Những đồng đẳng viên thầm lặng giúp đỡ người nhiễm HIV

Không quản ngại gian khó, vất vả các thành viên nhóm đồng đẳng Sao Va đã lặn lội khắp bản làng vùng biên ở Nghệ An để đến với những người nhiễm HIV và người có nguy cơ cao. Việc làm thầm lặng của họ đã góp phần ngăn chặn dịch bệnh HIV.

Tiền Phong là xã có nhiều người nhiễm HIV ở huyện Quế Phong (Nghệ An). Thống kê từ Trạm y tế xã này hiện địa phương có hơn 400 người mắc bệnh. Người dân trong xã nhiễm HIV từ khoảng năm 2010 – đó là năm thủy điện Hủa Na trên địa bàn được xây dựng.

Thời điểm ấy nhiều gia đình xã Đồng Văn được đền bù từ dự án thủy điện, có tiền nên sa vào chích hút. Ngoài ra, hơn 300 gia đình ở một số xã khác được đền bù giải phóng mặt bằng đã tái định cự tại xã Tiền Phong. Không ít người sử dụng ma túy chung kim tiêm nên bệnh dịch âm thầm len lõi vào cuộc sống của người dân.

Một buổi tư vấn của nhóm đồng đẳng Sao Va về bệnh HIV.

Người nghiện ma túy thường đi kèm với nghèo đói, bệnh tật. Đặc biệt, những người không may nhiễm HIV thường thu mình khiến cuộc sống của họ như chìm trong bóng tối. Điều đó càng thôi thúc các thành viên trong nhóm đồng đẳng Sao Va đến gần hơn với những người nghiện, “có H” để động viên, tuyên truyền.

Chia sẻ về hoạt động của nhóm, anh Lang Chung Hiền, cán bộ phòng dân số,Trung tâm y tế huyện Quế Phong – Trưởng nhóm Sao Va cho hay: “Dù mới thành lập gần 2 năm nhưng nhóm đã giúp hàng trăm bệnh nhân HIV, người nghiện ma túy có nguy cơ mắc bệnh cao trên địa bàn được tiếp cận với kiến thức, thuốc điều trị”.

Đầu tháng, nhóm họp một lần để vừa đánh giá công việc, vừa lên phương án nếu địa bàn nào xuất hiện các ca nhiễm HIV mới. Sau khi phân công nhiệm vụ, các thành viên lại sắp xếp lại tư trang kim tiêm, bao cao su, thuốc men, sổ sách ghi chép rồi lên đường. Trên chiếc xe máy cũ, họ len lỏi vào khắp bản làng để tiếp cận với những người mắc bệnh và nghi nhiễm.

Bình quân mỗi tháng, một thành viên trong nhóm sẽ chăm sóc, tiếp cận cho khảng từ 40-50 người nghi mắc HIV. Địa bàn rộng, chưa kể mưa gió thất thường, nước ở khe suối lên cao khiến việc đi lại vất vả nhưng họ luôn hết lòng với công việc. Bởi họ biết, với những người có nguy cơ cao và đã nhiễm HIV luôn ẩn mình, họ cần sự chia sẻ, hướng dẫn của những người cùng cảnh ngộ hơn bao giờ hết.

Nhóm đã cung cấp kiến thức phòng tránh, thuốc, vật phẩm cho người “có H” để giúp giảm nguy cơ lây nhiễm.

Trong các bệnh nhân nhiễm HIV mà nhóm đồng hành, có rất nhiều hoàn cảnh thương tâm mà chỉ biết bám bíu vào những liều thuốc do Trung tâm y tế huyện cấp phát hàng tháng. Đó là chị M.T.K. (52 tuổi), phải sống lủi thủi một mình khi không chồng, không con. Hay vợ chồng chị C.T.M (18 tuổi), người Khơ Mú, cưới nhau xong vẫn không biết mình bị HIV. Họ chỉ biết bản thân đã mang căn bệnh nguy hiểm khi được tình nguyện viên đồng đẳng vận động đi khám. Đối với những trường hợp này nhóm đều bỏ tiền túi, góp chút tiền để hỗ trợ dù phụ cấp còn hạn chế.

Quá trình đến gặp những người nghi nhiễm, anh Hiền cho hay các thành viên thường có cách tiếp cận riêng. Trong đó, kỹ năng quan trọng nhất là phải nói chuyện làm sao để có được lòng tin của những người này. Bởi khi có được lòng tin thì công việc coi như hoàn thành đến 70%, việc lấy test cũng dễ dàng hơn. Đối với những có kết quả test nhanh có phản ứng, nhóm sẽ thuyết phục và chở đến Trung tâm y tế để làm khẳng định.

“Trên đường đi, chúng tôi cố gắng gợi mở câu chuyện để họ hiểu về căn bệnh và cách phòng tránh. Đồng thời, hướng dẫn, giúp đỡ, kết nối để họ được uống thuốc nhanh nhất”, anh Lang Chung Hiền chia sẻ.

Phụ trách công việc vất vả, đặc thù riêng trong khi phụ cấp còn ít, nhưng các thành viên trong nhóm đồng đẳng Sao Va vẫn miệt mài đến với những người có nguy cơ cao, các ca bệnh đang ẩn khuất trong bản làng để góp phần ngăn chặn bệnh HIV ở vùng cao Nghệ An.

Theo Thảo Nguyên

Link gốc: https://www.congluan.vn/nhung-dong-dang-vien-tham-lang-giup-do-nguoi-nhiem-hiv-post221043.html