãy cẳng chân và một học sinh đang tiếp tục được theo dõi chấn thương sọ não.

Nhận định từ luật sư

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Đinh Thị Nguyên – Giám đốc Công ty Luật TNHH Đại Đông Á, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, đây là vụ tai nạn thương tâm và gây nguy hiểm cho nhiều em học sinh. Luật sư cho rằng, trước tiên, nhà trường phải đảm bảo ổn định tinh thần cho các em học sinh, đảm bảo cho các học sinh tiếp tục học tại các lớp đảm bảo an toàn, với lớp xảy ra sự cố, cơ quan chức năng sẽ phong tỏa để tiến hành xác minh làm rõ nguyên nhân. Đồng thời, nhà trường có trách nhiệm bồi thường hỗ trợ cho các em học sinh chi phí cứu chữa và các chi phí phát sinh trong quá trình nằm viện.

Ngoài tiền bảo hiểm thân thể mà các em được hưởng theo quy định của pháp luật về bảo hiểm, những thiệt hại vật chất, thiệt hại về sức khỏe, tinh thần trong vụ tai nạn này, người có lỗi gây thiệt hại, hoàn toàn chịu trách nhiệm bồi thường. Trách nhiệm trước tiên thuộc về nhà trường khi vụ tai nạn xảy ra trong quá trình học sinh học tập tại trường này.

Vị chuyên gia phân tích, Điều 605, Bộ luật Dân sự quy định, chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý, sử dụng nhà cửa, công trình xây dựng khác phải bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác đó gây thiệt hại cho người khác. Khi người thi công có lỗi trong việc để nhà cửa, công trình xây dựng khác gây thiệt hại phải liên đới bồi thường.

Vì vậy, căn cứ vào Điều 605, Bộ luật Dân sự nêu trên, nhà trường phải có trách nhiệm phải bồi thường thiệt hại do công trình xây dựng của nhà trường gây ra. Trường hợp người thi công có lỗi trong việc để công trình gây thiệt hại, người thi công phải chịu trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại. Bởi vậy cơ quan chức năng sẽ làm rõ quá trình thi công trần gỗ được thực hiện ra sao, có dấu hiệu vi phạm hay không để xem xét trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định của pháp luật.

Nếu có vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng, người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo quy định tại Điều 360, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung 2017. Người thực hiện hành vi vi phạm có thể bị phạt tù thấp nhất là 6 tháng, cao nhất lên tới 12 năm, ngoài ra còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm và phải bồi thường thiệt hại do hành vi vi phạm của mình gây ra.

Luật sư Nguyên chia sẻ thêm, các vụ việc như trên xảy ra là những bài học đắt giá để trường học phải thường xuyên kiểm tra, sửa chữa trong năm học mới, đồng thời tăng cường việc bổ sung kiến thức phòng tránh tai nạn trong trường học cho học sinh để tránh các vụ việc thương tâm. Tai nạn có thể xảy ra với bất kỳ ai, thậm chí các thầy cô giáo cũng có thể trở thành nạn nhân.

Vì vậy, các cơ sở giáo dục đào tạo, cần phải có một bộ phận chuyên môn, thường xuyên kiểm tra, đánh giá mức độ an toàn về cơ sở vật chất, hạng mục công trình. Nếu phát hiện cơ sở vật chất có dấu hiệu hư hỏng, bong tróc thì cần nhanh chóng báo cáo với hiệu trưởng để kịp thời xử lý, khắc phục, đảm bảo an toàn lớp học.

Tác giả: Thái An

Nguồn: phapluatxahoi.kinhtedothi.vn