Sở GD&ĐT ‘hiến kế cứu giáo viên biệt phái’ nhưng Nghệ An vẫn chậm ban hành nghị quyết

Nhận thấy những bất cập nên từ năm 2018, Sở GD&ĐT Nghệ An đã có tờ trình phân tích sự cần thiết phải ban hành Nghị quyết về chế độ hỗ trợ đối với “giáo viên biệt phái” nhưng mãi đến nay Nghệ An vẫn chưa ban hành?

0

Hậu quả đang dẫn đến một câu chuyện rất “buồn” đối với đội ngũ “giáo viên biệt phái” ở Nghệ An.

Từ năm 2018 đã chỉ ra nhiều bất cập!

Cụ thể, ngày 10/9/2018 Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Nghệ An lúc bấy là là bà Nguyễn Thị Kim Chi đã ký Tờ trình số 1752/TTr-SGD&ĐT với nội dung: Thực hiện quy định của Luật ban hành quy phạm pháp luật năm 2015, Sở kính đề nghị UBND tỉnh trình Thường trực HĐND tỉnh đề nghị xây dựng Nghị quyết về việc bố trí công chức, viên chức và chế độ đối với viên chức Phòng GD&ĐT.

Trong đó, Sở GD&ĐT Nghệ An đã phân tích sự cần thiết phải ban hành nghị quyết rằng: Ngày 15/4/2012, Chính phủ ban hành Nghị định số 34/2012/NĐ-CP quy định về chế độ phụ cấp công vụ (25%) đối với công chức. Số viên chức được điều động về làm việc ở Phòng GD&ĐT không thuộc đối tượng được hưởng phụ cấp công vụ và cũng không được hưởng các phụ cấp nhà giáo như: phụ cấp ưu đãi, phụ cấp thâm niên (thiẹt thòi với đồng nghiệp). Dẫn đến số viên chức này nguyện vọng trở về trường công tác để được hưởng phụ cấp ưu đãi, phụ cấp thâm niên.

Chính vì thế, thực hiện Điều 36 của Luật viên chức, Sở Nội vụ – Sở GD&ĐT đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Công văn 6612/UBND-TH ngày 24/9/2012 về biên chế Phòng GD&ĐT. Việc thực hiện chế độ viên chức biệt phái theo hướng dẫn tại Công văn số 6612 đã đảm bảo chế độ cho người lao động, góp phần ổn định và nâng cao chất lượng đội ngũ viên chức công tác tại Phòng GD&ĐT.

Tuy nhiên theo Sở GD&ĐT Nghệ An thì trong quá trình thực hiện Công văn 6612 cũng đã phát sinh nhiều bất cập, khó khăn. Ví như, một số viên chức biệt phái, do vị trí việc làm đảm nhiệm nên chưa thực hiện đầy đủ việc tham gia giảng dạy.

Trụ sở Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An

Mặt khác, việc điều động viên chức biệt phái thực hiện theo Điều 36 của Luật viên chức năm 2010 và Khoản 2, Điều 26 của Nghị định số 29/2012/NĐ-CP ngày 12/4/2012 của Chính phủ. Do không có văn bản pháp luật viên của ngành GD&ĐT quy định thời gian biệt phái thời gian hơn 3 năm nhưng thực tế do công việc chuyên môn ở Phòng GD&ĐT cần những người có kinh nghiệm và làm việc ổn định nên các đơn vị phải thực hiện bố trí theo hình thức đối phó. Đó là khi hết thời hạn 3 năm lại điều động về đơn vị cũ, sau đó lại điều động biệt phái trở lại Phòng GD&ĐT.

Bên cạnh đó, Công văn 6612 cũng chỉ mang tính chất hướng dẫn, không phải là văn bản quy phạm pháp luật. Vì thế đã có nhiều ý kiến cho rằng: Việc viên chức biệt phái phòng GD&ĐT hưởng các chế độ phụ cấp như đối với nhà giáo là chưa phù hợp. Vì vậy từ đầu năm 2018, một số huyện đã tạm ngừng cấp chế độ phụ cấp đối với viên chức biệt phái ở Phòng GD&ĐT.

“Hiến kế” sớm ban hành Nghị quyết

Nhận thấy những “lỗ hổng” trên nhưng vì sự cần thiết phải có đội ngũ “giáo viên biệt phái” nên trong tờ trình trên Sở GD&ĐT Nghệ An đã có những “hiến kế”cho tỉnh Nghệ An.

Theo đó, Sở GD&ĐT Nghệ An cho rằng: Viên chức sự nghiệp ở Phòng GD&ĐT là những cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên giỏi, có kinh nghiệm, năng lực chuyên môn và nghiệp vụ ở các đơn vị trường học. Nếu họ không có bất cứ một chế độ phụ cấp nào thì tạo nên sự bất bình đẳng trong đội ngũ công chức, viên chức phòng GD&ĐT. Và họ không yên tâm công tác nên nhiều viên chức ở phòng xin thuyên chuyển về trường.

Hậu quả các huyện sẽ gặp khó khăn trong việc điều động cán bộ quản lý, giáo viên giỏi về công tác tại Phòng GD&ĐT. Điều này sẽ ảnh hưởng trong việc quản lý chuyên môn ngành để nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục.

Năm 2018 Sở GD&ĐT “hiến kế cứu giáo viên biệt phái” nhưng Nghệ An vẫn chậm ban hành nghị quyết?

Đặc biệt do yêu cầu đổi mới giáo dục toàn diện, nhiệm vụ của ngành GD&ĐT được giao ngày càng nhiều, nặng nề. Bên cạnh đó, do đặc thù công tác của ngành GD&ĐT, quản lý trên địa bàn rộng, quy mô trường, lớp lớn, nhiều cơ sở giáo dục ở vùng sâu, vùng xa nên việc thực hiện nhiệm vụ hướng dẫn thanh tra, kiểm tra, tập huấn chuyên môn, chuyên đề… của Phòng GD&ĐT đến các cơ sở giáo dục rất cần thêm nguồn nhân lực.

Vì vậy, việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật hay nói cách khác là cần phải sớm ban hành Nghị quyết về việc bố trí số lượng công chức, viên chức và mức hộ trợ cho viên chức Phòng GD&ĐT là điều hết sức cần thiết.

Theo đó, tờ trình của Sở GD&ĐT Nghệ An đã “hiến kế”: Cần có khung định mức bố trí công chức, viên chức và chế độ hỗ trợ đối với viên chức Phòng GD&ĐT bảo đảm tính pháp lý và thực tiễn; tạo điều kiện cho họ yên tâm làm việc, công tác tác góp phần nâng cáo chất lượng giáo dục.

Quy định này dựa vào căn cứ Đề án vị trí việc làm, UBND cấp huyện bố trí cụ thể như sau: Tối thiểu 10% công chức làm việc tại Phòng GD&ĐT trong tổng số công chức được giao hàng năm của UBND cấp huyện; Bố trí viên chức làm việc tại Phòng GD&ĐT trong tổng viên chức sự nghiệp mầm non, tiểu học, trung học cơ sở của UBND cấp huyện được phân bổ hàng năm; Viên chức làm việc ở Phòng GD&ĐT được hưởng chế độ hỗ trợ 25% mức lương hiện hưởng (tương đương phụ cấp công vụ và được điều chỉnh theo mức phụ cấp công vụ thay đổi).

Đặc biệt, Sở GD&ĐT Nghệ An đã đưa ra dự kiến lộ trình triển khai: Thời gian trình xin chủ trương lập đề nghị xây dựng Nghị quyết: Tháng 8-9/2018; Thời gian xin thông qua dự thảo Nghị quyết: Tháng 10-11/2018; Thời gian trình thông qua Nghị quyết: Kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh Nghệ An tháng 12/2018 và thời gian triển khai thực hiện là từ ngày 1/1/2019.

Điều đáng nói là sau Tờ trình trên, ngày 26/8/2019 Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An Thái Văn Thành lại tiếp tục ký Tờ trình số 1546/SGDĐT-TCCB về việc đề nghị xin ý kiến của Ban thường vụ Tỉnh uỷ Nghệ An về chủ trương bố trí công chức và người làm việc tại Phòng GD&ĐT.

Vậy nhưng điều khó hiểu là sau đó theo thời gian, các “Tờ trình tâm huyết” trên của Sở GD&ĐT Nghệ An vẫn rơi vào im lặng cho đến nay. Và hậu quả là do sau đó chưa có một văn bản quy phạm pháp luật nào khác thay thế nên những năm tiếp theo hầu hết các huyện, thị ở Nghệ An vẫn tiếp tục chi trả phụ cấp ưu đãi cho viên chức biệt phái về Phòng GD&ĐT theo Công văn 6612.

Như Đời sống và Pháp luật đã phản ánh ở 2 bài viết trước: “Nghệ An truy thu hơn 10 tỷ, hàng trăm “giáo viên biệt phái” bỗng thành… “con nợ” và “Nghệ An truy thu hơn 10 tỷ, “trăm dâu đừng đổ đầu… giáo viên biệt phái” phản ánh: Để chi trả chế độ cho đội ngũ “giáo viên biệt phái” lên GD&ĐT, các huyện, thị ở Nghệ An đã thực hiện theo hướng dẫn tại Công văn số 6612. Việc chi trả chế độ này không đúng với tinh thần trong Quyết định số 42 ngày 5/8/2011 của Thủ tướng Chính.

Điều đáng nói là sai phạm này đã được phát hiện từ năm 2018 nhưng sau đó Nghệ An vẫn tái diễn. Theo Thanh tra tỉnh Nghệ An thì chỉ mới tổng hợp kết quả 2 năm: 2021 và 2022 thì số tiền chi trả cho “giáo viên biệt phái” mà Nghệ An chi sai là hơn 10 tỷ đồng. Hiện 281 “giáo viên biệt phái” đang đứng trước nguy cơ thành… “con nợ” khi Nghệ An đang hướng dẫn các huyện truy thu số tiền này. Dư luận, phần lớn đang chia sẻ với sự “cống hiến” của đội ngũ “giáo viên biệt phái” và giờ nếu bị thu hồi thì sẽ rất thiệt thòi cho họ.

Tác giả: Trọng Đức

Nguồn: doisongphapluat.nguoiduatin.vn