Nóng: Cường độ bão số 4 không hề giảm khi tiếp cận đất liền Việt Nam

Theo Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia Mai Văn Khiêm, các tỉnh từ Đà Nẵng đến Bình Định duy trì cấp độ rủi ro thiên tai ở cấp 4; còn các khu vực khác cấp độ rủi ro thiên tai thấp hơn, ở cấp 3.

0

Tại cuộc họp giao ban công tác ứng phó với bão Noru và mưa lũ ở miền Trung của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai sáng 26/9, ông Mai Văn Khiêm – Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, cho biết, chiều tối và đêm 25/9, khi bão Noru đổ bộ vào đất liền Philippines cường độ có giảm xuống một chút. Rạng sáng nay, bão Noru vào Biển Đông lại có xu thế mạnh hơn.

“Tất cả các dự báo của Việt Nam cũng như quốc tế cập nhật đến sáng nay đều nhận định cường độ cơn bão này là mạnh. Về dự báo quỹ đạo bão khá ổn định, nhưng về cường độ rất tiếc không có dự báo nào cho thấy bão giảm cường độ khi tiến gần đất liền Việt Nam”, ông Khiêm thông tin.

Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn quốc gia nhận định về bão số 4. Ảnh: Ngọc Hà

Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia dự báo bão số 4 có thể gây ra mưa lớn từ 150-300mm, có nơi trên 350mm. Thời gian mưa tập trung từ chiều 27 đến 30/9, ở các khu vực của Quảng Trị, Bình Định, Bắc Tây Nguyên, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thanh Hoá và Nghệ An.

Với lượng mưa như trên, Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia cảnh báo nguy cơ ngập tại vùng trũng, thấp tại ven biển, cả sông các tỉnh từ Thừa Thiên – Huế đến Quảng Ngãi. Cụ thể, nếu mưa lớn phổ biến trên 400mm, sẽ có khoảng 60 huyện và khu đô thị nguy cơ ngập lụt, trong đó có nhiều quận của TP Đà Nẵng, huyện của Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Thừa Thiên Huế…

“Chúng ta vẫn còn thời gian đến sáng mai cập nhật các số liệu dự báo để điều chỉnh đưa ra con số cảnh báo sát nhất. Thời điểm hiện tại, chúng tôi đưa ra con số cảnh báo như vậy là cao nhất. Tuy nhiên, cơ quan khí tượng của Mỹ, của Trung Quốc tính toán theo thang cấp độ gió 1 phút thì họ còn đánh giá, bão đang mạnh ở cấp 15-16, cao hơn số liệu của chúng ta 1-2 cấp”, ông Khiêm chia sẻ thêm.

Từ các số liệu phân tích ở trên, ông Khiêm lưu lý, các tỉnh từ Đà Nẵng đến Bình Định, cấp độ rủi ro thiên tai vẫn duy trì ở cấp 4; còn các khu vực khác cấp độ rủi ro thiên tai thấp hơn, ở cấp 3.

Đường đi và vấp độ của bão số 4 khi tiến vào miền Trungg. Ảnhh: NCHMF

Tại cuộc họp, Thượng tá Đỗ Duy Phương, đại diện Văn phòng Ủy ban ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cho biết, sáng nay (ngày 26/9) Bộ Quốc phòng đã tổ chức giao ban chỉ đạo trực tiếp Quân khu 4 và Quân khu 5 phối hợp với địa phương sẵn sàng ứng phó với cơn bão số 4 và đảm bảo hạn chế thấp nhất thiệt hại mà cơn bão số 4 có thể gây ra.

“Các đơn vị đã rà soát, chuẩn bị lực lượng ứng phó với cơn bão số 4. Bộ Chỉ huy quân sự các tỉnh cũng đã chủ động làm việc với các địa phương và sẵn sàng điều động lực lượng, phương tiện ứng phó với cơn bão”, ông Đỗ Duy Phương nói.

Thượng tá Đỗ Duy Phương cũng lưu ý về vấn đề sạt lở đất đá ỏ khu vực miền Trung và Tây Nguyên và đề nghị các tỉnh thành và đơn vị liên quan cử đoàn công tác lên vùng núi có khả năng sạt lở để lên phương án di dời dân đến vùng an toàn.

“Bộ Quốc phòng đã chuẩn bị lực lượng chuẩn bị ứng phó ở mức cao nhất. Bộ chỉ huy Quân sự các tỉnh đã được yêu cầu trong trạng thái sẵn sàng”, Thượng tá Đỗ Duy Phương nói.

Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai Phạm Đức Luận chỉ đạo tại cuộc họp. Ảnhh: Ngọc Hà

Thông tin về tình hình tàu thuyền, Đại tá Nguyễn Đình Hưng, Trưởng phòng cứu hộ, cứu nạn (Bộ tư lệnh Biên phòng) cho biết, tính đến sáng nay, tất cả các phương tiện, tàu thuyền trên Biển Đông đã nắm được thông tin về bão và đang tích cực di chuyển xuống phía Nam.

Tuy nhiên, hiện còn 177 tàu cá/1.398 ngư dân đang hoạt động trong vùng nguy hiểm của bão. Trong đó, Đà Nẵng có 7 tàu/45 ngư dân; Quảng Nam 18 tàu/213 ngư dân; Quảng Ngãi 87 tàu/684 ngư dân; Bình Định 65 tàu/456 ngư dân.

Phát biểu kết luận cuộc họp, ông Phạm Đức Luận, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai, yêu cầu các đơn vị, địa phương phải thực hiện nghiêm túc Công điện của Thủ tướng về ứng phó với bão số 4 và mưa lũ ở khu vực miền Trung, Tây Nguyên.

Ông Luận nhấn mạnh ngày hôm qua (25/9), lượng tàu thuyền ở phía đông quần đảo Hoàng Sa rất lớn, nhưng các tàu thuyền đã di chuyển xuống phía nam tránh trú nên tình hình yên tâm hơn. Riêng với tình trạng như một số tàu thuyền như vừa nêu trên thì rất nguy hiểm khi bão đang di chuyển rất nhanh.

Ông Luận cho biết Ban chỉ đạo sẽ làm công văn gửi cho các tỉnh yêu cầu đôn đốc tàu thuyền di chuyển tránh trú, tránh để thiệt hại.

Theo NY

Link gốc: https://cand.com.vn/doi-song/nong-cuong-do-bao-so-4-khong-he-giam-khi-tiep-can-dat-lien-viet-nam-i668797/