Thúc tiến độ cao tốc Bắc – Nam đoạn Diễn Châu – Bãi Vọt

Do dự án Diễn Châu - Bãi Vọt chậm tiến độ, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã họp riêng về dự án và có “tối hậu thư” cho nhà đầu tư để đẩy nhanh tiến độ. Điều đáng nói, đây không phải là lần đầu tiên Bộ GTVT thúc tiến độ dự án này.

Thi công cao tốc Diễn Châu – Bãi Vọt.

Nguy cơ chậm tiến độ

Dự án Diễn Châu – Bãi Vọt là một trong ba dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 1 thực hiện theo hình thức đối tác công – tư (PPP). Chiều dài của dự án hơn 49km, qua tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, tổng mức đầu tư hơn 11.150 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn Nhà nước là hơn 6.000 tỷ đồng. Dự án được khởi công tháng 5/2021, theo kế hoạch sẽ hoàn thành trong tháng 5/2024.

Liên danh thực hiện dự án là Công ty TNHH Hòa Hiệp – Công ty Cổ phần Tập đoàn CIENCO4 – Công ty TNHH Đầu tư Núi Hồng – Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn – Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng VINA2. Liên danh này lập ra Công ty Cổ phần Đầu tư Phúc Thành Hưng làm doanh nghiệp để thực hiện dự án. Đại diện cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với dự án này là Ban Quản lý dự án 6 (Bộ GTVT).

Theo Bộ GTVT, dù dự án Diễn Châu đã thực hiện được hơn 15 tháng, nhưng tiến độ rất chậm, đến nay mới hoàn thành được hơn 50% khối lượng công việc. Trong khi đó, theo kế hoạch, dự án chỉ còn 9 tháng nữa phải hoàn thành. “Khối lượng còn lại của dự án là rất lớn” – đại diện Bộ GTVT nói và cho biết, nếu nhà đầu tư không có các biện pháp bù tiến độ thì nguy cơ dự án không về đích đúng hẹn là hiện hữu.

Trong khi hai dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông khác đầu tư theo hình thức PPP là Cam Lâm – Vĩnh Hảo (đạt hơn 75% khối lượng, Đèo Cả là nhà đầu tư chính) và Nha Trang – Cam Lâm (đã đưa vào sử dụng, Tập đoàn Sơn Hải là nhà đầu tư chính) có tiến độ thực hiện tốt thì sự ì ạch của Diễn Châu – Vãi Vọt đã thật sự khiến lãnh đạo Bộ GTVT lo lắng và phải họp riêng về dự án này.

Mới đây, Bộ GTVT đã ban hành Thông báo số 291/TB-BGTVT về kết luận của Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng tại cuộc họp kiểm điểm tiến độ dự án Diễn Châu – Bãi Vọt. Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đánh giá, đây là dự án trọng điểm quốc gia, việc hoàn thành đưa dự án vào khai thác đúng tiến độ có ý nghĩa hết sức quan trọng nhằm kết nối đồng bộ tuyến cao tốc từ Hà Nội đến Hà Tĩnh, rút ngắn thời gian di chuyển, giảm áp lực giao thông cho quốc lộ 1, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của các địa phương.

Lý giải nguyên nhân dự án chậm tiến độ, lãnh đạo Bộ GTVT đánh giá, do các nhà đầu tư và nhà thầu thi công (cũng chính là nhà đầu tư) chưa quyết liệt triển khai thực hiện; việc điều hành quản lý dự án còn chồng chéo. Bên cạnh đó, lãnh đạo cấp cao của các nhà đầu tư chưa thường xuyên kiểm tra hiện trường, chưa giải quyết kịp thời các tồn tại, khó khăn, vướng mắc của dự án. “Các nhà thầu chưa huy động đủ tài chính, nhân lực, thiết bị, vật tư, vật liệu thi công để đáp ứng với kế hoạch, tiến độ thi công đề ra”, kết luận của Bộ GTVT nêu rõ.

Tính phương án phạt hoặc chấm dứt hợp đồng

Nhận định đúng những nguyên nhân trên dẫn đến dự án chậm tiến độ, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đã đưa ra nhiều yêu cầu với nhà đầu tư cũng như một số đơn vị của Bộ GTVT để đẩy nhanh dự án. Cụ thể, ông Nguyễn Văn Thắng yêu cầu các nhà đầu tư khẩn trương kiện toàn tổ chức bộ máy của doanh nghiệp dự án, bổ sung nhân sự cấp cao để kịp thời nắm bắt, giải quyết dứt điểm các tồn tại; thường xuyên phối hợp với Ban Quản lý dự án 6 trực tiếp kiểm tra hiện trường, kiểm điểm, đánh giá tiến độ, chất lượng dự án và có phương án điều chuyển khối lượng, thay thế, xử lý đối với các đơn vị thi công chậm.

Bộ trưởng Bộ GTVT yêu cầu doanh nghiệp dự án rà soát và xây dựng kế hoạch, tiến độ thi công chi tiết khối lượng công việc, bảo đảm khả thi, hoàn thành dự án trong tháng 5/2024. Trên cơ sở đó, doanh nghiệp dự án phải yêu cầu các nhà thầu thi công ký biên bản cam kết về kế hoạch huy động đầy đủ tài chính, thiết bị, vật tư, vật liệu thi công. Đồng thời doanh nghiệp dự án phải chỉ đạo các nhà thầu thi công “3 ca, 4 kíp” để bù tiến độ bị chậm.

Đặc biệt, ông Nguyễn Văn Thắng yêu cầu Ban Quản lý dự án 6 phối hợp với Cục Quản lý đầu tư xây dựng, Cục Đường cao tốc Việt Nam hoàn thành rà soát các nội dung của hợp đồng BOT. Trường hợp phải xử phạt hợp đồng hoặc chấm dứt hợp đồng, cần kịp thời báo cáo, đề xuất Bộ GTVT phương án xử lý; đồng thời thông báo đến các chủ đầu tư dự án biết để xem xét, đánh giá khi tham gia dự thầu các dự án do Bộ GTVT quản lý.

Theo tìm hiểu của PLVN, sau “tối hậu thư” trên của Bộ trưởng Bộ GTVT, nhà đầu tư đã tăng cường thiết bị, nhân lực cho dự án. Cụ thể, hiện trên công trường, các nhà thầu huy động 99 mũi thi công với hơn 800 đầu thiết bị và gần 2.000 kỹ sư, công nhân.

Tác giả: Minh Hữu

Nguồn: baophapluat.vn