Quá sớm để coi COVID-19 giống như bệnh cúm mùa

Khi mà WHO tuyên bố COVID-19 không còn là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu không có nghĩa COVID-19 không còn là mối đe dọa hay là COVID-19 đã trở nên ít nguy hiểm hơn.

Đại diện WHO tại Việt Nam nói lý do chưa thể coi COVID-19 giống như bệnh cúm mùa. Ảnh: Hương Giang

Chiều 8.5, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam và Bộ Y tế đã cung cấp thông tin báo chí về các biện pháp ứng phó với COVID-19 sau khi WHO chính thức tuyên bố chấm dứt tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu của COVID-19.

Nói về lý do WHO tuyên bố COVID-19 không còn là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu, TS. Angela Pratt, Trưởng Đại diện WHO tại Việt Nam, cho biết hiện nay tình trạng thích ứng với COVID-19 đã trở nên tốt hơn rất nhiều, số ca mắc và tử vong đều giảm.

“Tuy nhiên, khi mà WHO tuyên bố COVID-19 không còn là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu không có nghĩa COVID-19 không còn là mối đe dọa hay là COVID-19 đã trở nên ít nguy hiểm hơn. Chúng ta không được mất cảnh giác với COVID-19” – đại diện WHO nhấn mạnh.

Trả lời câu hỏi có nên coi COVID-19 là cúm mùa hay không, bà Angela Pratt cho biết có những điểm tương đồng giữa cúm mùa và COVID-19. Tuy nhiên vẫn không thể coi COVID-19 như cúm mùa.

“Thứ nhất COVID-19 không theo mùa. Cúm mùa thường vào mùa đông nhưng COVID-19 ở nhiều quốc gia không hề theo mùa, có thể lây lan ở bất cứ loại thời tiết nào.

Thứ 2, COVID-19 vẫn còn là bệnh mới mẻ đối với chúng ta. Chúng ta mới có 4 năm làm quen với COVID-19 trong khi đó các nhà khoa học trên thế giới đã có hàng thập kỷ nghiên cứu về cúm mùa, về các hành vi của virus, về các loại hình bệnh tật…”- bà Angela Pratt khẳng định.

Vì thế, đại diện WHO tại Việt Nam cho rằng hiện còn quá sớm để coi COVID-19 như là căn bệnh cúm mùa.

“Tôi phải nhấn mạnh một lần nữa, WHO tuyên bố COVID-19 không còn là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu nhưng không phải chúng ta chấm dứt đại dịch COVID-19”- bà Angela Pratt nói.

Đại diện WHO cũng khuyến cáo, dù miễn dịch trong cộng đồng và nhờ việc tiêm vaccine cao nhưng vẫn phải luôn đề cao cảnh giác và các biện pháp thích hợp.

Đồng thời phải chuẩn bị cho những tình huống nguy cấp có thể xảy ra để nhằm tránh việc hệ thống y tế quá tải hoặc lơ là trước những sự kiện xảy ra trong tương lai.

Ngoài ra, WHO cũng khuyến cáo cần đưa việc tiêm phòng vaccine COVID-19 vào Chương trình tiêm chủng mở rộng và tiếp tục tiêm chủng các mũi tăng cường cho người dân, đặc biệt là nhóm có nguy cơ cao mắc bệnh nặng.

Cùng đó, vẫn phải có các hoạt động, giám sát chặt chẽ, trong đó có việc nâng cao các năng lực điều trị, cấp cứu… để đảm bảo khi số ca tăng lên thì hệ thống y tế và nhân viên y tế sẵn sàng và có năng lực đáp ứng thu dung, điều trị.

Trước đó, ngày 5.5, WHO chính thức tuyên bố chấm dứt tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu của COVID-19 đã kéo dài hơn 3 năm, kể từ ngày 30-1-2020.

Tuyên bố này được đưa ra sau khi đại dịch COVID-19 đã lan rộng đến hầu hết quốc gia trên thế giới và khiến hơn 6,9 triệu người tử vong.

Dù chính thức tuyên bố COVID-19 không còn là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu nhưng WHO cũng cảnh báo căn bệnh này sẽ không bao giờ biến mất.

Theo Thùy Linh

Link gốc: https://laodong.vn/y-te/qua-som-de-coi-covid-19-giong-nhu-benh-cum-mua-1188826.ldo