Sử dụng tiền cúng tiến ra sao?

Năm 2022, các di tích trọng điểm ở Nghệ An nạp tiền công đức qua tài khoản Kho bạc Nhà nước hơn 25 tỷ đồng. Trong đó, các di tích có số tiền lớn như Đền Ông Hoàng Mười 17,5 tỷ đồng, Đền Cờn hơn 5 tỷ đồng, Đền Quả Sơn hơn 1 tỷ đồng, Đền Hồng Sơn hơn 1,3 tỷ đồng…

0

Trao đổi với PV Tiền Phong, bà Hoàng Thị Hoài Thanh – Trưởng phòng Văn Hóa huyện Hưng Nguyên, Trưởng ban Quản lý (BQL) Di tích đền Ông Hoàng Mười (Nghệ An) cho biết: Việc giám sát, quản lý tiền công đức tại đền thờ Ông Hoàng Mười được thực hiện theo Quyết định số 18 năm 2016 của UBND tỉnh Nghệ An ban hành.

Người dân công đức tại Đền Ông Hoàng Mười.

Theo đó, BQL Di tích đền Ông Hoàng Mười có 15 thành viên bao gồm 1 trưởng ban, 2 phó ban và 12 ban viên. Các thành viên trong ban được chia làm 4 tổ thực hiện các nhiệm vụ, phục vụ, quản lý tại đền. Ngoài ra, một tổ giám sát có 6 thành viên được huyện Hưng Nguyên thành lập để giám sát việc kiểm đếm, bảo quản và chi tiêu tiền công đức.

Trưởng BQL Di tích đền Ông Hoàng Mười cho biết thêm hàng tháng sẽ có 2 lần thực hiện việc kiểm đếm số tiền công đức tại đền vào ngày mùng 2 âm lịch và ngày 16 âm lịch hàng tháng. Mỗi lần kiểm đếm tiền công đức được thực hiện vào giờ hành chính với sự có mặt của tất cả thành viên BQL di tích và dưới sự chứng kiến, theo dõi của tổ giám sát. Sau khi kiểm đếm xong tiền công đức, toàn bộ số tiền này sẽ được lập biên bản và được BQL di tích mang lên kho bạc nhà nước nạp vào tài khoản theo quy định.

Số tiền công đức tại đền Ông Hoàng Mười sẽ được chia theo tỷ lệ phần trăm để sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau. Theo đó, 45% số tiền công đức thu được dành để phục vụ công tác bảo tồn, tôn tạo di tích; 35% số tiền dành cho các hoạt động thường xuyên tại di tích và chi trả phụ cấp hợp đồng lao động tại di tích; 10% tiền công đức được trích cho ngân sách địa phương sử dụng cho phúc lợi xã hội tại địa phương; 10% còn lại được trích cho nguồn bảo tồn, phát huy di sản văn hóa của tỉnh.

Còn tại Chùa Hương Tích, ông Võ Thành Chung, Trưởng BQL Khu du lịch chùa Hương Tích (Hà Tĩnh) cho biết mỗi năm nhà chùa báo số tiền công đức thu được ở mức 1,3-1,7 tỷ đồng, phần lớn số tiền này là tiền lẻ.

“Toàn bộ số tiền công đức này là thuộc quản lý của nhà chùa dùng tu sửa, xây dựng các hạng mục ở chùa. Mỗi năm nhà chùa báo lại sổ sách, chi tiêu. Song số tiền công đức thu được ít hơn rất nhiều so với việc chi ở chùa”, ông Chung nói.

Phó BQL Khu di tích Đền Củi (Hà Tĩnh), ông Trịnh Công Minh cho biết số tiền công đức đều do nhà đền quản lý và báo cáo về huyện, BQL không nắm được việc này. Theo ông Bùi Việt Hùng – Phó Chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh), lâu nay Đền Củi được giao tự quản lý, sử dụng tiền công đức và mỗi năm phải nộp về ngân sách huyện 2,5 tỷ đồng.

Theo  Cảnh Huệ – Ngọc Tú – Phạm Trường

Link gốc: https://tienphong.vn/su-dung-tien-cung-tien-ra-sao-post1507915.tpo