Thuyền chờ trực vớt cá vàng ngày cúng ông Công, ông Táo gây bức xúc

Trong ngày tiễn ông Công, ông Táo lên chầu trời, nhiều người tỏ ra bức xúc vì cá vừa thả xuống sông đã có một đội đi thuyền vợt bắt.

0

Theo phong tục văn hóa cổ truyền của người Việt Nam, cứ đến 23 tháng Chạp hàng năm, gia đình sẽ làm mâm cơm cúng tiễn ông Công, ông Táo. Người dân quan niệm rằng, Táo quân cưỡi cá chép bay về trời để báo cáo lên Ngọc Hoàng những việc đã làm và chưa làm được trong năm vừa qua. Cho đến đêm Giao thừa, Táo Quân mới trở lại trần gian để tiếp tục công việc trông coi bếp lửa.

Ngoài ra, phong tục thả cá chép còn thể hiện sự từ bi của người Việt Nam.

Người dân sau khi thắp hương cúng để ông Công, ông Táo thì đưa cá vàng ra thả ở sông Vinh, khu vực gần chợ Vinh.

Theo ghi nhận của phóng viên, khu vực sông Vinh nước cũng đã vấy đục do rác thải của những hộ dân đổ trực tiếp xuống hồ,… Thế nhưng nhiều người vẫn quyết định chọn đây là nơi để phóng sinh cá chép cho ông Công – ông Táo về chầu trời.

Tuy nhiên, việc làm này đã bị một số người lợi dụng để kiếm tiền bất chính. Hai người này đang chờ người dân thả cá để dùng kích hoặc vợt bắt cá mà người dân vừa mới thả ra.

Họ dùng vợt và kích điện để vớt cá người dân vừa thả xong. Nhiều người tỏ ra bất bình trước những hành vi này. Theo nhiều người dân, luồng điện nhẹ chỉ đủ làm bất tỉnh trong ít phút, những chú cá này sẽ tiếp tục bị mang ra chợ, bán. Bà Phạm Thị Lài, SN 1959, trú tại Tp.Vinh cho biết, “Cá chúng tôi vừa thà thì bị chúng vợt mất rồi. Nhiều người đứng canh và xua đuổi, tuy nhiên họ vẫn chờ trực đó để vớt cá. Nhiều người chỉ biết bất lực đứng nhìn họ vớt cá mình mới thả. Việc làm này khó có thể chấp nhận được”.

Nhiều người thả cá xong, phải chờ cá bơi ra xa mới dám trở về nhà, thậm chí còn lấy đá xua đuổi nhưng những người này không chịu rời đi. Ông Nguyễn Văn Công, SN 1978, trú Tp.Vinh bức xúc: “Chúng tôi vừa thả cá xuống thì có hai người đã dùng vợt, kích điện để bắt cá. Việc làm này là không thể chấp nhận được. Theo phong tục, việc thả cá còn có ý nghĩa phóng sinh, tái tạo nguồn lợi thủy sản, cá thả ra phải được bảo vệ. Tuy nhiên, cá vừa thả đã bị bắt, mất ý nghĩa của phong tục truyền thống”.

Tại khu vực thả cá, đoàn thanh niên phường Cửa Nam đã chuẩn bị thùng rác và căng băng rôn cho người dân để túi ni lông.

Tuy nhiên, một số người dân vẫn vứt túi ni lông không đúng nơi quy định gây ô nhiễm môi trường.

Theo Minh Tâm – Thu Huyền

Link gốc: http://www.nguoiduatin.vn/thuyen-cho-truc-vot-ca-vang-ngay-cung-ong-cong-ong-tao-gay-buc-xuc-a590146.html