Tân Kỳ lấy mức sống người dân làm tiêu chí xây dựng nông thôn mới

Huyện Tân Kỳ (Nghệ An) xác định mức sống của người dân là tiêu chí quan trọng trong quá trình xây dựng nông thôn mới (NTM).

0
Bà Vũ Thị Lĩnh – Phó trưởng phòng NNPTNT huyện Tân Kỳ (Nghệ An) kiểm tra trang trại của người dân. Ảnh: Hồng Sơn

Đổi thay từ Tân Phú

Tân Phú là một trong những xã đi đầu phong trào xây dựng NTM của huyện Tân Kỳ và được công nhận đạt chuẩn vào năm 2014. Đến tháng 2.2023, xã đã hoàn thành việc thẩm định NTM nâng cao cấp huyện.

Một đoạn đường xã nông thôn mới Tân Phú huyện Tân Kỳ. Ảnh: Hồng Sơn

Ông Trần Xuân Nam – Chủ tịch UBND xã Tân Phú chia sẻ: “Sự vào cuộc của hệ thống chính trị, được thực hiện đồng bộ từ xã xuống tận thôn xóm và các cơ quan đơn vị đóng trên địa bàn là nhân tố tạo nên thành công.

Xây dựng NTM, địa phương chú trọng tuyên truyền để người dân thấy được mục đích ý nghĩa của chương trình và vai trò chủ thể của mình, thực hiện đa dạng hóa các nguồn vốn trong các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng”.

Anh Nguyễn Trọng Bằng, xóm Đức Thịnh xã Tân Phú (Tân Kỳ) tâm sự: “Xây dựng NTM đã mang lại nhiều lợi ích cho người dân. Đường giao thông, hệ thống mương máng được đầu tư nâng cấp và xây dựng mới nên người dân có điều kiện phát triển kinh tế. Chuồng trại, ao cá để chăn nuôi được người dân tập trung phát triển mạnh, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân”.

Chú trọng nâng cao đời sống người dân

Diện mạo mới của thị trấn Tân Kỳ. Ảnh: Hồng Sơn

Phát triển kinh tế nông nghiệp đã mang lại nhiều kết quả tốt trong chương trình xây dựng NTM tại Tân Kỳ. Việc tích tụ ruộng đất thông qua chuyển nhượng quyền sử dụng, cho thuê, góp vốn, cổ phần… đã mở đường cho phát triển nông nghiệp quy mô lớn theo hướng sản xuất hàng hóa.

Đến nay, toàn huyện có 22 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP, trong đó có 6 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao như mật ong Nghĩa Đồng, võng gai, măng khô Giai Xuân, dầu vừng Hòa Hảo… được thị trường ưa chuộng, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

“Huyện triển khai nhiều chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân. Triển khai thực hiện tốt các mô hình có nguồn vốn từ xây dựng NTM, vốn lồng ghép, vốn của các doanh nghiệp, vốn vay ngân hàng và vốn tự có.

Ưu tiên phát triển các mô hình sản xuất gắn với bao tiêu sản phẩm. Giải thể, hợp nhất các hợp tác xã yếu kém để mô hình kinh tế tập thể ổn định và phát triển tốt” – bà Vũ Thị Lĩnh – Phó trưởng Phòng NNPTNT huyện Tân Kỳ chia sẻ.

Đến nay toàn huyện có 22 trang trại đủ quy định theo tiêu chí trong đó có 4 mô hình vườn đạt chuẩn NTM. Tổng số vốn huy động xây dựng NTM đạt 297,545 tỉ đồng.

Người dân tự nguyện hiến 60.126 m2 đất, huy động 25.800 ngày công lao động và rất nhiều loại vật tư khác phục vụ xây dựng cơ sở vật chất.

Các tiêu chí về phát triển giáo dục, y tế, văn hóa và bảo vệ môi trường, hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật, quốc phòng an ninh tại các xã đều đáp ứng yêu cầu của chương trình NTM.

Trong quá trình xây dựng NTM, Tân Kỳ gặp rất nhiều khó khăn do đặc thù huyện miền núi, nhiều xã địa bàn rộng, sản xuất manh mún, hiệu quả kinh tế thấp, rủi ro cao nên việc thu hút đầu tư bị hạn chế.

Cơ sở hạ tầng nông nghiệp – nông thôn thiếu, chưa đồng bộ nên việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và cơ giới hóa vào sản xuất chưa cao.

Ông Phan Văn Giáp – Chủ tịch UBND huyện Tân Kỳ cho biết: “Chúng tôi xác định xây dựng nông mới là quá trình thường xuyên và không có điểm kết thúc.

Huyện sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm tận dụng tối đa tiềm năng và lợi thế của từng vùng để tạo đột phát trong phát triển kinh tế – xã hội, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, lấy mức sống của người dân là tiêu chí quan trọng để đánh giá mức độ thành công của xây dựng NTM”.

Theo Hồng Sơn

Link gốc: https://laodong.vn/xa-hoi/tan-ky-lay-muc-song-nguoi-dan-lam-tieu-chi-xay-dung-nong-thon-moi-1208889.ldo