Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đơn giản hóa thủ tục hành chính cho doanh nghiệp

Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan rà soát, chỉnh lý các dự thảo luật để bảo đảm sự thống nhất của hệ thống pháp luật; tuân thủ quy định tại khoản 2 Điều 8 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

0

Sáng 30/10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu. Sau đó, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án luật này.

Đơn giản hóa thủ tục hành chính, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền

Trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, luật được xây dựng nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cấp thiết về thể chế, đơn giản hóa thủ tục hành chính và đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong lĩnh vực quy hoạch, đầu tư kinh doanh, đầu tư theo phương thức đối tác công tư và đấu thầu.

nguyễn chí dũng.jpg -0
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng trình bày tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu.

Luật Đầu tư phân quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ cho UBND cấp tỉnh đối với: dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất; dự án đầu tư xây dựng mới bến cảng, khu bến cảng có quy mô vốn đầu tư dưới 2.300 tỷ đồng thuộc cảng biển đặc biệt và dự án đầu tư không phân biệt quy mô thuộc phạm vi bảo vệ của khu vực I và khu vực II của di tích được cấp có thẩm quyền công nhận là di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt, trừ các dự án đầu tư thuộc khu vực bảo vệ của di tích quốc gia đặc biệt thuộc danh mục di sản thế giới nhằm tạo chủ động cho các địa phương.

Việc sửa đổi một số nội dung của Luật Đấu thầu để cho phép phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu trước khi dự án được phê duyệt hoặc ký hợp đồng với nhà thầu trước khi điều ước quốc tế, thỏa thuận vay nước ngoài được ký kết nhằm góp phần tiết kiệm thời gian, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, gói thầu. Cho phép áp dụng hình thức đấu thầu hạn chế, đấu thầu quốc tế, đấu thầu trong nước trong trường hợp đối tác phát triển, nhà tài trợ nước ngoài yêu cầu áp dụng các hình thức này như một điều kiện ràng buộc trong quá trình đàm phán, ký kết các điều ước quốc tế, thỏa thuận vay nước ngoài nhằm đẩy nhanh quá trình đàm phán, ký kết điều ước quốc tế, thỏa thuận vay nước ngoài…

Rà soát kỹ lưỡng, tránh chồng chéo, mâu thuẫn, khó khăn trong áp dụng pháp luật

Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, Ủy ban Kinh tế cơ bản nhất trí với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung các luật trên. Dự án luật sửa đổi, bổ sung nhiều quy định liên quan đến công tác quy hoạch, thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh, đầu tư theo phương thức đối tác công tư và hoạt động đấu thầu, trong đó có những quy định liên quan trực tiếp đến nguồn lực, ngân sách Nhà nước, thẩm quyền, phân cấp, phân quyền cho bộ, ngành, địa phương, thủ tục hành chính…. Đồng thời, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan rà soát, chỉnh lý dự thảo luật để bảo đảm sự thống nhất của hệ thống pháp luật; tuân thủ quy định tại khoản 2 Điều 8 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; tránh một nội dung quy định tại nhiều luật dẫn tới chồng chéo, mâu thuẫn, gây khó khăn trong quá trình áp dụng pháp luật; đơn giản hoá trình tự, thủ tục để đẩy nhanh tiến độ lập, thẩm định, phê duyệt và điều chỉnh quy hoạch.

Đối với nội dung về danh mục dự án trong nội dung của các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh trong sửa đổi Luật Quy hoạch, Ủy ban Kinh tế đề nghị tiếp tục rà soát, nghiên cứu sửa đổi các quy định có liên quan đến việc đánh giá sự phù hợp với quy hoạch tại Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và một số dự thảo luật đang trình Quốc hội như Dự thảo Luật Điện lực để bảo đảm tính khả thi, thống nhất, tránh vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện, góp phần giải quyết các khó khăn, vướng mắc cấp thiết trong thực tiễn thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh.

vũ hồng thanh.jpg -0
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra.

Về thủ tục đầu tư đặc biệt trong Luật Đầu tư, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ rà soát kỹ và quy định rõ ràng, chặt chẽ về đối tượng được áp dụng thủ tục đầu tư đặc biệt này. Nghiên cứu, đánh giá tác động kỹ lưỡng, bảo đảm việc phân cấp thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đầu tư đặc biệt đáp ứng khả năng, năng lực quyết định, tổ chức, nguồn nhân lực của từng cấp quản lý, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật. Đồng thời, cần bổ sung chế tài gắn trách nhiệm cụ thể, xử lý vi phạm nhằm bảo đảm tính khả thi và hiệu quả trong triển khai thực hiện, nhất là đối với các dự án lớn, quan trọng, có tính chất chuyên ngành phức tạp, tác động lan tỏa tới phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, vùng và cả nước.

Về lĩnh vực, quy mô đầu tư theo phương thức PPP và quy mô vốn đầu tư tối thiểu để thực hiện dự án PPP, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho rằng, việc mở rộng phạm vi lĩnh vực áp dụng tại một số địa phương đang trong giai đoạn thí điểm chưa được tổng kết, đánh giá. Vì vậy, đề nghị rà soát, cân nhắc, thận trọng đối với đề xuất này và bổ sung đánh giá kỹ lưỡng.

Ngoài ra, đối với nội dung về đấu thầu trước, trong sửa đổi Luật Đấu thầu, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ giải trình, đánh giá tác động cụ thể về việc áp dụng các quy định về đấu thầu trước; trong đó cần xem xét quyền và trách nhiệm của chủ đầu tư, nhà thầu để có quy định phù hợp nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cả hai bên, tránh để xảy ra tình trạng khiếu nại, tố cáo.

Không cầu toàn, không nóng vội

Phát biểu tại phiên thảo luận tổ, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn lưu ý, vấn đề nào đã thấy, đã rõ, đã chín, được thực tế kiểm nghiệm, chứng minh thì chúng ta sửa, còn vấn đề chưa rõ, chưa chín, chưa được thực tế chứng minh thì tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện khung pháp lý về tổ chức quản trị doanh nghiệp đạt chuẩn mực quốc tế, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, thu hút đầu tư vào sản xuất kinh doanh. Dẫn thông tin tại UAE cấp một dự án đầu tư chỉ mất có 5 năm ngày, Chủ tịch Quốc hội cho biết, chúng ta cũng phải nghiên cứu để có thể làm nhanh như vậy.

ctqh.jpg -0
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên thảo luận.

Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, đã có thư gửi các đại biểu Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội về đổi mới tư duy xây dựng pháp luật. Sau khi Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu, Bộ Chính trị cũng đồng thuận theo quan điểm đổi mới tư duy này để chỉ sửa đổi, bổ sung những nội dung có tính cấp bách đang thực hiện mà thực sự gây khó khăn, vướng mắc trên thực tế, những nội dung đã rõ, đã được thực tế kiểm nghiệm, chứng minh. “Chúng ta vận dụng tư duy trên, quan điểm trên vào ngay kỳ họp lần này trong việc xem xét, điều chỉnh các luật đưa trình, những nội dung còn ý kiến khác nhau, chưa đạt sự đồng thuận thì phải tiếp tục nghiên cứu, rà soát, tổng kết thực tiễn rồi mới sửa đổi” – Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Chủ tịch Quốc hội nhắc lại, khi Quốc hội thông qua một luật sửa Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng thì Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường cam kết trong tháng 7/2024, cả Trung ương và địa phương sẽ hoàn thành tất cả các hướng dẫn nhưng đến tháng 9 mới cơ bản ban hành xong nghị định, thông tư và đến bây giờ nhiều địa phương vẫn chưa có hướng dẫn. Địa phương chưa hướng dẫn thì làm sao thực hiện được 4 cái luật này. “Đây là vấn đề chúng ta hứa trước Quốc hội, tức là hứa trước quốc dân đồng bào nên phải có cam kết chính trị quyết liệt thực hiện cho đúng”-  Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Trên tinh thần đó, Chủ tịch Quốc hội một lần nữa khẳng định, các nội dung Chính phủ đề nghị sửa đổi, bổ sung tại kỳ họp này thì Quốc hội ủng hộ, nhưng đồng thời phải có cam kết chính trị bảo đảm thực hiện nghiêm túc những vấn đề đã hứa. Theo đó, dự án luật sửa đổi, bổ sung phải bảo đảm 3 vấn đề: một là, trình tự, thủ tục; hai là hồ sơ; ba là phải đạt chất lượng.

“Tổng Bí thư nói không vì nóng vội, ép phải thông qua trong khi chất lượng chưa có. Quốc hội phải bám nguyên tắc đó. Mấy tháng qua, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ làm việc hết sức quyết liệt, làm cả ngày cả đêm, cả thứ Bảy, Chủ nhật. Áp lực như thế nhưng chúng ta phải làm cho thật kỹ, thật chắc chắn”- Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Nên chú trọng đơn giản hóa, tháo gỡ các thủ tục pháp lý

Nêu quan điểm về nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), đại biểu Nguyễn Như So (đoàn Bắc Ninh) chỉ rõ, việc “hồi sinh” hình thức hợp đồng BT vào dự thảo luật lần này là một bước đi rất quan trọng, và cũng đòi hỏi phải đánh giá kỹ lưỡng mọi khía cạnh để đảm bảo sự ổn định của chính sách. “Chúng ta cần một chính sách đủ ổn định và có tầm nhìn dài hạn. Một chính sách mà chỉ thay đổi trong vòng 2-3 năm sẽ khiến các doanh nghiệp e ngại đầu tư vì họ không có đủ thời gian để thích ứng và yên tâm phát triển. Do đó, trong lần sửa đổi này, cần đặc biệt chú trọng đến việc cân bằng lợi ích giữa doanh nghiệp và Nhà nước”.

nguyễn như so.jpg -0
Đại biểu Nguyễn Như So phát biểu tại phiên họp.

Đại biểu phân tích, khi một doanh nghiệp quyết định đầu tư một khoản tiền vô cùng lớn để thực hiện dự án BT (xây dựng – chuyển giao), họ không chỉ đóng góp hạ tầng cho xã hội mà còn đặt cược vào sự phát triển lâu dài của địa phương. Tuy nhiên, sự công nhận giá trị doanh nghiệp bỏ ra thường bị xem nhẹ. Vì vậy, đề nghị trong dự thảo luật lần này, thay vì quá tập trung vào kiểm soát sự chênh lệch giá trị đất – một yếu tố khó lường và luôn biến động theo thị trường thì nên chú trọng vào việc đơn giản hóa và tháo gỡ các thủ tục pháp lý, giúp doanh nghiệp giảm gánh nặng về thời gian và chi phí mà còn đảm bảo tiến độ dự án, tạo ra giá trị thực sự cho cả hai bên.

Tác giả: Phương Thủy

Nguồn: cand.com.vn