Tìm thuê Tôn Ngộ Không, trả lương gần 1.000 USD/tháng chỉ để ăn chuối

Khu thắng cảnh Ngũ Chỉ Sơn ở tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc hiện gây chú ý khi người hóa trang thành nhân vật huyền thoại Tôn Ngộ Không với mức lương hơn 840 USD/tháng. Đổi lại, nhân viên phải ở trong hang động dưới chân núi và ăn chuối từ khách du lịch ném cho.

0

Theo Shangyou New, công việc kể trên không yêu cầu có kỹ năng nhào lộn và hoạt động mạo hiểm. Nhân viên chỉ cần hoá trang thật giống với Tôn Ngộ Không, có thể thân thiện và tương tác với khách du lịch hàng ngày.

Truyền thuyết về Tôn Ngộ Không có mức độ phổ biến ở Trung Quốc tương đương với truyện cổ tích Grimms ở phương Tây. Tác phẩm này đã nuôi dưỡng trí tưởng tượng của vô số trẻ em và truyền cảm hứng cho nhiều sản phẩm điện ảnh ngày nay.

Một nhân viên hóa trang thành Tôn Ngộ Không tại khu du lịch Ngũ Chỉ Sơn.

Tại khu thắng cảnh Ngũ Chỉ Sơn, người được ban quản lý chọn sẽ phải đeo mặt nạ khỉ và mặc trang phục của “Tôn Hành Giả”, ẩn náu trong một hang động dưới chân núi. Người này phải nhận tất cả số đồ ăn nhẹ do trẻ em tới tham quan cho như táo, mì ăn liền và tất nhiên là rất nhiều chuối.

“Công việc này không yêu cầu về trình độ học vấn mà chỉ cần có niềm đam mê với Tôn Ngộ Không, khả năng diễn xuất nhất định và sự hoạt bát, vui vẻ, thân thiện để tương tác với khách du lịch. Hiện đã có 2 nhân viên được thuê để đóng vai nhân vật này và bây giờ chỉ cần thêm một người nữa”, nhân viên quản lý khu thắng cảnh cho biết.

Bên cạnh đó, nhân viên quản lý thông báo các diễn viên không cần thiết phải ăn hết đồ ăn được cung cấp ngay tại chỗ. Họ có thể để phần một ít chuối để chia sẻ với đồng nghiệp sau ca làm việc. Cho đến nay, ban quản lý cũng đã lắp đặt một máy sưởi điện bên trong hang phục vụ nhân viên khi trời trở nên quá lạnh.

Nhân viên hoá trang đều là những người yêu thích nhân vật Tôn Ngộ Không.

Trong khi đó, một nhân viên hoá trang thành Tôn Ngộ Không ở địa điểm này chia sẻ: “Tôi thích đóng vai Tôn Ngộ Không từ khi còn nhỏ. Tôi hy vọng mình có thể truyền lại niềm vui và ký ức thời thơ ấu của mình và truyền bá văn hóa Trung Quốc, đồng thời hướng sự chú ý đến sức khỏe tinh thần của trẻ em và thanh thiếu niên”.

Tác giả: Trần Đình

Nguồn: tienphong.vn