Thanh Chương (Nghệ An): Dấu hiệu “vênh” giữa thực tế rừng bị phá và biên bản hiện trường?

Nhiều diện tích rừng tự nhiên với khá nhiều cây to đã bị chặt hạ, phát trắng không thương tiếc tại xã Thanh Anh (huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An). Sau khi phát hiện, lực lượng chức năng đã vào lập biên bản nhưng không hiểu vì sao lại để nhiều xe tải tự do vào "tẩu tán" hết số gỗ có trong hiện trường? Mặt khác, giữa thực tế rừng bị phá và biên bản hiện trường của Kiểm lâm cũng có dấu hiệu "lệch pha".

0

Rừng bị phát “trắng”, gỗ “không cánh mà bay” 

Trong những ngày đầu tháng 11/2022, người dân xã Thanh An, huyện Thanh Chương liên tục có tin báo đến Báo Tài nguyên và Môi trường có việc phá rừng xảy ra tại khu vực rừng Đá Hươu, thuộc thôn Thượng Lâm, xã Thanh An, huyện Thanh Chương. Ngày 05/11, chúng tôi đã trực tiếp lên hiện trường để tiếp cận vị trí rừng bị chặt phá. Khu vực rừng bị chặt phá phải đi qua trang trại của 1 hộ dân, lần theo con đường đất rộng khoảng 5 m mới được đào, in sâu vết lốp xe tải, đã dẫn chúng tôi đến được hiện trường vụ phá rừng này.

Một diện tích rừng tự nhiên bị “cạo trọc” ở thôn Thượng Lâm, xã Thanh Anh.

Trước mắt là một mảng lớn rừng tự nhiên rộng khoảng trên dưới 1 ha bị chặt phá, các cây nhỏ bị phát xẻ ngã rạp xuống từng lớp; có nhiều gốc cây to bị cưa sát gốc. Những thân cây này đã bị cắt thành khúc chờ vận chuyển ra ngoài. Có rất nhiều khúc gỗ có đường kính khoảng nửa mét nằm chỏng chơ và trên những thân cây này cũng không thấy đánh dấu kiểm tra của lực lượng chức năng.

Dưới chân đồi, 1 tuyến đường vận xuất được mở dấu đất còn mới, dọc đường có nhiều khúc gỗ vứt ngổn ngang. Cùng với đó, một tuyến đường khai thác thứ 2, cũng chằng chịt vết lốp máy múc cũng được mở lên tận đỉnh đồi. Tại vị trí này, một diện tích rừng đã bị san phẳng, nhiều gốc cây cũng bị xới lên.

Con đường rộng thênh thang được mở để vào khu vực rừng Đá Hươu, thuộc thôn Thượng Lâm, xã Thanh An để phá rừng.

Một người dân ở xã Thanh An cho biết, những kẻ phá rừng ngang nhiên đưa cưa xăng, máy múc, xe tải vào đây để mở đường chặt phá trong nhiều ngày. Người trong xã không dám tố cáo với cơ quan chức năng, vì sợ bị lộ ra những kẻ phá rừng sẽ trả thù.

“Họ chặt xong, những cây gỗ to họ cắt khúc đi bán cho các xưởng cưa, còn những cây nhỏ hơn và cành ngọn họ chở đi bán củi cho một số xưởng sấy chè ở vùng lân cận. Những người phá rừng dùng xe tải cỡ lớn vào chở cả ngày lẫn đêm, giống như chở gỗ củi khai thác hợp pháp vậy”- người này cho hay.

Hàng loạt cây gỗ tự nhiên bị chặt hạ sát gốc.

Đưa vụ việc lên chính quyền xã Thanh An, ông Nguyễn Viết Chiến, Chủ tịch UBND xã Thanh An cho biết, xã đã nắm bắt được sự việc, đã cử cán bộ địa chính và cán bộ phụ trách lâm nghiệp cùng với kiểm lâm địa bàn đã lập biên bản hiện trường. Vụ việc vẫn đang được các xác minh theo quy định. Trước mắt, rà soát diện tích đất được giao có rừng bị phá thuộc cá nhân nào thì trước hết cá nhân đó phải chịu trách nhiệm.

Cũng cần phải nhắc lại rằng, ngày 5/11/2022, khi chúng tôi tiếp cận hiện trường vụ phá rừng thì thấy có rất nhiều khúc gỗ đường kính khoảng nửa mét đã được cắt gọn, tập kết 2 bên đường dưới chân đồi. Trên những khúc gỗ này, vẫn chưa hề có đánh dấu thể hiện số gỗ đã được kiểm tra của cơ quan chức năng.

Những gốc cây gỗ lớn bị chặt hạ có đường kính từ 40-50cm.

Người dân địa phương còn cho biết, trên diện tích rừng bị phá, mấy ngày trước đã có cán bộ kiểm lâm, cán bộ xã vào lập biên bản. Thế nhưng, không hiểu vì sao, gỗ củi ở đây vẫn được những kẻ phá rừng là người ở xã Thanh An dùng xe tải cơ lớn chở ra giữa ban ngày. Hành vi này khiến cho nhiều người dân ở xã Thanh An rất bức xúc.

Đem băn khoăn này trao đổi với Hạt Kiểm lâm huyện Thanh Chương thì lãnh đạo Hạt cho rằng, số gỗ đã được đánh số nhưng do trời mưa nên bị mờ đi (?)

Những gốc cây to không hiểu vì sao không hề được kiểm lâm đánh số kiểm đếm?

Đến ngày 08/11/2022, trở lại hiện trường vụ phá rừng lần thứ 2, ở khu vực Đá Hươu, thôn Thượng Lâm, xã Thanh An, chúng tôi vô cùng ngạc nhiên khi thấy các khúc gỗ to để lại hiện trường mấy ngày trước nay đã “không cánh mà bay”. Trên tuyến đường vận xuất mới được làm, nhiều vết trượt do kéo gỗ in trên nền đất nhão. Cả tuyến đường này, có nhiều vị trí còn có dấu vết xe tải trượt lốp do đường bị ướt vì trời mưa.

Theo nguồn tin của người dân, số gỗ trên đã được những kẻ chặt phá rừng chở ra liên tiếp trong 2 ngày trước đó bằng xe tải, có phủ bạt kín.

Có “độ vênh” giữa rừng bị phá và biên bản hiện trường?

Tại biên bản kiểm tra hiện trường vụ chặt phá rừng này của Hạt Kiểm lâm huyện Thanh Chương cho thấy, vào hồi 7 giờ 30 phút, ngày 31/10/2022, Trạm Kiểm lâm Hoa Quân (thuộc Hạt Kiểm lâm Thanh Chương) đã phối hợp với UBND xã Thanh An tiến hành kiểm tra tại khu vực thôn Thượng Lâm, thuộc thửa 287, khoảnh 7, tiểu khu 978L, tờ bản đồ số 1 để xác minh vụ việc phá rừng trái pháp luật tại khu vực này.

Gỗ được cắt khúc tại hiện trường.

“Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện tại vị trí nêu trên, có một số cây rừng tự nhiên đã bị tác động chặt phá. Các cây gỗ rừng tự nhiên đã bị chặt chỉ còn lại gốc và một số cành, ngọn còn nằm rải rác tại hiện trường. Kiểm tra có khoảng 90 gốc đã bị chặt cách mặt đất khoảng 8 -10 cm, có đường kính từ 8- 24 cm… Diện tích có rừng tự nhiên đã bị chặt phá là 4.487 m2”, biên bản ghi rõ(?).

Một số ít gỗ cưa xẻ ra còn để ngổn ngang, số còn lại đã được các đối tượng chặt phá “tẩu tán” khỏi hiện trường.

Trong biên bản cũng ghi, tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng chưa xác định được đối tượng vi phạm, hiện tại đang phối hợp để điều tra xác minh đối tượng đã phá diện tích rừng tại vị trí trên; chủ rừng hiện tại đang điều tra, xác minh. Tổ kiểm tra đã tiến hành lập biên bản kiểm tra và quay, chụp ảnh hiện trường để làm cơ sở xử lý theo đúng quy định của pháp luật, đồng thời yêu cầu dừng mọi hành vi tác động vào khu vực rừng tự nhiên tại vị trí trên, giữ nguyên hiện trường, để phục vụ cho việc điều tra, xác minh xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Việc thống kê diện tích, số cây gỗ…bị phá cũng có dấu hiệu có “độ vênh” giữa thực tế và biên bản hiện trường của Kiểm lâm?

Tuy nhiên, theo chúng tôi quan sát, diện tích rừng bị phát xẻ khoảng 1 ha, có rất nhiều thân gỗ có đường kính từ 30 đến 50 cm. Tuy nhiên, trong biên bản kiểm tra, diện tích nhỏ hơn nhiều và cũng không có cây gỗ đường kính to như vậy. Tại hiện trường, nhiều khác gỗ lớn đã bị vận chuyển đi đâu không rõ. Có chi tiết rất đáng lưu ý là số gốc gỗ bị chặt phá không được đánh dấu kiểm đếm rất nhiều tại hiện trường, trong đó, các gốc cây lớn bị chặt hạ hoàn toàn không có đánh số của kiểm lâm một cách hết sức khó hiểu?

Báo Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục thông tin.

Theo Đình Tiệp – Thành Vinh

Link gốc: https://baotainguyenmoitruong.vn/thanh-chuong-nghe-an-dau-hieu-venh-giua-thuc-te-rung-bi-pha-va-bien-ban-hien-truong-347103.html