Sông Lam Nghệ An: Lượt về có ổn định bộ khung?

Với kết quả thống kê sau 12 vòng đấu lượt đi V-League 1-2022, Sông Lam Nghệ An hoàn thành vượt mức mục tiêu top 3 đề ra từ đầu mùa khi tạm xếp thứ 2 với 20 điểm cùng với các đội Hải Phòng, Topenland Bình Định nhưng tạm xếp trên do hơn về hiệu số (14/10 so với 18/16, 17/16). Đây vừa là câu chuyện “những con số biết nói”, đồng thời là cơ sở để phân tích, đánh giá những mặt được, chưa được ở lượt đi của đội bóng.

0

So với đội bóng “nổ súng” nhiều nhất lượt đi Hà Nội FC 19 bàn, Hải Phòng 18 bàn, Topenland Bình Định 17 bàn, thì con số 14 bàn ghi được của Sông Lam Nghệ An thể hiện việc hàng công của đội thuộc dạng khá. Trong khi đó, so với việc Sài Gòn FC “vô địch thủng lưới” với 26 bàn, Becamex Bình Dương 18 bàn… thì Sông Lam Nghệ An chỉ để thủng 10 bàn, ngang bằng với Hoàng Anh Gia Lai, nhiều hơn Đông Á Thanh Hóa 1 bàn, hơn Hà Nội FC và Viettel 2 bàn… cũng cho thấy hàng thủ đội bóng thành Vinh “chơi tròn vai”, chỉ tệ ở một vài trận đấu trước SHB Đà Nẵng hay Viettel mà thôi. Trong khi thủ môn Văn Hoàng có 7 trận không để thủng lưới là một thành tích đáng ngợi khen.

Về cơ bản, ở lượt đi, Sông Lam Nghệ An ổn định hàng công với 2 tiền đạo ngoại Olaha-Oseni, trừ khi dính thẻ phạt phải đôn Văn Đức lên. Việc ngoại binh ghi được 6/14 bàn chứng minh mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các chân sút này, đồng thời cho thấy sự đa dạng, chất lượng của đội hình khi các tiền vệ, hậu vệ Sông Lam Nghệ An đều có thể ghi bàn từ bất kỳ vị trí nào, hướng tấn công nào. Nhưng nên chú ý khi Sông Lam Nghệ An gặp phải những đối thủ chơi co cụm, nhường sân, họ thường bế tắc, hỗn loạn và dễ bị phản công như trong các trận gặp SHB Đà Nẵng hay Viettel… Đó là vấn đề của hàng thủ và nhất là hàng tiền vệ khi lực lượng luôn không

Một buổi tập của SLNA trước trận lượt về V-League. Ảnh: Đức Anh

Có thể thấy rõ hàng thủ 3 người luôn không ổn định về lực lượng lẫn vị trí sắp xếp. Văn Khánh chấn thương 2 lần, phong độ phập phù, Bá Sang mắc lỗi cá nhân, thẻ phạt, việc bắt buộc điều chuyển Ngọc Hải từ lệch trái vào giữa, Văn Khánh từ giữa ra lệch trái… khiến cho sự thống nhất chỉ huy gặp khó, đội bóng cứ như vừa “hành quân vừa sắp hàng”.

Ở tuyến giữa khi phòng ngự, 2 hậu vệ biên tấn công sẽ được kéo lùi với Đình Hoàng bên phải, Sỹ Hoàng bên trái. Nhưng Đình Hoàng từng dính thẻ đỏ khiến “đôi cánh” phải bổ sung và không dễ gì đạt được yêu cầu mong muốn. Tiền vệ trung tâm Ojong Mark phải qua vài ba trận mới chơi có nét ở giữa sân thì sau đó dính chấn thương. Để chữa cháy, Xuân Mạnh được kéo từ tiền vệ lệch phải vào giữa thay Ojong Mark và đạt được kết quả tốt hơn dự kiến. Rồi có sự bổ sung của Mario từ trận gặp Nam Định. Đồng thời với quá trình đó là sự xuất hiện lần lượt của Văn Bách, Xuân Bình, Xuân Tiến, Nam Hải… ở tuyến giữa nhưng thực sự chỉ có Xuân Tiến được tin dùng nhiều nhất, lâu nhất. Tóm lại, cả bộ ba trung vệ và tuyến tiền vệ đều luôn ở trong trạng thái không ổn định, hôm nay chắp, mai lại vá mà không thể nói đâu là mạnh nhất, ổn định nhất?

Ai cũng thấy cái hay của Huy Hoàng là quyết liệt, tin tưởng ở dàn trẻ, sẵn sàng tung vào sân khi cần thiết. Nhưng sẽ có câu hỏi đặt ra: Văn Bách chơi tốt ở trận thắng Hoàng Anh Gia Lai, Đình Tiến chơi xuất sắc ở trận thắng Nam Định trên sân khách… nhưng sau đó, hầu như bị bỏ quên, là vì sao? Cái tên có cơ sở để hy vọng như Văn Lắm tại sao hết lượt đi vẫn chỉ là bữa có, bữa không trong danh sách đăng ký? Tính ra, ở lượt đi, Huy Hoàng đã lần lượt tung các cầu thủ trẻ lứa U18, U19 vào sân khá nhiều lần, nhưng hầu như hiệu quả có được là rất hạn chế, nửa vời? Dàn U19 đầy hy vọng của Sông Lam Nghệ An đến nay chỉ mới 2 người là Xuân Tiến và Văn Cường lập công “kiến tạo”, kém xa thành tích của các đối thủ đồng trang lứa ở SHB Đà Nẵng, Becamex Bình Dương là vì sao?

Văn Đức là một trong những trụ cột của SLNA. Ảnh tư liệu: Chung Nguyễn

Dễ thấy trước các đối thủ mạnh, chơi toan tính, thầy và trò Sông Lam Nghệ An rất dễ bế tắc và vô hại, từ hàng công ngoại binh tới các chủ lực được trông cậy quá mức như Văn Đức, Xuân Mạnh. Và khi một trong hai nhân tố trụ cột này gặp vấn đề, vắng Olaha hay Văn Đức quá tải chẳng hạn, đội bóng mất phương hướng thấy rõ. Để thấy Huy Hoàng ít có phương án dự phòng ổn thỏa dù lực lượng đông và được thử nghiệm liên tục?

Sẽ rất khó cho Huy Hoàng ở giai đoạn lượt về khi đối thủ có nhiều thay đổi, khi kẻ bám đuôi luôn cận kề, thách thức. Giành được vị trí thứ 2 lượt đi là đáng nói, là rất khó nhưng chắc chắn giữ được ở chặng nước rút còn khó khăn, gian khổ hơn. Điều cần nhất cho Sông Lam Nghệ An lúc này là tính ổn định, bộ khung tốt nhất, có chiều sâu nhất, là đáp ứng yêu cầu “đọc trận đấu” tốt nhất từ ban huấn luyện, là đường nét rõ ràng đưa cầu thủ trẻ vào cuộc trong từng trận và cả giải đấu.

Theo Hoa Bùi

Link gốc: https://baonghean.vn/song-lam-nghe-an-luot-ve-co-on-dinh-bo-khung-post257896.html