NÓI THẲNG: Dứt khoát cắt bỏ “khối u” để bộ máy khỏe mạnh

Phải có liều thuốc đủ mạnh để trị căn bệnh cán bộ làm việc hành chính, máy móc, tiêu cực, nhũng nhiễu, hành dân, hành doanh nghiệp…

0

Tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18 về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”… sáng 1-12, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có những phát biểu thẳng thắn, mạnh mẽ về việc không để cơ quan nhà nước trở thành “vùng trú ẩn an toàn” cho cán bộ yếu kém.

NÓI THẲNG: Dứt khoát cắt bỏ "khối u" để bộ máy khỏe mạnh- Ảnh 1.

Người đứng đầu Đảng đã ví von rất hình tượng: muốn có cơ thể khỏe mạnh, đôi khi phải “uống thuốc đắng”, phải chịu đau để “phẫu thuật khối u”.

Ví như cơ thể con người, khi phát hiện khối u, dù đau đớn đến mấy cũng phải phẫu thuật để loại bỏ. Bởi, nếu cứ né tránh, sợ đau mà không dám mổ xẻ thì khối u sẽ ngày càng lan rộng, cuối cùng là nguy hiểm đến tính mạng.

Tương tự, bộ máy công quyền cũng vậy, muốn khỏe mạnh, hoạt động hiệu quả thì phải kiên quyết loại bỏ những “khối u” đang cản trở sự phát triển.

“Khối u” trong bộ máy công quyền chính là những cán bộ yếu kém, những người làm việc hành chính, máy móc; làm việc khi có lợi ích cá nhân, cố tình trì hoãn công việc, đổ lỗi cho thể chế, viện cớ sợ trách nhiệm để né tránh.

NÓI THẲNG: Dứt khoát cắt bỏ "khối u" để bộ máy khỏe mạnh- Ảnh 2.

Tổng Bí thư Tô Lâm, Chủ tịch nước Lương Cường, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, cùng các lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đại biểu dự Hội nghị

Thực tế cho thấy, không ít cơ quan nhà nước đang trở thành “vùng trú ẩn an toàn” cho những cán bộ yếu kém. Họ “ẩn náu” trong đó, không làm gì nhưng vẫn hưởng lương từ tiền thuế của dân. Điều này không chỉ gây lãng phí ngân sách mà còn làm xói mòn niềm tin của người dân vào bộ máy công quyền.

Tổng Bí thư nhấn mạnh đây là thời điểm không thể chậm trễ cho cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy. Việc tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn, thậm chí có cả những lực cản quyết liệt. Bởi nó đụng chạm đến tâm tư, tình cảm, nguyện vọng, quyền lợi, “miếng cơm manh áo” của không ít người. Nhưng vì sự phát triển chung, vì một bộ máy công quyền trong sạch, hiệu quả thì nhất định phải làm.

Từ nay đến năm 2025 là thời điểm quyết định để thực hiện cuộc “đại phẫu” này. Mỗi cấp, mỗi ngành phải gương mẫu, chủ động, quyết liệt trong thực hiện nhiệm vụ. Không thể “trên đợi dưới, dưới đợi trên” hay viện lý do này nọ để chần chừ, trì hoãn.

Thời gian không chờ đợi ai. Chậm trễ trong việc này chính là có lỗi với dân!

Quyết tâm của Đảng thể hiện rất rõ qua việc Bộ Chính trị đã có chủ trương tạm dừng bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử chức vụ cao hơn với các đơn vị dự kiến sắp xếp lại. Việc tuyển công chức cũng tạm dừng từ 1-12 cho đến khi hoàn thành việc sắp xếp theo định hướng của Trung ương.

Điều người dân cả nước đang trông chờ vào cuộc “đại phẫu” lần này: tinh gọn tổ chức bộ máy đi đôi với tinh giản biên chế không có nghĩa là cắt giảm một cách cơ học. Mà, mục tiêu phải là loại bỏ những vị trí không cần thiết, giảm những công việc không hiệu quả, từ đó tập trung nguồn lực cho những lĩnh vực then chốt, những người thực sự xứng đáng và phù hợp.

Đất nước đang đứng trước cánh cửa lịch sử để bước vào kỷ nguyên vươn mình mới. Muốn vậy, bộ máy nhà nước phải thực sự trong sạch, hiệu quả. Dù có phải “uống thuốc đắng”, phải chịu đau để “phẫu thuật” thì cũng phải làm.

Tác giả: LÊ CƯỜNG

Nguốn: nld.com.vn