Sốc vì chứng chỉ IELTS bị kết luận ‘trái phép’

Nhiều thí sinh lo kết quả vào đại học năm trước bị hủy hoặc không được xét năm nay khi 56.200 chứng chỉ IELTS bị kết luận sai quy định, các trường nói đang chờ ý kiến từ Bộ.

0

Minh Quang, sinh viên năm thứ hai Học viện Ngoại giao, tối 8/5, sốc vì biết tin chứng chỉ 7.5 IELTS của mình do IDP Việt Nam cấp thuộc diện “trái phép”. Nam sinh thi chứng chỉ vào tháng 3/2022, dùng xét tuyển vào đại học hồi tháng 7.

“Em hoảng loạn vì nếu bây giờ truy lại, chứng chỉ của em không có giá trị, liệu có loại khỏi trường?”, Quang nói. “Em cũng lo vì không chắc thi lại đạt được 7.5 IELTS”.

Nguyễn Kiều Oanh, sinh viên năm thứ hai Đại học Bách Khoa Hà Nội, dùng chứng chỉ IELTS thi năm 2022 để được miễn một số học phần tiếng Anh ở trường.

“Nếu trường bắt học và thi lại, hay nộp chứng chỉ thay thế thì em không đủ sức, vì còn phải học kiến thức chuyên ngành rất nặng”, Oanh nói.

Chứng chỉ IELTS của Quang và Oanh nằm trong 56.200 chứng chỉ do IDP cấp từ 1/1 đến 16/11/2022, bị Bộ Giáo dục và Đào tạo kết luận là sai quy định. Trên các diễn đàn học sinh, sinh viên, chủ đề này được chia sẻ liên tục, thu hút hàng nghìn lượt tương tác.

Nhiều người như Quang và Oanh lo bị hủy kết quả, một số sợ chứng chỉ không có hiệu lực khi đăng ký xét tuyển vào đại học năm nay. Trong khi, lệ phí thi IELTS gần 5 triệu đồng một lượt.

Nhân viên IDP hỗ trợ học sinh thi thử IELTS, tháng 4/2023. Ảnh: Fanpage IELTS by IDP

Nhân viên IDP hỗ trợ học sinh thi thử IELTS, tháng 4/2023. Ảnh: IELTS by IDP

Hiện, gần 100 trường đại học trong cả nước dùng IELTS kết hợp với học bạ hoặc điểm thi để xét tuyển đầu vào.

PGS.TS Vũ Duy Hải, Trưởng Ban Tuyển sinh – Hướng nghiệp, Đại học Bách khoa Hà Nội, cho rằng rất khó để thu hồi hay hủy kết quả của thí sinh đã trúng tuyển những năm trước với chứng chỉ IELTS sai quy định của IDP. Lý do là việc tuyển sinh đã hoàn thành, sinh viên đã ổn định học tập.

Với kỳ tuyển sinh năm nay, nhiều chứng chỉ do IDP cấp năm 2022 vẫn còn giá trị sử dụng. Vì vậy, trong công tác tuyển sinh, có thể các trường đại học phải xem xét.

“Các trường phải đợi thêm hướng dẫn từ Bộ Giáo dục và Đào tạo”, ông Hải nói.

Theo PGS.TS Hà Lê Kim Anh, Phó hiệu trưởng trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội, trường cũng đang liên hệ với Bộ để có hướng giải quyết với các chứng chỉ IELTS do IDP cấp từ 1/1 đến 16/11/2022.

“Nếu Bộ yêu cầu các trường không được xét tuyển thì các trường phải tuân thủ”, bà Kim Anh nói. “Nhưng thực tế, làm vậy sẽ rất thiệt thòi cho thí sinh”.

Bà phân tích dù IDP chưa được Bộ cấp phép trong giai đoạn đó nhưng chứng chỉ IELTS này vẫn phản ánh được năng lực tiếng Anh của thí sinh. “Do chính sách của Bộ thay đổi, chứ không phải do năng lực và tư cách pháp nhân của IDP, vì trước đó họ vẫn tổ chức thi”, bà nói thêm.

Trưởng phòng Đào tạo một trường đại học khác bức xúc. Ông nhìn nhận việc các trường sử dụng IELTS trong tuyển sinh nhằm đánh giá năng lực ngoại ngữ cũng như các kỹ năng thể hiện qua kết quả bài thi.

“Về nguyên tắc, bài thi vẫn đảm bảo được chất lượng, được công nhận rộng rãi trên toàn thế giới. Kết quả bài thi có giá trị không khác những kỳ thi được tổ chức trước hay sau đó”, ông cho hay. Do đó, việc hơn 56.200 chứng chỉ IELTS bị cấp sai quy định chỉ liên quan đến các thủ tục hành chính giữa đơn vị tổ chức thi và cơ quan quản lý, không tác động đến chất lượng.

“Đại học chỉ kiểm tra năng lực của thí sinh, không có trách nhiệm phải kiểm tra việc cấp phép của Bộ”, ông nói. Ngoài ra, việc sử dụng chứng chỉ IELTS để xét tuyển đại học hay xét chuẩn đầu ra các năm trước đã hoàn thành.

Bộ Giáo dục và Đào tạo sáng 9/5 cho biết đang họp để giải quyết sự việc. IDP khẳng định 56.200 chứng chỉ IELTS cấp năm 2022 “được thế giới công nhận”, song chưa nêu giải pháp với các thí sinh dùng IELTS để xét tuyển đại học trong nước.

Oanh và Quang hy vọng các bên liên quan có giải pháp thỏa đáng để đảm bảo quyền lợi người thi, không khiến họ chịu thiệt thòi.

Tác giả: Hùng Hương – Tâm Phương

Nguồn: Vnexpress.net