Tan hoang kênh tiêu 750 tỷ đồng

Dự án kênh tiêu Châu Bình (thuộc hợp phần của dự án hồ chứa nước bản Mồng) được đầu tư hơn 750 tỷ đồng từ 10 năm trước. Đến nay, dù chưa đưa vào sử dụng nhưng lòng kênh đã tan hoang, nhiều vị trí đã bị sạt lở, xuống cấp hư hỏng, thậm chí lòng kênh được người dân chặn để làm nơi thả cả.

0
Hợp phần Kênh tiêu Châu Bình thuộc dự án hồ chứa nước bản Mồng dù chưa đưa vào hoạt động nhưng đã xuống cấp nghiêm trọng.

Dự án kênh tiêu Châu Bình ở xã Châu Bình, huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An là một hạng mục quan trọng nằm trong dự án hồ chứa nước bản Mồng. Dự án kênh tiêu Châu Bình được phê duyệt vào tháng 10/2012 với số vốn hơn 750 tỷ đồng. Toàn bộ chiều dài con kênh khoảng 10km, đi qua xã Châu Bình (huyện Quỳ Châu) và xã Yên Hợp (huyện Quỳ Hợp).

Dự án do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) tỉnh Nghệ An làm chủ đầu tư. Kênh tiêu Châu Bình được xây dựng với mục tiêu tiêu thoát lũ vùng trung tâm thị tứ Châu Bình, cấp nước cho 180ha đất nông nghiệp và nước sinh hoạt cho người dân. Vì khi hồ chứa nước Bản Mồng bắt đầu tích nước nếu không có kênh tiêu Châu Bình thì phần lớn diện tích của xã Châu Bình sẽ bị ngập. Vì thế, con kênh này đóng một vai trò rất quan trọng.

Theo thiết kế, con kênh làm bằng đất, được đào sâu bình quân từ 12 – 15m. Cùng với đó là các hạng mục xây dựng cầu bắc qua lòng kênh phục vụ nhu cầu đi lại của người dân. Tuy nhiên hơn 10 năm qua, đến nay kênh tiêu Châu Bình vẫn chưa đưa vào hoạt động.

Theo ghi nhận của chúng tôi trong tháng 9/2023, toàn bộ tuyến kênh đã bị sạt lở nghiêm trọng. Lòng kênh bị biến dạng, một khối lượng lớn đất sạt lở xuống lòng kênh. Hai bên bờ kênh, những mảng bê tông cũng gãy vụn, tạo nên một khung cảnh tan hoang. Nhiều vị trí sạt lở, áp sát con đường bê tông kiên cố chạy song song với tuyến kênh. Một số điểm người dân địa phương tận dụng để làm lồng nuôi cá. Trong khi đó, một số mố cầu vốn được xây dựng kiên cố cũng đã sụt lún, nứt toác.

Theo người dân địa phương, từ nhiều năm qua, dự án này hầu như “án binh bất động” khiến nhiều điểm bị sạt lở ngày một nghiêm trọng. Nhiều đoạn bê tông rãnh dọc, ngang gia cố mái, cống tiêu nước, đổ sập hoàn toàn. Dọc theo tuyến kênh, người dân tận dụng diện tích đất để trồng keo, cũng làm giảm tình trạng sạt lở. “Hiện tượng sạt lở, hư hỏng diễn ra khoảng 5 năm trước, và cũng từ đó đến nay không thấy thi công hay gia cố gì, thậm chí cũng chưa thấy kênh tiêu hoạt động” – ông Lê Văn Nam (xã Châu Bình) nhà gần kênh tiêu cho biết.

Ông Nguyễn Đình Hưng – Phó Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn (Sở NNPTNT tỉnh Nghệ An) cho biết: Nguyên nhân đến nay dự án kênh tiêu Châu Bình vẫn chưa được đưa vào sử dụng là do thiếu vốn. Khi có nguồn vốn, đơn vị thi công sẽ phải khắc phục lại các điểm bị hư hỏng và hoàn thành các hạng mục còn lại, để dự án sớm đưa vào sử dụng.

Không chỉ kênh tiêu Châu Bình, quá trình thi công dự án Hồ chứa nước Bản Mồng đến nay vấn đề tái định cư vẫn còn vướng mắc. Đây là dự án được Chính phủ cho chủ trương đầu tư từ năm 2006, năm 2009 Bộ NNPTNT phê duyệt dự án với tổng mức đầu tư hơn 3.700 tỷ đồng. Đến năm 2011, do không cân đối đủ vốn nên công trình phải dừng và năm 2017 mới tiếp tục.

Đối với công tác bồi thường, từ năm 2009 đến nay, tỉnh Nghệ An đã bồi thường, giải phóng mặt bằng được 672ha, kinh phí 574 tỷ đồng. Riêng địa bàn huyện Quỳ Châu đã thực hiện bồi thường cho 1.611 tổ chức, cá nhân và hộ gia đình tại 11 thôn, bản thuộc xã Châu Bình và 7 thôn, bản tại xã Châu Hội bị ảnh hưởng bởi dự án.

Theo số liệu từ UBND huyện Quỳ Châu, hiện trên địa bàn còn gia đình ông Nguyễn Văn Phương chưa thống nhất phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư với lý do giá đất thấp so với giá thực tế; 5 hộ tại bản Đồng Phầu, xã Châu Bình chưa được chi trả tiền bồi thường.

Ngoài ra, có 382 ngôi mộ tại nghĩa trang bản Kẻ Khoang chưa bồi thường và di dời được do chưa bố trí được nghĩa trang mới liên quan đến đất Lâm trường Cô Ba chưa được thu hồi; hơn 46ha đất rừng tự nhiên chưa hoàn thiện hồ sơ. Một số hộ gia đình tận dụng quỹ đất bằng ven sông, suối, đất hoang nhưng bản đồ đo đạc không thể hiện chi tiết nên không thể kiểm đếm từng gia đình.

Ông Lê Hải Lý – Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳ Châu cho biết: Trên địa bàn hiện có 2 khu tái định cư phục vụ di dân dự án hồ chứa nước bản Mồng, nhưng đang gặp nhiều vướng mắc. Theo đó, mặc dù việc tái định cư khu 1 đã cơ bản hoàn thành, tuy nhiên trong quá trình thi công gặp độ dốc lớn, phải điều chỉnh lại. Trong khi đó, khu phía dưới thì phải chờ đắp đập phụ mới thi công.

Tác giả: Điền Bắc

Nguồn: daidoanket.vn