Nhiều trường học ở Nghệ An không báo cáo dù bị quấy rối đòi nợ
Mặc dù Sở Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản yêu cầu Phòng Giáo dục và Đào tạo các địa phương, các nhà trường báo cáo chi tiết về việc giáo viên, nhà trường bị khủng bố đòi nợ, tuy nhiên, nhiều đơn vị vẫn che giấu.
Vay 40 triệu đồng, sau 1 năm tăng lên 220 triệu đồng
Trung tuần tháng Sáu, mặc dù đã quá hạn nửa tháng so với yêu cầu của Sở Giáo dục và Đào tạo, nhưng nhiều trường học, cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh vẫn chưa báo cáo về việc bị các tổ chức tín dụng khủng bố đòi nợ. Trước đó, sau loạt bài phản ánh của Báo Nghệ An, Sở Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản yêu cầu các đơn vị có giáo viên, nhân viên của đơn vị mình đã và đang bị khủng bố, đòi nợ, lừa đảo trong thời gian từ ngày 1/1/2021 đến ngày 20/5/2022, lập danh sách gửi về sở, qua Phòng Chính trị tư tưởng trước ngày 28/5/2022 để tổng hợp, báo cáo cơ quan chức năng có biện pháp xử lý.
Đến nay, qua báo cáo của các đơn vị gửi về, Sở Giáo dục và Đào tạo mới thống kê được 95 người bị khủng bố đòi nợ. Trong số này, có 25 người xác nhận có vay tiền của các tổ chức tín dụng. Còn lại 70 người không vay nhưng vẫn bị khủng bố đòi nợ. Trong các địa phương báo cáo, TP. Vinh chiếm đông đảo với 32 cán bộ, giáo viên bị khủng bố đòi nợ.
Ông Nguyễn Trọng Bé – Trưởng phòng Chính trị tư tưởng (Sở Giáo dục và Đào tạo) cho biết, con số này vẫn còn rất ít so với thực tế, bởi nhiều trường che giấu, không báo cáo. “Có nhiều trường rõ ràng là các tổ chức tín dụng còn khủng bố đòi nợ lên đến tận sở, nhưng khi chúng tôi yêu cầu báo lại không thấy. Khi gọi điện xuống hỏi thì bảo là đó là quyền của giáo viên, họ không muốn trình báo”, ông Bé nói.
Trong số những trường che giấu, điển hình là Trường Tiểu học Ngọc Sơn (Thanh Chương). Theo đó, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện này báo cáo lên sở toàn huyện không có trường hợp nào bị khủng bố đòi nợ. Tuy nhiên, trên thực tế có ít nhất 1 giáo viên của Trường Tiểu học Ngọc Sơn có vay tiền, những kẻ đòi nợ đã gửi mail lên tận sở để gây sức ép đòi tiền. Sau khi xem qua báo cáo, sở liên hệ lại thì phía nhà trường mới chịu thừa nhận về trường hợp này.
Trên thực tế, theo tìm hiểu của phóng viên, chỉ riêng một trường THPT ở TP. Vinh, đã có hơn 100 giáo viên, cán bộ bị quấy rối đòi nợ. Vị hiệu trưởng cũng đã xác nhận thông tin này với phóng viên Báo Nghệ An. Tuy nhiên, trong danh sách mà Sở Giáo dục và Đào tạo thống kê, trường này chỉ có 2 người.
Trong số 25 giáo viên xác nhận có vay tiền của các tổ chức tín dụng, có trường hợp của 1 nữ giáo viên cho biết, từ khoảng tháng 4 đến tháng 5/2021, cô có vay của các tổ chức tín dụng tổng số tiền 40 triệu đồng. Từ đó đến nay, cô đã phải trả tổng số tiền 120 triệu đồng. Nhưng cho đến nay, cô vẫn bị các tổ chức tín dụng này quấy rối đòi nợ. Chúng thông báo cô còn nợ 100 triệu đồng…
Mạo danh cổng thông tin của huyện
Chia sẻ với Báo Nghệ An, bà Ngô Thị Huyền – Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Anh Sơn cho biết, trong vài ngày qua, bà liên tục bị những kẻ đòi nợ khủng bố tin nhắn, đe dọa và vu khống, dù bà và người thân không hề vay tiền của ai.
Bà Huyền kể, một công dân ở xã Cẩm Sơn có vay tiền của tổ chức tín dụng này. Nhưng người này hiện sinh sống ở miền Nam. Sau khi liên lạc đòi nợ không được, tổ chức tín dụng này liền tấn công mẹ của chủ nợ đang sinh sống ở quê tại xã Cẩm Sơn. Chúng sau đó chuyển sang tấn công cả lãnh đạo xã rồi lãnh đạo huyện.
“Chúng biết được tôi đang là Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, phụ trách theo dõi xã Cẩm Sơn nên chúng điện thoại khủng bố tôi. Sau khi đe dọa, chúng còn vu khống, bôi nhọ tôi”, bà Huyền kể. Chúng còn gán ghép hình ảnh, mạo danh Cổng thông tin điện tử huyện Anh Sơn đăng tải thông tin vu khống bà Huyền bao che cho 2 cán bộ xã Cẩm Sơn vay tiền, chiếm đoạt. Trong khi trên thực tế, 2 vị cán bộ này cũng không vay tiền ai.
Không những thế, chúng còn lấy được danh bạ điện thoại của bà Huyền, rồi nhắn tin cho khoảng 70 người, vu khống bà Huyền nhận tiền hối lộ, ăn chặn tiền của người dân Cẩm Sơn. Ngoài ra, cán bộ xã Cẩm Sơn cũng bị khủng bố tương tự, bị vu khống ăn chặn tiền từ thiện của người dân. “Tôi không hiểu sao chúng lại có được danh bạ điện thoại của tôi”, bà Huyền đặt câu hỏi, đồng thời bày tỏ mong muốn cơ quan chức năng điều tra, xử lý nghiêm.
Công an Nghệ An phát cảnh báo
Trong một diễn biến liên quan, ngày 11/6, Công an tỉnh Nghệ An cũng đã lần đầu tiên phát cảnh báo về tình trạng này. Theo Công an Nghệ An, hoạt động cho vay và đòi nợ luôn có sự câu kết, chỉ đạo của các đối tượng trong nước và người nước ngoài nên đã gây rất nhiều khó khăn cho công tác phát hiện, điều tra, xử lý.
Sau khi lôi kéo, dụ dỗ được người có nhu cầu vay tiền, các đối tượng chủ động liên hệ qua ứng dụng zalo, telegram, messenger… tự xưng là nhân viên chăm sóc khách hàng để hướng dẫn làm thủ tục vay vốn. Để tạo sự tin tưởng, bọn chúng còn cung cấp hình ảnh bản thân, căn cước công dân, địa chỉ cơ quan, nơi làm việc, số điện thoại liên hệ… Tuy nhiên, trên thực tế, những hình ảnh, thông tin này đều là mạo danh người khác hoặc giả mạo thông qua các thủ đoạn cắt ghép, chỉnh sửa. Khi đã tạo được lòng tin đối với người vay, các đối tượng cung cấp đường link tải ứng dụng vay tiền trên điện thoại di động. Những ứng dụng này thường sẽ không có trên ứng dụng CH Play (hệ điều hành Android) và ứng dụng App Store (hệ điều hành IOS). Sau khi cài đặt ứng dụng, các đối tượng hướng dẫn người dùng điền các thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng, ứng dụng yêu cầu được phép truy cập vào danh bạ của điện thoại để thu thập các thông tin liên quan phục vụ mục đích đòi nợ của đối tượng.
Các đối tượng sau khi hoàn thành xong thủ tục sẽ cho vay khoản tiền theo yêu cầu với lãi suất 10 – 15%/năm (tương đương hoặc cao hơn lãi suất ngân hàng không đáng kể). Tuy nhiên, nếu đến hạn người vay trả chậm thì sẽ bị phạt tiền vi phạm hợp đồng từ 3 – 8% tiền vay, một ngày trả chậm sẽ bị phạt thêm từ 2 – 5% tiền vay. Như vậy, khoản tiền phải trả có thể gấp 5, gấp 10 lần khoản tiền vay ban đầu trong thời gian ngắn (một vài tháng).
Khi đến hạn trả nợ mà người vay chưa trả nợ hoặc không trả đầy đủ, các đối tượng sẵn sàng sử dụng nhiều biện pháp đe dọa, khủng bố tinh thần để đòi nợ. Trong đó, các đối tượng sử dụng sim rác gọi điện, nhắn tin để chửi bới, đe dọa; liên lạc với người thân (những số điện thoại thường xuyên liên lạc hoặc có tên trong danh bạ) gây sức ép để đòi tiền; sử dụng hình ảnh cá nhân, cắt, ghép phát tán trên mạng xã hội, gửi email, gọi điện cho các cấp lãnh đạo, cán bộ quản lý để vu khống, tố cáo, gây sức ép đòi nợ… làm ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của nhiều tổ chức, cá nhân. Các hành vi nêu trên của đối tượng có dấu hiệu vi phạm pháp luật, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự tại địa phương.
Trước tình hình nói trên, Công an tỉnh Nghệ An đề nghị Công an 21 huyện, thành phố, thị xã thông báo đến Công an các phường, xã, thị trấn để tuyên truyền cho nhân dân biết về thủ đoạn cho vay lãi nặng như trên để tự phòng tránh. Đồng thời, khi có các thông tin liên quan, kịp thời báo cho công an địa phương nơi gần nhất để được hướng dẫn giải quyết và phục vụ công tác đấu tranh, xử lý với các đối tượng. Đặc biệt, người dân nên tìm tới các ngân hàng có uy tín để được vay tiền với lãi suất do Ngân hàng Nhà nước quy định, tránh vướng vào hoạt động “tín dụng đen” để rồi “tiền mất tật mang”.
Theo Tiến Hùng/Báo Nghệ an
Link gốc: https://baonghean.vn/nhieu-truong-hoc-o-nghe-an-khong-bao-cao-du-bi-quay-roi-doi-no-post254967.html