Ô sin bệnh viện: Phải có chứng chỉ mới được hành nghề

Mặc dù Bộ Y tế không quy định người làm công tác chăm sóc người bệnh tại các bệnh viện (hay còn được gọi “ô sin bệnh viện”) phải có chứng chỉ đào tạo 6 tháng hỗ trợ chăm sóc người bệnh và giao tiếp ứng xử, tuy nhiên, theo phản ánh của một số người đang làm “ô sin bệnh viện” tại Bệnh viện Hữu Nghị Việt Xô, họ bị phải có chứng chỉ này mới được tiếp tục làm việc.

0

Tá hỏa đi học vì yêu cầu chứng chỉ

Phản ánh đến Báo CAND, một nhóm “ô sin bệnh viện” đều là những người đàn ông khỏe mạnh, nhanh nhẹn, độ tuổi ngoài 40 tại Bệnh viện Hữu Nghị Việt Xô cho biết, họ đã làm công việc này hơn chục năm qua, luôn chấp hành tốt các quy định của Bệnh viện. Tuy nhiên, bắt đầu từ ngày 1/3/2023, Bệnh viện có văn bản yêu cầu phải có chứng chỉ 6 tháng về hỗ trợ chăm sóc người bệnh và giao tiếp ứng xử, nếu không sẽ không được tiếp tục làm việc. Không những vậy, họ còn bị “ép” phải vào Công ty TNHH dịch vụ An care, một công ty chuyên cung cấp dịch vụ chăm sóc người bệnh tại Bệnh viện Hữu Nghị Việt Xô.

Một số “ô sin bệnh viện” trình bày với phóng viên về việc nộp tiền học chứng chỉ hỗ trợ chăm sóc người bệnh nhưng không được cấp chứng chỉ.

Anh H.V.D, quê huyện Cẩm Khê, Phú Thọ cho biết, anh làm công việc chăm sóc người bệnh tại các bệnh viện trên địa bàn TP Hà Nội, trong đó có Bệnh viện Hữu Nghị Việt Xô đã 14 năm. Công việc này giúp anh có thu nhập trang trải cuộc sống cũng như lo cho con cái ăn học ở quê. Quá trình đi làm, anh H.V.D luôn chấp hành các quy định của Bệnh viện Hữu Nghị Việt Xô. Đã hơn chục năm qua, công việc vẫn diễn ra bình thường. Tuy nhiên, đến đầu tháng 3/2023, bệnh viện có văn bản thông báo phải khám sức khỏe định kỳ sàng lọc bệnh truyền nhiễm 6 tháng/lần, đăng ký tạm vắng, tạm trú và chứng chỉ đào tạo 6 tháng về hỗ trợ chăm sóc người bệnh và giao tiếp ứng xử. “Khi bệnh viện có yêu cầu, chúng tôi phải có chứng chỉ 6 tháng về hỗ trợ chăm sóc người bệnh và giao tiếp ứng xử, chúng tôi đã nhanh chóng tìm lớp để đi học”, anh D cho biết.

Theo anh H.V.D và nhiều “ô sin bệnh viện” ở đây, qua 2 nhân viên của Bệnh viện Hữu Nghị Việt Xô, những người như anh D được giới thiệu lớp học online của Trường Trung cấp nghề điều dưỡng Hà Nội. Anh đã đóng số tiền 4,5 triệu đồng để tham gia khóa học. Cũng giống như anh H.V.D, anh N.N.P, quê ở Phú Thọ cũng đã làm “ô sin bệnh viện” 16 năm ở Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô cho biết, thông qua một người môi giới, anh P đã nộp 4,5 triệu đồng để tham gia lớp học online của Trường Trung cấp nghề điều dưỡng Hà Nội. Cứ thế, người nọ dắt mối cho người kia, hơn 100 người làm công việc chăm sóc người bệnh tại Bệnh viện Hữu Nghị Việt Xô đã theo học lớp này để được cấp chứng chỉ với chi phí đào tạo từ 3 triệu đồng – đến 4,5 triệu đồng/người. Theo nhiều lao động, trong quá trình học, họ còn phải đóng thêm chi phí phát sinh như tài liệu thi…

Tuy nhiên, mặc dù đã học từ tháng 5/2023 nhưng đến nay là cuối tháng 11/2023, họ vẫn chưa được Trung tâm cấp chứng chỉ. Nhiều lần liên hệ nhưng Trung tâm vẫn không có được câu trả lời rõ ràng. “Chúng tôi rất lo lắng bởi phía Bệnh viện Hữu Nghị Việt Xô có thông báo nếu không có chứng chỉ sẽ không cho chúng tôi tiếp tục làm ở bệnh viện nữa. Trong khi đây là kế sinh nhai của chúng tôi suốt bao nhiêu năm qua, phía sau chúng tôi còn là gia đình, vợ con, cha mẹ già”, anh H.V.D buồn rầu chia sẻ.

Đối với việc vào Công ty TNHH dịch vụ An care, nhóm lao động này cũng cho biết, việc vào công ty sẽ khiến thu nhập hàng ngày của họ bị giảm nhiều so với bình thường nên họ không mặn mà. “Thông thường, thu nhập hàng ngày của chúng tôi là khoảng 700.000 đồng. Tuy nhiên, nếu gia nhập vào Công ty TNHH dịch vụ An care, chúng tôi phải nộp cho Công ty số tiền từ 200.000 đồng-300.000 đồng/ngày, thu nhập giảm chỉ còn hơn một nửa”, một lao động cho biết.

Bệnh viện vẫn để hoạt động song song

Trao đổi với chúng tôi, TS Bùi Long, Phó Giám đốc Bệnh viện Hữu Nghị Việt Xô cho biết, hiện nay, hoạt động chăm sóc người bệnh tại bệnh viện diễn ra đồng thời song song cả theo hình thức tự phát và hoạt động dưới sự quản lý của Công ty TNHH dịch vụ An Care.

Trong nhiều năm qua, hoạt động chăm sóc người bệnh tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô diễn ra tự phát. “Do tự phát nên hoạt động này diễn ra thiếu quy củ, thiếu chuyên nghiệp, không có ai quản lý dẫn đến những sự việc đáng tiếc xảy ra như xô xát giữa người làm với người nhà người bệnh, với người bệnh, thậm chí cả nhân viên y tế. Bên cạnh đó, tình trạng mất ANTT do người lao động đánh nhau, tranh giành bệnh nhân, “cướp ca”, “bán ca”, hoặc say rượu đánh nhau… cũng diễn ra. Bệnh viện đã từng phải mời Công an phường Bạch Đằng đến để giải quyết tình trạng người chăm sóc người bệnh gây mất ANTT và ảnh hưởng đến chuyên môn của bệnh viện”, ông Nguyễn Văn Thái, Trưởng Phòng Hành chính-Quản trị, Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô cho biết.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Thái, vào các dịp lễ tết, không ít “ô sin bệnh viện” tự ý tăng giá chăm sóc người ốm lên 1,5-2 triệu đồng/ngày. Thậm chí, họ còn tự ý tham gia vào công tác chuyên môn của nhân viên y tế. Bệnh viện đã ghi nhận trường hợp các cụ cao tuổi bị táo bón, nhưng người chăm sóc lại tự ý dùng vòi xịt cho bệnh nhân khiến áp lực nước gây thủng trực tràng. Bệnh viện đã phải cấp cứu nhiều ca như vậy. “Bệnh viện có hơn 130 người giúp việc tự phát, những lúc không có việc, họ ngồi ở ghế đá, cầu thang, ăn uống, sinh hoạt vạ vật, mất mỹ quan. Chính vì thế bệnh viện rất cần có đội ngũ chuyên nghiệp quản lý người giúp việc chuyên nghiệp, nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc người ốm”, ông Thái nhấn mạnh.

Khi chúng tôi đặt câu hỏi về việc Bộ Y tế có quy định người giúp việc ở bệnh viện phải có chứng chỉ đào tạo 6 tháng về hỗ trợ chăm sóc người bệnh hay không, Phó Giám đốc Bệnh viện Bùi Long cho biết, Bộ Y tế không có quy định này. Đây là quy định của bệnh viện. Xuất phát từ nhu cầu chăm sóc người bệnh, cán bộ trung, cao cấp nên Bệnh viện yêu cầu người chăm sóc người ốm phải có chứng chỉ, để chăm sóc bệnh nhân và để quản lý nhóm người này tốt hơn. Từ ngày 10/3/2023, Bệnh viện Hữu Nghị Việt Xô đã ký thoả thuận hợp tác với Công ty TNHH dịch vụ An care để cung cấp dịch vụ chăm sóc người bệnh theo hướng chuyên nghiệp. Bệnh viện không yêu cầu bất cứ “ô sin bệnh viện” nào phải gia nhập Công ty TNHH dịch vụ An care. Trước thông tin nhân viên Bệnh viện giới thiệu trung tâm đào tạo chứng chỉ cho các “ô sin bệnh viện” và trung tâm này có dấu hiệu lừa đảo, bệnh viện sẽ xác minh và sẽ có hình thức xử lý đúng quy định, kịp thời nếu có vi phạm, TS Bùi Long nhấn mạnh.

Thiết nghĩ, để những “ô sin bệnh viện” lâu năm ở Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô được tiếp tục làm việc, cần có sự giải quyết hợp tình, hợp lý. Trước yêu cầu phải có chứng chỉ mới được tiếp tục làm việc, đội ngũ này đã rất tích cực đi tìm trường học. Do là những lao động phổ thông, để tìm cơ sở đào tạo trong thời gian ngắn, họ đã gặp phải trắc trở.

Trao đổi vấn đề này với Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô, chúng tôi được biết, bệnh viện sẽ xác minh, nếu hơn 100 người đã học nhưng đều không lấy được chứng chỉ, Ban Giám đốc bệnh viện sẽ họp bàn phương án giải quyết. Nhưng nếu chỉ có vài trường hợp đã học mà không lấy được chứng chỉ, bệnh viện phải xem xét. Tuy nhiên, người lao động cũng phải tuân thủ theo các quy định của bệnh viện, nếu vi phạm họ không được làm việc.

Tác giả: Nhóm PV

Nguồn: cand.com.vn