Theo chân những người bảo vệ các loài thú dữ và quý hiếm trong rừng Quốc gia Pù Mát
Ngược vào rừng Quốc gia Pù Mát ở miền Tây xứ Nghệ rất dễ gặp nhiều loài thú dữ, động vật quý hiếm như: voi, hổ, sao la, vượn đen má trắng, chà vá chân nâu, khỉ đuôi lợn, mang trường sơn, chó sói lửa… Nơi đây không những nhiều loài động vật sinh sống mà còn có trữ lượng lớn, trên 132 loài thú, thuộc 11 bộ và 30 họ.
Theo chân những người “giữ rừng” Quốc gia Pù Mát sẽ thấy, “cuộc sống” giữa người với thú dữ không đơn giản chút nào. Vì trong khi loài vật tấn công, phá hoại tài sản con người thì con người lại cố gắng ra sức bảo vệ đàn thú làm sao được an toàn tuyệt đối.
Cuộc chiến giữa người và voi
Người dân khu vực Cao Vều, xã Phúc Sơn, huyện Anh Sơn vẫn chưa hết bàng hoàng cho biết, thời gian gần đây voi rừng liên tục xuất hiện phá hoại hoa màu. Không những thế, voi rừng có lần còn tấn công quật chết cả một công nhân lâm trường nơi đây.
Một cán bộ VQG Pù Mát giải thích: sở dĩ voi rừng Pù Mát hay xuất hiện ở vùng Phúc Sơn vì nơi đây là vùng đệm, thuộc VQG Pù Mát. Đất đai phì nhiêu nên bà con trồng được nhiều cây cối, nhất là hoa màu. Theo đó, vùng đất này rất nhiều mồi ngon cho đàn voi cũng như nhiều loài thú dữ khác.
Nói rồi anh cán bộ kiểm lâm cho biết thêm: Chỉ trong một đêm, hàng loạt điền trúc, măng tre, nứa lá cùng các loại hoa màu khác của bà con nông dân bỗng chốc tan tành. Bờ rào, biển báo của rừng cũng bị voi dữ húc đổ. Cứ thế, không ít lần đàn voi làm cho những người làm công tác “giữ rừng” phải thức trắng đêm để bảo vệ đàn voi an toàn, đồng thời tìm cách xua đuổi chúng trở lại với đại ngàn xanh. Mỗi lần voi ra vùng đệm kiếm mồi, sau khi ăn no, chúng lại kéo nhau xuống dòng sông Giăng để uống nước rồi tiếp tục chui vào rừng sâu.
Lần theo lời kể lại của anh cán bộ kiểm lâm Pù Mát, phóng viên Báo Tamnhin.trithuccuocsong.vn tiến thẳng đến khu vực Bãi Chồi, thuộc xã Phúc Sơn. Tại đây một người dân tên Hiến cho biết: Nếu đi vào rừng qua khu vực này phải hết sức cẩn thận, vì đàn voi cũng như một số loài thú dữ hay lui tới.
Người đàn ông này còn nhấn mạnh, không tin các anh cứ thử ở lại đây rình voi và thú dữ ít đêm xem sao. Thế nhưng suốt hai tối liên tục chúng tôi mật phục mà vẫn không thấy voi ra. Theo kinh nghiệm của các cán bộ kiểm lâm bảo vệ rừng Pù Mát thì rất có thể sau khi về vùng Phúc Sơn quậy phá, đàn voi bị người dân xua đuổi khiếp đảm nên chúng có thể chuyển đi vùng khác.
Và rồi cuộc mật phục xem voi của chúng tôi tiếp tục được các cán bộ kiểm lâm bố trí vùng biên giới giữa huyện Thanh Chương và Anh Sơn. Nửa khuya hôm đó thì đàn voi xuất hiện xông vào vùng rừng trồng của Tổng đội TNXP2, khiến tất cả mọi người đưa xoong nồi ra đánh và đốt lửa lên để xua đuổi đàn voi. Thấy lửa cháy, con voi đầu đàn bỏ chạy, một số con còn lại cũng chạy theo, và cứ thế đàn voi chạy đến đâu thì cây rừng của tổng đội gãy ăng ắc ở đó.
Anh Phan Văn Ngôn-nguyên Tổng đội trưởng Tổng đội TNXP2 Nghệ An kể lại: chuyện voi về phá hoại mùa màng của bà con tổng đội cũng như của người dân địa phương thuộc vùng đệm Vườn Quốc gia Pù Mát như cơm bữa. Không ít lần voi ra phá cả lán trại đội viên tìm chất mặn (muối) để ăn. Có lúc voi dữ dằn nhưng không ít lần voi rừng Pù Mát lại rất hiền. Có hôm đội viên của tổng đội đang ngủ, voi vào chỉ huơ lấy màn và thức ăn trong bếp, thấy người nằm ngủ mê man thì voi bỏ đi.
Anh Ngôn cũng cảnh báo, nếu con người tấn công voi thì voi mới tấn công lại. Nếu bà con có ý thức bảo vệ voi thì đàn voi không những tồn tại lâu dài ở khu vực này mà còn sống rất gần gũi với con người.
Đáng tiếc, vừa qua người dân đi rừng bỗng phát hiện xác một chú voi nằm ở khu vực giáp ranh giới giữa huyện Anh Sơn và Thanh Chương (thuộc vùng đệm VQG Pù Mát) đã chết và đang trong quá trình phân huỷ, đôi ngà và một số xương voi đã bị kẻ xấu lấy đi. Qua điều tra của cơ quan chức năng cho biết, chú voi này có tuổi thọ khoảng 20 năm và bị sát hại trước đó khoảng một tháng.
Cách sau đó chẳng bao lâu, cũng tại khu vực này, đàn voi đã xuất hiện ở khu vực rừng Bãi Cồi, thuộc xã Phúc Sơn, huyện Anh Sơn đã làm cho bà con một phen hú vía. Đàn voi không còn hiền như trước nữa mà chúng trở nên rất hung hãn. Voi xông ra phá hoại hoa màu, húc lán trại đổ, đuổi công nhân chạy tán loạn, sau đó một con voi đã quật chết anh Vi Văn S. (41 tuổi, người xã Lục Dạ, huyện Con Cuông, là công nhân lâm nghiệp ở khu vực này).
Một cán bộ Vườn Quốc gia Pù Mát cho biết thêm: Ở khu vực tây Nghệ An đàn voi cũng như nhiều thú dữ khác xuất hiện đã từ rất lâu. Tổng đàn voi của Vườn Quốc gia Pù Mát hiện còn khoảng 17 con, mỗi lần voi xuất hiện cứ theo đàn từ 4 đến 5 con. Riêng khu vực vùng đệm (thuộc huyện Anh Sơn) năm 1998 đã từng xuất hiện thêm một chú voi con.
Vừa qua đàn voi ở khu vực này cũng mới sinh được một chú voi con nữa. Được biết, sau khi người dân xã Phúc Sơn phát hiện, VQG Pù Mát lập tức cho đoàn xuống kiểm tra và có phương án bảo vệ nên voi con và voi mẹ đã được trở về rừng an toàn.
Một sự việc đáng tiếc vừa mới xẩy ra đó là: Sáng 7/10/2023, một số người dân đi vào rừng cao su thuộc khu vực giáp ranh giữa xã Hạnh Lâm và xã Thanh Đức (huyện Thanh Chương) thì phát hiện thêm xác một con voi đang trong quá trình phân hủy. Sau khi nhận được thông tin, Chi cục Kiểm lâm Nghệ An đã phối hợp với các lực lượng chức năng vào hiện trường để điều tra.
Một lãnh đạo Hạt Kiểm lâm huyện Thanh Chương cho biết, con voi chết trong rừng này là voi đực, hơn 20 tuổi. Qua kiểm tra tại hiện trường, 2 chiếc ngà của con voi chết vẫn còn nguyên vẹn, không có dấu hiệu voi bị giết hại.
Theo Chi cục Kiểm lâm Nghệ An, từ đầu năm đến nay, đây là con voi hoang dã thứ 2 ở Nghệ An bị chết. Trước đó, vào tháng 2.2023, một con voi cái già cũng được người dân phát hiện đã chết trong rừng thuộc địa bàn xã Châu Phong, huyện Quỳ Châu (Nghệ An).
Hiện tại Nghệ An còn khoảng 13-15 con voi rừng tự nhiên, trong đó tại khu vực Vườn quốc gia Pù Mát có 11-13 con. Những con voi này phân bố thành 2 đàn, một đàn hoạt động tại khu vực Khe Thơi thuộc vùng lõi Vườn quốc gia Pù Mát và một đàn hoạt động tại khu vực vùng đệm của vườn (thuộc địa phận xã Phúc Sơn, huyện Anh Sơn và xã Thanh Đức, huyện Thanh Chương).
Theo dấu chân hổ
Cùng với đàn voi dữ, hiện tại ở rừng Quốc gia Pù Mát còn có loài hổ mà tiếng địa phương gọi là “khái” cũng đang được bảo vệ nghiêm ngặt để chúng được sinh tồn và phát triển. Khác với loài voi, loài hổ ở đây rất ít khi xuất hiện một cách hiên ngang như đàn voi.
Anh La Thái, một người dân xã Lục Dạ, huyện Con Cuông cho biết: Dọc đôi bờ sông Giăng, người dân bản thường xuyên phát hiện dấu chân hổ men theo từ các con khe nhỏ đổ ra dòng sông. Hổ vừa xuống sông để uống nuớc, đồng thời những vệch khe, sông suối đấy là những tâm điểm của loài hổ rình để bắt mồi.
Thường sau mỗi ngày kiếm ăn trong rừng xong, nhiều con thú nhỏ, chim muông bắt đầu sà xuống vệch khe, suối để uống nước, sau đó tìm chỗ trú ngủ. Hổ nấp trong các bụi rậm khi thấy con mồi là tấn công.
Anh La Văn Thi, một thợ săn người dân tộc Đan Lai tiết lộ kinh nghiệm: Mỗi lần đi rừng, khi thấy đàn chim kêu rồi bay lên nhao nhác, còn những con thú khác thì kêu lớn tiếng chạy tán loạn bên bờ sông thì khi đó chắc chắn xuất hiện loài hổ hung bạo đang tấn công các con thú khác.
Mỗi khi thợ săn xuất hiện, chưa kịp thấy người, chỉ cần đánh hơi một cái là loài hổ dữ đã biết chạy sâu vào đại ngàn.
Anh Thi kể lại: Có lần anh theo bố vào rừng bẫy chim, giữa trưa hè nắng như thiêu như đốt, hai bố con đang ngả cơm nắm ra ăn, thấy tiếng động sột soạt, sau đó thấy tiếng con bò rống lên. Anh Thi và bố vác đồ nghề xuống khe xem thì thấy con hổ vằn đang cắm đuôi con bò lôi ngược dốc Khe Bu. Thấy có tiếng người, con hổ liền thả con mồi chạy vào rừng.
Còn ông La Bốn, một già làng của tộc người Đan Lai kể lại: Không ít lần người dân đi rừng phát hiện các con vật như: trâu, bò, lợn, mang, hoẵng… đã bị hổ ăn thịt còn sót lại bộ xương hoặc lông, da giữa rừng già.
Theo tài liệu của Vườn Quốc gia Pù Mát cho thấy: Cả thế giới chỉ còn khoảng hơn 3.200 con hổ trong tự nhiên. Tiểu vùng sông Mê Kông còn 350 con. Cả thế giới có 8 phân loài, nhưng 3 phân loài đã bị tuyệt chủng. 5 phân loài còn lại là hổ Ấn Độ, hổ Đông Dương, hổ Sumatra, hổ Nam Trung Hoa, hổ Xiberi.
Riêng tại Việt Nam chỉ còn chừng 30 cá thể hổ Đông Dương. Theo các nhà điều tra, nghiên cứu và lập dự án bảo tồn hổ (Dự án lâm nghiệp xã hội và bảo tồn thiên nhiên) thì loài hổ ở Pù Mát đang còn khá cao, khoảng trên 10 cá thể./.