Núp bóng xuất khẩu lao động để lừa đảo
Trước, trong và sau đại dịch COVID-19, nắm bắt tâm lý của nhiều người có nhu cầu đi xuất khẩu lao động (XKLĐ), một số cá nhân, tổ chức mặc dù không có chức năng đưa người đi XKLĐ, nhưng vì lợi nhuận, vẫn đứng ra nhận tiền, cam kết cấp visa chính ngạch để đưa lao động xuất ngoại. Hậu quả là tiền mất, nợ mang, nhiều lao động nghẹn ngào ôm hận.
Không có chức năng XKLĐ vẫn nhận tiền tỉ rồi chiếm đoạt
Suốt mấy tháng qua, bà Trần Thị Thịnh, trú tại khối 1, phường Lê Lợi, TP Vinh (Nghệ An) gửi đơn tới cơ quan chức năng tố cáo hành vi có dấu hiệu lừa đảo đưa người đi XKLĐ trái phép để chiếm đoạt số tiền hàng tỉ đồng của ông Tạ Văn Trung, trú tại phường Đông Vĩnh, TP Vinh, tỉnh Nghệ An.
Tháng 2/2022, bà Trần Thị Thịnh có người nhà muốn đi XKLĐ. Thông qua các mối quan hệ xã hội, bà quen biết ông Trung và khi nghe ông này “nổ” bản thân có khả năng đưa người sang Canada để làm việc, nên đã nhờ giúp đỡ. Cuối tháng 3/2022, bà Thịnh đã chuyển cho ông Tạ Văn Trung 46.000 USD và 50 triệu tiền mặt. Sau khi nhận tiền, ông Trung cam kết sẽ làm thủ tục cho lao động sang Canada trong thời gian 30 ngày, kể từ ngày 26/3/2022. Trường hợp không lo được visa cho lao động thì ông Trung sẽ hoàn trả lại toàn bộ chi phí đã nhận.
Tuy nhiên, từ khi nhận tiền và cam kết đến nay, ông Tạ Văn Trung vẫn chưa đưa được lao động sang Canada. Sau nhiều lần thúc giục nhưng không nhận được sự hợp tác, bà Thịnh đã quyết định đòi lại tiền, song phía ông Trung không trả mà tiếp tục hứa hẹn, sau đó trốn tránh. “Tôi phát hiện ra ông Trung không có chức năng đưa người sang Canada để làm việc mà liên kết với một người ở huyện Đô Lương (Nghệ An) để đưa lao động qua Dubai, sau đó mới tìm cách đưa sang Canada bất hợp pháp”, bà Thịnh cho biết.
Ngày 4/10, ông Trung chỉ đưa được lao động sang Dubai và bị kẹt tại đây, không qua được Canada như cam kết, nhưng cũng không sắp xếp để đưa người trở về Việt Nam. Tình thế buộc bà Trần Thị Thịnh phải bỏ tiền ra đưa người thân từ Dubai quay trở về Việt Nam để đảm bảo an toàn. Sau nhiều lần đòi lại số tiền đã đưa nhưng không nhận được sự hợp tác từ ông Trung, bà Thịnh đã gửi đơn tố giác tội phạm đến cơ quan điều tra.
Một trường hợp khác là chị Trương Thị Thắm, trú tại xã Cổ Đạm, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh suốt hơn 2 năm qua cũng đã gửi đơn tố cáo ông Trịnh Ngọc Thái, trú tại xã Diễn Hồng, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, có hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tiền thông qua hình thức lừa đưa người đi XKLĐ.
Năm 2019, Trịnh Ngọc Thái với vai trò là Giám đốc khu vực Nghệ An, Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ và Tư vấn Lan Anh HB, có địa chỉ tại xã Diễn Hồng, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, đã nhận của chị Thắm 360 triệu đồng để đưa người sang Hàn Quốc làm việc. Theo hợp đồng ký kết, từ ngày 11/12/2019, Công ty cam kết sẽ làm dịch vụ visa cho lao động đi Hàn Quốc theo chương trình visa lao động ngắn hạn hợp pháp theo chương trình thỏa thuận giữa hai chính phủ Việt Nam và Hàn Quốc, thời gian hoàn thiện hồ sơ và bay là 45 ngày kể từ ngày ký hợp đồng. Nếu phía Công ty không xin được visa thì sẽ hoàn lại hoàn toàn 100% chi phí mà không trừ bất cứ chi phí nào.
Tuy nhiên, sau khi nhận toàn bộ số tiền trên, người lao động đã không làm được visa để sang Hàn Quốc như cam kết. Đã gần 2 năm trôi qua, ông Trịnh Ngọc Thái vẫn không chịu hoàn lại số tiền đã nhận. Nhiều lần đòi lại tiền nhưng bất thành, cực chẳng đã bà Thắm đã tìm đến tận nhà riêng của Trịnh Ngọc Thái thì bất ngờ khi thấy người này vừa xây dựng một căn biệt thự hoành tráng ở quê nhà. Tại thời điểm này, bà Thắm gặp nhiều người cũng là nạn nhân, tìm đến để gây sức ép để đòi lại số tiền đã đưa để đi XKLĐ nhưng bất thành.
Mượn danh XKLĐ để lừa đảo
Trong những năm gần đây, nắm bắt mong muốn của người dân có nhu cầu đi XKLĐ, không ít tổ chức, cá nhân đã lợi dụng lòng tin để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Khi không đưa được lao động ra nước ngoài, tiền đặt cọc và các chi phí khác đã nhận cũng không trả lại cho người lao động mà sử dụng vào mục đích tiêu xài cá nhân. Tình trạng này nở rộ trên địa bàn các tỉnh miền Trung, trong đó tập trung chủ yếu ở các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình.
Ngày 31/8/2022, Cơ quan CSĐT Công an huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Thị Hồng Nhung (SN 1987), trú tại thôn Tân Tiến, xã Tân Dân, huyện Đức Thọ để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Năm 2018, Nhung thành lập Công ty CP cung ứng nhân lực Quốc tế Shunshine và Công ty CP thương mại – dịch vụ Connifer, trụ sở tại nhà riêng ở xã Tân Dân, huyện Đức Thọ. Cả hai công ty này đều do Nhung làm giám đốc và không được phép tổ chức các hoạt động đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Tuy nhiên, Nhung vẫn nhận làm thủ tục, hồ sơ cho các khách hàng có nhu cầu đi XKLĐ nước ngoài nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản.
Trong khoảng thời gian từ năm 2018 đến cuối tháng 8/2022, Nhung đã làm thủ tục, hợp đồng đi xuất khẩu lao động cho nhiều người ở các tỉnh, thành khác nhau. Các hợp đồng đi xuất khẩu lao động chủ yếu là ở các nước như: Úc, Canada, Mỹ, Hàn Quốc… Quá trình làm thủ tục, hợp đồng, Nhung yêu cầu khách hàng đặt cọc tiền hoặc đóng chi phí trước với số tiền dao động từ 1.000 – 35.000 USD. Sau khi nhận tiền của nhiều bị hại, Nhung đã chiếm đoạt số tiền trên và cắt liên lạc với các bị hại. Với thủ đoạn như vậy, trong thời gian nói trên Nguyễn Thị Hồng Nhung đã chiếm đoạt của các bị hại số tiền gần 2 tỉ đồng.
Mới đây, TAND tỉnh Nghệ An đã tuyên phạt Dương Thị Huê (SN 1985), trú tại thị trấn Thứa, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh 18 năm tù về tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Là Giám đốc Công ty TNHH Global Happinees, có trụ sở tại TP. Bắc Ninh, không được cấp phép hoạt động trong lĩnh vực đưa người Việt Nam đi XKLĐ nước ngoài nhưng Huê vẫn khẳng định công ty mình có khả năng đưa người đi xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc với tổng chi phí 6.000 USD. Người lao động không cần học tiếng mà chỉ cần nộp hồ sơ gồm chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu, hộ chiếu, các thủ tục còn lại sẽ có công ty lo.
Thông qua người môi giới là bà Nguyễn Thị Hộ, trú TP Vinh (Nghệ An), chỉ trong thời gian ngắn, đã có 41 lao động tại các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình nộp số tiền hơn 3,2 tỉ đồng để được đi XKLĐ sang Hàn Quốc. Tuy nhiên, tất cả những người này mất tiền nhưng không được ra nước ngoài để làm việc. Ngoài bản án 18 năm tù, tòa cũng buộc Huê phải hoàn trả số tiền đã chiếm đoạt cho các bị hại.
Trước thực trạng này, một số địa phương đã ban hành nhiều văn bản cảnh báo đến người lao động. Tại tỉnh Quảng Bình, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh này đã ban hành công văn về việc tăng cường quản lý công tác tuyển chọn người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trên địa bàn.
Theo đó, để chấm dứt tình trạng nhiều trường hợp vì thiếu hiểu biết đã bị các đối tượng, trung tâm môi giới “rởm” dụ dỗ, lừa đảo đi XKLĐ, tỉnh Quảng Bình yêu cầu các đơn vị, địa phương thường xuyên hướng dẫn, kiểm tra, giám sát hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trên địa bàn để nắm chắc tình hình, bảo đảm ANTT. Kịp thời phát hiện các dấu hiệu sai phạm, xử lý nghiêm đối với các hành vi tư vấn, tuyển chọn lao động, lợi dụng lòng tin của người lao động để lừa đảo, trục lợi, chiếm đoạt tài sản. Tại các tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, ngành Lao động – Thương binh và Xã hội cũng đã có công văn nhắc nhở, cảnh báo đến người lao động, song tình trạng lợi dụng XKLĐ để lừa đảo, trục lợi và chiếm đoạt tài sản vẫn diễn ra âm ỉ, tiềm ẩn nhiều nguy cơ về ANTT trên địa bàn.
Theo Thiện Thành
Link gốc: https://antg.cand.com.vn/Ho-so-Interpol/nup-bong-xuat-khau-lao-dong-de-lua-dao-i676806/