Nguy cơ điện sớm tăng giá

Đề xuất Tập đoàn điện lực VN (EVN) sẽ được tăng giá điện sinh hoạt khi các chi phí đầu vào biến động, làm giá bán lẻ bình quân tăng từ 1% đến dưới 5%, thay vì 3% như quy định hiện hành của Bộ Công thương đang gây nhiều tranh cãi.

0

Nếu đề xuất này được thông qua, điện có thể sẽ sớm tăng giá.

Giá bình quân tăng 1% mà cho tăng giá điện luôn thì khó

Cụ thể, trong dự thảo nhằm thay thế Quyết định số 24/2017 của Thủ tướng quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân, Bộ Công thương đề xuất khi giá bán lẻ điện bình quân tăng từ 1% đến dưới 5% so với giá bán lẻ điện bình quân hiện hành và trong khung giá, EVN được quyết định điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện bình quân ở mức tương ứng; trường hợp tăng từ 5% đến dưới 10%, EVN lập hồ sơ phương án giá bán lẻ điện bình quân trình Bộ Công thương, Bộ Tài chính và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp; tăng 10% trở lên so với giá bán lẻ điện bình quân hiện hành hoặc ngoài khung giá hoặc ảnh hưởng đến tình hình kinh tế vĩ mô, EVN lập hồ sơ phương án giá bán lẻ điện bình quân trình Bộ Công thương, Bộ Tài chính và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Căn cứ ý kiến bằng văn bản của Bộ Công thương, EVN sẽ quyết định điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện bình quân và tăng giá bán lẻ điện cho từng nhóm khách hàng sử dụng điện theo quy định hiện hành về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện kể từ 1.10 của năm đó.

Theo chuyên gia, các chi phí tính toán giá thành điện hiện vẫn chưa minh bạch

Như vậy, không còn là phát tín hiệu “cho phép điều chỉnh giá bán điện một cách kịp thời”, nội dung của dự thảo đã “bật đèn xanh” cho việc tăng giá điện, khi giá bán bình quân chỉ mới tăng từ 1%. Báo cáo của EVN 6 tháng đầu năm cho biết tập đoàn lỗ hơn 16.500 tỉ đồng do chi phí nhiên liệu đầu vào tăng quá mạnh. Đặc biệt, giá thành khâu phát điện, chiếm tỷ trọng đến 82,45% trong giá thành điện thương phẩm, tăng quá cao.

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính, cho rằng quy định khi giá bán lẻ điện bình quân tăng 1% đã cho tăng giá điện ngay là hơi khó. Bình thường, trong các lĩnh vực năng lượng tương đương, giá tăng trong phạm vi 3 – 5% mới tính toán điều chỉnh tăng. Theo quy định hiện hành, giá bán điện bình quân tăng từ 3% đến dưới 5% so với giá bán hiện nay và trong khung giá quy định mới cho điều chỉnh tăng mức tương ứng. “Việc Bộ Công thương giảm tỷ lệ giá bán lẻ bình quân tăng từ 3% xuống mức 1% là cho tăng giá điện, tôi vẫn chưa rõ vì mục đích gì. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay khi nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu có thể xảy ra, lãi suất tăng, mục tiêu kềm chế lạm phát vẫn tiếp tục đặt ra cho năm sau… thì đề xuất này là khó khả thi”, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh cho biết.

Giá bán lẻ điện bình quân hiện ở mức 1.864,44 đồng/kWh (chưa gồm thuế VAT). Mức này duy trì từ năm 2019 đến nay. Trong khi đó, báo cáo 6 tháng đầu năm, EVN cho biết, giá bán lẻ điện bình quân năm nay đang lên mức 1.915,59 đồng/kWh, cao hơn 2,74% so với giá đang áp dụng, chưa bao gồm các khoản chênh lệch tỷ giá hợp đồng mua bán điện còn lại trong 3 năm 2019 – 2021 của đơn vị phát điện. Theo quy định cũ thì mức tăng này chưa được điều chỉnh tăng giá nhưng nếu đề xuất mới được thông qua thì giá điện đã tăng rồi.

Tính toán giá thành điện vẫn chưa rõ ràng

TS Nguyễn Đức Độ, Phó viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính, cho rằng quyết định cho tăng giá điện của EVN tùy thuộc vào từng góc nhìn. Nếu nhìn với góc độ doanh nghiệp kinh doanh thì rõ ràng khi các chi phí đầu vào tăng, giá bán ra phải tăng. Tuy nhiên, đã gọi là kinh doanh phải liên quan đến cạnh tranh, trong khi mặt hàng điện bán lẻ chưa có cạnh tranh. Về góc độ xã hội, giá điện ảnh hưởng trực tiếp đến giá cả hàng hóa thiết yếu. Trong hoàn cảnh hiện nay, chính phủ luôn muốn hỗ trợ người dân yên tâm để hoạt động sản xuất, khôi phục nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi đại dịch và đang gặp nhiều khó khăn trong năm nay vì bão giá. Thế nên, dự thảo cho tăng giá điện nếu áp dụng từ năm sau cũng sẽ khiến sản xuất và đời sống người dân ảnh hưởng. Hơn nữa, như đã nói trên, vì thị trường còn nặng tính độc quyền nên việc tăng giá sẽ khó chấp nhận trong bối cảnh hiện tại. Ngược lại, nếu không tăng thì ngành điện không thể chịu lỗ hoài được.

Trong thực tế, công tác chuyển đổi số, hoàn thiện hệ thống vận hành của ngành điện được đánh giá khá tốt và nổi trội. Không có lý do gì hệ thống được nâng cấp ngày một hiện đại mà chi phí dành cho nó ngày càng tăng, đổ vào giá thành phát điện.

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh

Thế nên, giải pháp theo chuyên gia này là doanh nghiệp trước mắt có thể tự điều tiết trên cơ sở lợi nhuận hợp lý, giảm đầu tư dàn trải lãng phí. Quan trọng hơn là nên thúc đẩy biến thị trường điện thành một thị trường cạnh tranh càng sớm càng tốt. Khi thị trường còn mang tính độc quyền, một đơn vị chiếm thị phần lớn, áp đảo thì rất khó để “hợp lòng dân” trong tăng giá. Chúng ta có luật Cạnh tranh, áp dụng với thị trường điện ở mức nào? Hiện liên quan đến điện có rất nhiều khâu từ phát điện, truyền tải, vận hành, phân phối, bán lẻ… Nếu có thị trường cạnh tranh, đề xuất tăng giá bán điện của EVN cũng dễ dàng và thuyết phục hơn. “Tỷ lệ giá bình quân điện tăng 1% thì được tăng giá điện có thể có lý của Bộ Công thương. Bởi trong thực tế, nếu chờ giá bán lẻ bình quân tăng đến 3% cũng lâu quá, trong khi mức tăng 2,75% doanh nghiệp đã lỗ hơn 16.500 tỉ đồng rồi. Thế nên, tính linh hoạt trong điều hành giá và có thị trường cạnh tranh mới là mấu chốt của vấn đề”, ông Nguyễn Đức Độ nói.

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh cũng cho rằng vấn đề của ngành điện là cần sớm xây dựng thị trường điện mang tính thị trường thực sự. Ngành điện vẫn được điều hành theo cơ chế nhà nước nên ràng buộc nhiều yếu tố mà ngay chính bản thân ngành này muốn “làm cuộc cách mạng” cũng khó. Việc xây dựng thị trường điện là cấp thiết, cần các khâu phải tách bạch rõ ràng. Chẳng hạn, việc cổ phần hóa các khâu phát điện, sản xuất kinh doanh bán lẻ… không khó, vì thế không nên trì hoãn xây dựng thị trường mua bán điện. Điều này khiến việc tính toán chi phí đầu vào, đầu ra không rõ ràng, dẫn đến mỗi lần tăng giá điện luôn gặp phản ứng của người tiêu dùng. “Trong thực tế, phương thức tính toán giá điện hiện vẫn chưa rõ ràng. Các chi phí đầu vào, đầu ra không được công khai minh bạch, khá là mù mờ. Nếu tăng giá điện do tăng chi phí đầu vào như nguyên vật liệu là chuyện khác, nhưng giá điện đang tăng ở các khâu như: truyền tải, phân phối – bán lẻ điện, điều hành – quản lý ngành… thì cần xem xét lại. Không thể đổ hết lên giá được”, ông Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh.

Theo Nguyên Nga

Link gốc: https://thanhnien.vn/nguy-co-dien-som-tang-gia-post1503647.html