Quyết liệt cuộc chiến truy quét tội phạm “tín dụng đen” ở miền sông nước
Hoạt động cho vay lãi nặng “tín dụng đen” tại các tỉnh, thành Tây Nam Bộ vẫn đang tiếp tục diễn biến phức tạp. Công an các địa phương đã nỗ lực truy xét, qua đó phát hiện, triệt xóa hàng loạt đối tượng, ổ nhóm hoạt động “tín dụng đen”.
Thực hiện chỉ đạo của Giám đốc Công an tỉnh Tiền Giang về kiểm tra, xác minh, điều tra, xử lý tội phạm và các vi phạm liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, Phòng Cảnh sát hình sự đã phát hiện và xử lý hàng loạt đối tượng, ổ nhóm cho vay lãi nặng.
Trưa 20/8, tại quán cà phê trên quốc lộ 50 thuộc phường 9 (TP Mỹ Tho), Phòng Cảnh sát hình sự phát hiện Nguyễn Như Đức (SN 1992) và Võ Hữu Túy (SN 2000, cùng ngụ tỉnh Nghệ An) có hành vi cho vay lãi nặng. Khi lực lượng làm nhiệm vụ tiến hành kiểm tra, cả hai bỏ chạy nhưng đã nhanh chóng bị khống chế. Trong lúc làm việc với Đức và Túy, Phòng Cảnh sát hình sự tiếp tục phát hiện thêm Bùi Anh Đức (SN 1998, ngụ tỉnh Hải Dương), Nguyễn Hữu Linh (SN 1993, ngụ tỉnh Hưng Yên) và Vi Tuấn Vũ (SN 1997, ngụ tỉnh Nghệ An) có hành vi cho vay lãi nặng. Qua làm việc, các đối tượng thừa nhận hành vi phát tờ rơi và cho vay lãi nặng. Khám xét, lực lượng chức năng thu giữ cây ná tự chế, 140 viên bi sắt, một số giấy tờ và tang vật liên quan đến việc cho vay lãi nặng.
Cùng về hành vi trên, chiều 30/8, trên địa bàn xã Thân Cửu Nghĩa (huyện Châu Thành), Phòng Cảnh sát hình sự đã kiểm tra và làm việc đối với Nguyễn Thị Lương (SN 1996) và Nguyễn Mỹ Phước (SN 2004, cùng ngụ tỉnh Nghệ An). Lực lượng làm nhiệm vụ thu giữ tang vật liên quan đến hoạt động cho vay, dao bấm và một số tang vật khác. Lương và Phước thừa nhận hành vi cho vay lãi nặng trên địa bàn tỉnh Long An và huyện Châu Thành (tỉnh Tiền Giang), với lãi suất 30%/tháng.
Đại tá Nguyễn Văn Hiểu, Giám đốc Công an tỉnh Đồng Tháp đã chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh ra quân tấn công, đấu tranh mạnh với loại tội phạm này. Phòng Cảnh sát hình sự đã phối hợp với Công an các địa phương bắt, xử lý nhiều nhóm cho vay lãi nặng. Các đối tượng chủ yếu đến từ các tỉnh phía Bắc, không mở cơ sở mà lợi dụng đêm tối dán, rải tờ rơi và sử dụng mạng xã hội để quảng cáo cho vay lãi nặng.
Tối 7/9, Công an TP Hồng Ngự phối hợp với Phòng Cảnh sát hình sự kiểm tra căn nhà số 116 đường Trần Phú và nhà trọ Tín Phúc thuộc phường An Lộc, phát hiện Phạm Quang Tú (SN 1987), Trương Quang Viên (SN 1985), Trương Quốc Huấn (SN 1997), Nguyễn Văn Duy (SN 1991) và Đoàn Thanh Đông (SN 1991, cùng ngụ tỉnh Ninh Bình), có hành vi cho vay lãi nặng.
Công an đã khám xét, thu giữ nhiều tang vật, giấy tờ liên quan đến việc cho vay lãi nặng như: sổ hộ khẩu, căn cước công dân, chứng minh nhân dân, giấy đăng ký xe, giấy đăng ký kết hôn, giấy ghi nợ. Các đối tượng thừa nhận hành vi cho vay lãi nặng với mức lãi suất từ 20 – 24%/tháng. Đã có gần 200 người trên địa bàn TP Hồng Ngự, huyện Hồng Ngự, Tân Hồng và Tam Nông vay tiền của nhóm đối tượng này.
Công an xã Tân Thuận Tây (TP Cao Lãnh) cũng đã bắt quả tang Lưu Văn Phương (SN 1996, ngụ tỉnh Thanh Hóa) và Dương Kim Hải (SN 1986, ngụ tỉnh Phú Thọ) có hành vi rải tờ rơi cho vay tiền. Tang vật thu giữ gồm 4.000 tờ rơi có số điện thoại và nội dung cho vay tiền cùng nhiều tang vật khác. Các tượng khai nhận có cho người dân ở xã Tân Thuận Tây và nhiều địa bàn ở TP Cao Lãnh vay.
Công an TP Sa Đéc (tỉnh Đồng Tháp) đã khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Đức Thịnh (SN 1982, ngụ TP Hà Nội), Lưu Công Định (SN 1990, ngụ tỉnh Thanh Hóa) và 7 người khác điều tra về hành vi cho vay lãi nặng. Thịnh là đối tượng cầm đầu, Định là quản lý cùng với 7 đối tượng hoạt động “tín dụng đen” trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp và Vĩnh Long.
Ngoài việc rải tờ rơi quảng cáo cho vay tiền, hiện nay tình hình cho vay trực tuyến, vay qua App ngày càng trở nên phổ biến, diễn biến ngày càng khó lường. Lãi suất vay qua các App thường cao gấp nhiều lần so với vay trực tiếp (có trường hợp lên đến 700% – 1.000%/năm). Người dân vay tiền qua các ứng dụng này thường chỉ trả lãi được một thời gian, sau đó mất khả năng chi trả. Khi đi đòi nợ, các đối tượng có nhiều thủ đoạn để gây sức ép với người vay và thân nhân của người vay như: dọa dẫm bằng lời nói, sử dụng vũ lực, thậm chí hoạt động vi phạm pháp luật như bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, cố ý gây thương tích, hủy hoại tài sản… Thông qua các App, một số đối tượng còn lợi dụng để thực hiện lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Từ đầu năm 2022 đến nay, Công an tỉnh Đồng Tháp đã tiếp nhận 11 trường hợp đến trình báo vay tiền qua App, sau đó bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo V. Vĩnh
Link gốc: https://cand.com.vn/Ban-tin-113/quyet-liet-cuoc-chien-truy-quet-toi-pham-tin-dung-den-o-mien-song-nuoc-i667922/