Phong Phú Corp làm ăn ra sao?

Không chỉ là công ty có doanh thu nghìn tỷ trong lĩnh vực dệt may, Phong Phú Corp còn được biết đến nhiều hơn khi lấn sân sang bất động sản với nhiều dự án trên cả nước.

0

 

Ảnh Internet

Tổng Công ty Cổ phần Phong Phú (Phong Phú Corp-mã PPH) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2021 với doanh thu thuần đạt 349,8 tỷ đồng, giảm 28,6% so với quý 3/2020. Sau khi trừ các khoản chi phí Phong Phú Corp lãi sau thuế 15,3 tỷ đồng, giảm 81% so với cùng kỳ năm trước.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, PPH báo lãi ròng đạt 298,8 tỷ đồng, tăng hơn 19% so với cùng kỳ năm ngoái, vượt nhẹ mục tiêu 298 tỷ đồng đề ra cả năm, còn doanh thu thuần ở mức 1.172 tỷ đồng.

Screenshot (1313)

Nếu tính từ năm 2016 đến nay có thể thấy hiệu quả kinh doanh của Phong Phú đang dần được cải thiện. Như năm 2016 biên lợi nhuận ròng ở mức 8,4%, thì đến năm 2020 đã là 13,5% và 9 tháng đầu năm 2021 chỉ tiêu này là 25,5%.

Screenshot (1315)

Dù vậy, cần lưu ý rằng, suốt những năm qua, nguồn thu chính của Phong Phú Corp lại chủ yếu đến từ công ty liên doanh, liên kết, và đóng vai trò chủ lực là Công ty TNHH Coats Phong Phú (liên doanh của PPH với Coats Plc. của Anh quốc), dù cho đây chỉ là đơn vị mà Phong Phú hầu như chỉ tham gia với tính chất cầu nối đưa Coats Pls vào Việt Nam.

Điển hình như năm 2019, với giá trị đầu tư ghi sổ 85 tỷ đồng, chiếm 35% vốn nhưng liên doanh này đã giúp Phong Phú ghi lãi 418 tỷ đồng. 9 tháng đầu năm nay, Coats Phong Phú tiếp tục đem về cho Phong Phú Corp 324 tỷ đồng, trong khi các công ty liên doanh liên kết khác làm ăn không hiệu quả và thậm chí báo lỗ như Dệt may Nha Trang, May Đà Lạt, Hud Sài Gòn.

Trong giai đoạn 2016 – 9T2021, quy mô tổng tài sản và nợ phải trả của Phong Phú đạt đỉnh vào năm 2018 với giá trị lần lượt là 5.427 tỷ đồng và 3.746 tỷ đồng. Các năm sau đó, nợ vay của Phong Phú Corp dù có phần suy giảm nhưng vẫn tiêu tốn hơn trăm tỉ đồng lãi vay mỗi năm. Tại ngày 30/9/2021, tổng nợ phải trả của PPH là 1.894 tỷ đồng, giảm 12% so với hồi đầu năm, trong đó vay nợ tài chính đã lên đến 1.350 tỷ đồng.

Hệ sinh thái của Phong Phú Corp

Với vốn điều lệ 746,7 tỷ đồng, PPH là đơn vị thành viên có quy mô lớn nhất thuộc Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex – nắm 50,1% vốn điều lệ). Bên cạnh đó, ông Trần Quang Nghị – Chủ tịch HĐQT Phong Phú Corp hiện cũng đang đảm nhiệm vai trò Phó Chủ tịch HĐQT Vinatex.

Phong Phú Corp hiện là công ty mẹ của CTCP Dệt gia dụng Phong Phú (90%), đồng thời, Tổng công ty cũng đang góp vốn tại các doanh nghiệp liên doanh liên kết và đầu tư góp vốn vào một loạt doanh nghiệp khác là CTCP Dệt Đông Nam (35,99%), CTCP Dệt May Nha Trang (30,35%), CTCP May Đà Lạt (40%), Công ty TNHH Coats Phong Phú (35%), CTCP Đầu tư Phát triển nhà và đô thị HUD Sài Gòn (21,51%), CTCP Phát triển nhà Phong Phú Daewon Thủ Đức (44,02%), CTCP Xúc tiến thương mại và đầu tư Phong Phú (41,26%).

Là tên tuổi lớn trong lĩnh vực dệt may, song Phong Phú Corp nên biết cũng là nhà đầu tư bất động sản chuyên nghiệp một thời với tham vọng không nhỏ, được biết đến với loạt dự án đình đám như Green Pearl 378 Minh Khai (Hà Nội) gần 3ha, dự án KĐT Sinh thái Đồng Mai (Phú Lãm, Hà Đông, Hà Nội) rộng 226ha, hay đáng chú ý không kém là bộ đôi dự án hợp tác với Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn (Sagri): Dự án Khu nhà ở tại phường Phước Long B quy mô 3,7ha và dự án Cụm công nghiệp Láng Le – Bàu Cò có diện tích 94ha.

Ngoài ra, tại Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô có 2 dự án do Phong Phú Corp cùng một số cổ đông góp vốn thành lập doanh nghiệp để đầu tư gồm: dự án khu du lịch nghỉ dưỡng, sân golf Lăng Cô (tổng mức đầu tư 5.230 tỷ đồng) và dự án khu du lịch quốc tế Thuận Phong (diện tích 69.198 m2). Tuy nhiên, do triển khai chậm tiến độ, vi phạm quy định của pháp luật đầu tư nên cả hai dự án này đã bị chấm dứt hoạt động.

Sau một giai đoạn lấn sân, những năm gần đây, Phong Phú Corp đã và đang rậm rịch rút khỏi lĩnh vực bất động sản, riêng năm 2019, Phong Phú Corp chào bán trọn lô hơn 1,5 triệu cổ phần, tương đương 25% cổ phần trong tổng số 60,99% vốn điều lệ của CTCP Dệt Đông Nam-doanh nghiệp sở hữu khu đất hơn 5,7ha tại 727 Âu Cơ, Quận Tân Phú, TP.HCM. Sau thương vụ này, tỷ lệ sở hữu của Phong Phú Corp trong Dệt Đông Nam chỉ còn 35,99%, vừa đủ để không nắm quyền phủ quyết.

Cũng trong năm 2019, PPH còn thoái vốn tại CTCP phần Dệt may Nha Trang (mã NTT) thu về số tiền là 50,8 tỷ đồng, giảm tỷ lệ sở hữu từ 52% xuống 30,3%. Một năm sau, vào tháng 3/2020, Phong Phú Corp tiếp tục thoái toàn bộ 12,76% vốn tại CTCP Dệt may Liên Phương (LPTEX) – doanh nghiệp sở hữu dự án Trung tâm thương mại căn hộ Vinatex-ITC hợp tác với Vinatex tại Nha Trang, Khánh Hòa.

Trước đó vào cuối năm 2017, Phong Phú Corp cũng đã thoái toàn bộ 26,9% vốn tại CTCP Đầu tư Phát triển Phong Phú (PPD) – nhà đầu tư của dự án Khu nhà ở sinh thái Đồng Mai, quận Hà Đông. Hai nhà đầu tư tổ chức đã tham gia đấu giá là Công ty TNHH Xây dựng Phong Đức và CTCP Xây lắp 6.

PPD được thành lập vào tháng 9/2005 với vốn điều lệ 100 tỷ đồng bởi 3 cổ đông là Phong Phú Corp, CTCP Phát triển Nhà Thủ Đức và quỹ Vietnam Ventures Limited thuộc VinaCapital.

(Theo Nhật Huỳnh/Nhà đầu tư)

Link gốc : https://nhadautu.vn/phong-phu-corp-lam-an-ra-sao-d60104.html