Phía sau thủy điện Suối Choang ở Nghệ An – Bài 2: Trăm khổ đổ đầu… dân bản

Hàng loạt các bất cập đang tồn tại tại dự án thuỷ điện Suối Choang được xây dựng trên địa bàn xã Châu Khê, huyện Con Cuông và nhiều hạng mục đang bị “treo” khiến nhiều hệ lụy vẫn chưa thể giải quyết.

0
Dự án thủy điện Suối Choang sau 14 năm triển khai vẫn chưa thể đi vào hoạt động

Trước đó, vào năm 2009, dự án thủy điện Suối Choang bắt đầu được khởi công xây dựng, với tổng số vốn đầu tư ban đầu là 74,5 tỷ đồng. Theo dự kiến, dự án sẽ hoàn thành vào năm 2011, cung cấp lượng điện sản xuất trung bình hàng năm là 14,2 triệu kWh. Tuy nhiên, không hiểu lý do tại sao mà mãi đến cuối năm 2017, dự án này mới bắt đầu rậm rịch, tái khởi động trở lại?

Cũng từ thời điểm này, chỉ trong vòng 4 năm (từ năm 2017 – 2021), chủ đầu tư dự án là Công ty CP đầu tư và phát triển điện Meco đã 3 lần xin điều chỉnh tiến độ và tổng mức đầu tư. Theo đó, dự án đã nâng tổng mức đầu tư lên đến 145 tỷ đồng, gần gấp đôi so với ban đầu; trong khi đó, lượng điện sản xuất trung bình hàng năm vẫn được giữ nguyên? Không chỉ điều chỉnh mức đầu tư, tiến độ thực hiện dự án cũng được điều chỉnh, cho gia hạn đến tháng 8/2022 đưa vào vận hành và phát điện lên điện lưới quốc gia.

Mặc dù được “ưu ái là vậy, thế nhưng điều đáng buồn là đến nay, phía chủ đầu tư vẫn cứ “thờ ơ”, không chịu hoàn thiện mọi thủ tục, vướng mắc liên quan để sớm đưa thủy điện Suối Choang vào vận hành như đã cam kết!

Việc dự án chậm tiến độ hơn một thập kỷ đã kéo theo những hệ lụy nghiêm trọng, gây ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của bà con dân bản và sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.

Dự án Thủy điện Suối Choang chậm tiến độ ảnh hưởng rất lớn đến việc phát triển kinh tế – xã hội của xã biên giới Châu Khê, nhất là tác động tiêu cực đến đời sống của hàng trăm hộ đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây (ảnh: VL)

Đơn cử, nếu như dự án thủy điện này tích nước, tuyến đường đi vào các bản Khe Bu, Khe Nà và cụm dân cư Khe Nóng thuộc địa phận xã Châu Khê, huyện Con Cuông sẽ phải nằm sâu dưới lòng hồ. Vì lẽ đó cho nên đến nay, phía chính quyền địa phương chưa dám đầu tư để làm đường giao thông. Điều này đã khiến cho việc đi lại, làm ăn sản xuất và giao thương hàng hóa của người dân trong suốt nhiều năm qua gặp rất nhiều khó khăn, trắc trở.

Mặt khác, cũng do đường sá chưa “ổn định” nên việc đưa điện lưới quốc gia vào vùng định cư của dân bản bị đình trệ. Hiện nay, toàn huyện Con Cuông giờ chỉ còn lại đúng 2 bản Khe Nà, Khe Bu và cụm dân cư Khe Nóng với hơn 400 hộ dân, gần 900 nhân khẩu chưa có điện lưới để sinh hoạt…

“Hầu hết các hộ dân nơi đây vẫn thuộc diện hộ nghèo hoặc cận nghèo. Nguyên nhân một phần đến từ dự án thủy điện Suối Choang kéo dài suốt 14 năm qua mà vẫn chưa xong. Dự án kéo dài khiến việc đầu tư hạ tầng cơ sở khó khăn, không làm đường vào các bản đó được. Vì thế, khu vực trong đó rất khó phát triển”, một lãnh đạo xã Châu Khê cho biết.

Đến đây có thể thấy, với một dự án thuỷ điện “mini” được triển khai trên dòng Suối Choang đang trong trạng thái dở dang suốt hơn 10 năm qua ở huyện miền núi Con Cuông không chỉ ảnh hưởng đến tình hình phát triển kinh tế – xã hội mà còn kéo theo nhiều hệ luỵ khó có thể kiểm soát được. Đặc biệt, số phận của hàng trăm hộ dân đồng bào Đan Lai ở các bản Khe Bu, Khe Nà, Khe Nóng… thuộc vùng đệm của vườn quốc gia Pù Mát sẽ không biết đi đâu, về đâu khi dự án thuỷ điện Suối Choang vẫn chưa thể hoàn thành và chấp hành tốt các quy định của pháp luật.

Tác giả: Hồng Quang

Nguồn: diendandoanhnghiep.vn