Nguyên nhân các dự án nhà ở xã hội tại Nghệ An triển khai chậm trễ

Nhà ở xã hội cho công nhân là một trong những chính sách an sinh xã hội, góp phần giữ chân lao động ở lại địa phương, ổn định cuộc sống. Các dự án nhà ở xã hội tại Nghệ An dù nhận được nhiều ưu đãi nhưng lại triển khai khá ì ạch và chậm trễ...

Các nhà đầu tư chưa thực sự quyết tâm

Từ thực tế tìm hiểu tình hình triển khai các dự án nhà ở xã hội cho công nhân trên địa bàn, chúng tôi nhận thấy, Nghệ An cũng như các địa phương, trên cơ sở các chính sách khuyến khích, ưu đãi của Chính phủ, từ năm 2010, UBND tỉnh đã ban hành chính sách hỗ trợ đối với các dự án nhà ở cho người thu nhập thấp khu vực đô thị và nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp (KCN).

Đến năm 2012, UBND tỉnh phê duyệt dự án nhà ở cho công nhân tại KCN Nam Cấm và giao cho Công ty Đầu tư KCN Nam Cấm, nay là Công ty TNHH Một thành viên Đầu tư xây dựng phát triển hạ tầng KCN Nghệ An khảo sát, lập đề án. Năm 2015, tỉnh phê duyệt dự án nhà ở xã hội cho công nhân của Công ty cổ phần Trung Đô trên khu đất của công ty tại phường Trung Đô (thành phố Vinh).

Khu nhà ở xã hội cho công nhân và người thu nhập thấp của Công ty cổ phần Trung Đô tại đường Cù Chính Lan, phường Trung Đô. Ảnh: Nguyễn Hải

Tiếp đó, năm 2013, Công ty cổ phần Đại Huệ cũng khởi công công trình dự án nhà ở xã hội tại khu vực Đồng Dâu, phường Hưng Dũng (thành phố Vinh) để đón đầu gói vay ưu đãi 30.000 tỷ đồng của Chính phủ; năm 2019, phê duyệt quy hoạch xây dựng 2 khu nhà tại các xã Nghi Xá, Nghi Tiến (Nghi Lộc) để giải quyết chỗ ở cho 2.600 công nhân.

Tuy nhiên, cho đến nay, chỉ dự án nhà ở xã hội do Công ty cổ phần Trung Đô là trở thành hiện thực với 50 căn hộ đưa vào sử dụng, còn lại các dự án đều không triển khai. Ngay cả Công ty cổ phần Trung Đô là đơn vị triển khai dự án thành công cũng thẳng thắn cho biết, sau dự án này đơn vị chưa nghĩ đến dự án nhà ở xã hội tiếp theo vì thủ tục đầu tư khá phức tạp. Mặc dù mặt bằng có sẵn và tiền vốn do công ty huy động, nhưng dự án mang tên nhà ở xã hội nên phải qua nhiều thủ tục khá phức tạp, từ thẩm tra quy hoạch, khi làm xong phải duyệt giá, duyệt đối tượng mua… mất rất nhiều thời gian.

Phối cảnh 1 dự án nhà ở xã hội cho công nhân tại xã Hưng Lộc, thành phố Vinh nhưng nay không thành. Ảnh tư liệu Báo Nghệ An

Mới đây nhất, giữa năm 2021, đón đầu các dự án đầu tư nước ngoài vào KCN Nam Cấm, KCN VSIP, KCN WHA… và nhằm thu hút, giữ chân lao động ở lại địa phương, tỉnh tiếp tục khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư các dự án nhà ở xã hội cho công nhân. Điểm chung của các dự án là các chính sách được hưởng ưu đãi về tiền thuê đất, được vay lãi suất 3%/năm từ Ngân hàng Chính sách xã hội để đầu tư xây dựng. Nhờ vậy, tỉnh thu hút và trao chứng nhận chủ trương đầu tư cho 3 dự án nhà ở xã hội cho công nhân, trong đó, 2 dự án của Công ty cổ phần Điện mặt trời miền Trung MK và Công ty cổ phần Thương mại quốc tế BMC tại xã Nghi Long và xã Nghi Thuận (Nghi Lộc); 1 dự án của Công ty cổ phần Địa ốc Kim Thi tại địa bàn xã Nghi Xá (Nghi Lộc)…

Theo kế hoạch, các dự án trên sau khi được phê duyệt chủ trương, nhà đầu tư sẽ hoàn thành các thủ tục và khởi công vào quý III/2022; quý II/2024 dự án của Công ty cổ phần Địa ốc Kim Thi sẽ bàn giao và 2 dự án còn lại đến quý 1/2027 sẽ bàn giao.

Đại diện các chủ đầu tư cho biết, tỉnh và huyện ủng hộ, tạo điều kiện cho các dự án nhưng đến nay, sau gần 2 năm mới chỉ có dự án nhà ở xã hội cho công nhân của Công ty cổ phần Địa ốc Kim Thi tại xã Nghi Xá có khả quan hơn là đang san lấp mặt bằng; còn lại các dự án khác đang ở giai đoạn đầu tiên là điều chỉnh thiết kế, quy hoạch.

Với sự khởi sắc trong thu hút đầu tư, nhất là đầu tư FDI, rất cần các dự án nhà ở xã hội cho công nhân để đảm bảo an sinh và giữ chân lao động. Một góc KCN Nam Cấm. Ảnh tư liệu

Tại Hội nghị kết nối cung cầu lao động cuối năm 2022, đại diện Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam đã hối thúc các nhà đầu tư dự án nhà ở xã hội đẩy nhanh tiến độ dự án nhưng cũng mong các doanh nghiệp trong KCN có kế hoạch rõ ràng, có chính sách ưu đãi về nhà ở cho công nhân. Bởi một trong những điểm cộng trong thu hút đầu tư là phải có dự án nhà ở cho công nhân để thu hút, giữ chân lao động, đảm bảo an sinh xã hội. Với những khởi sắc về thu hút đầu tư, nhất là dự án FDI quy mô lớn, từ nay đến năm 2025, tỉnh cần thêm 100.000 lao động, cùng với các chính sách khác, các dự án nhà ở xã hội phải được triển khai song hành…

Năng lực nhà đầu tư và đối tác

Tìm hiểu thêm chúng tôi được biết, sở dĩ các dự án nhà ở xã hội cho công nhân trên địa bàn triển khai khá ì ạch là do năng lực còn hạn chế. Công ty cổ phần Đầu tư phát triển KCN Nghệ An thì do chuyển đổi cơ chế, khả năng huy động vốn cũng không còn như trước. Bên cạnh đó, so với một số tỉnh, tại Nghệ An cách thức triển khai các dự án nhà ở xã hội còn khá máy móc và rườm rà.

Cuộc sống chật chội, tạm bợ của các công nhân lao động tại các khu trọ gần các KCN. Ảnh tư liệu CSCC

Theo một nhà đầu tư cho biết, tại Đà Nẵng, cơ chế thông thoáng nên một chủ doanh nghiệp gốc Nghệ An vào triển khai dự án nhà ở xã hội cho công nhân khá nhanh. Chỉ trong vòng hơn 1 năm doanh nghiệp này làm xong 1 dự án với 2.000 căn hộ bàn giao cho thành phố. Trong khi đó, các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn Nghệ An sau khi thông qua chủ trương đầu tư thì mới làm thủ tục thu hồi đất, đền bù, triển khai và thông thường mất 2 năm mới xong thủ tục. Các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội cũng băn khoăn không biết bán được sản phẩm như thế nào, thu hồi vốn trong bao lâu.

Tại Nghệ An, nhà đầu tư dự án nhà ở xã hội cho công nhân chưa kết nối được với các doanh nghiệp có công nhân để biết nhu cầu cụ thể. Vì thế, mặc dù hưởng ưu đãi nhưng thực chất các nhà đầu tư tại Nghệ An vừa triển khai dự án nhưng phải nghe ngóng. Bên cạnh đó, để tận dụng cơ sở hạ tầng đầu tư, có chủ đầu tư sau khi thông qua chủ trương đầu tư dự án nhà ở xã hội thì lấy lý do xin điều chỉnh dự án, thiết kế và lồng ghép dự án nhà thương mại vào để bán nhằm thu hồi vốn khiến kéo dài thời gian…

Đại diện một doanh nghiệp chuyên phân phối sản phẩm bất động sản tại thành phố Vinh cho hay.

Dự án của Luxshare-ICT tại Khu công nghiệp VSIP Nghệ An vừa xây dựng nhà xưởng, vừa xây dựng các khu nhà ở cho chuyên gia và đội ngũ cán bộ quản lý. Nếu mở rộng đối tượng nhà ở cho công nhân thì sẽ là mô hình tốt để nhân rộng. Ảnh: Nguyễn Hải

Từ thực tế trên, để đẩy nhanh tiến độ các dự án nhà ở xã hội cho công nhân, cần có sự kết nối để nhà đầu tư, doanh nghiệp có công nhân và tổ chức công đoàn ngồi lại với nhau; hạn chế và xử lý nghiêm tình trạng người không đủ điều kiện mua sang nhượng lại kiếm lời. Các dự án nhà ở thương mại xây dựng bên cạnh phải tách biệt, độc lập với dự án nhà ở xã hội thì các cấp có thẩm quyền cũng như ngân hàng mới thẩm định, phê duyệt các chính sách ưu đãi một cách thuận lợi, nhanh chóng./.

Theo Nguyễn Hải

Link gốc: https://baonghean.vn/nguyen-nhan-cac-du-an-nha-o-xa-hoi-tai-nghe-an-trien-khai-cham-tre-post265163.html