Ngư dân Nghệ An “bội thu” mùa ruốc biển
Những ngày cuối năm, ngư dân vùng biển Đông Hồi, xã Quỳnh Lập, thị xã Hoàng Mai (Nghệ An) đang rất phấn khởi vì trúng mùa ruốc. Sau các đợt biển động, nước lặng, ruốc xuất hiện nhiều nên việc khai thác khá thuận lợi. Các tàu khai thác nhộn nhịp cập bờ với đầy khoang ruốc tươi rói.
Ruốc là loài nhuyễn thể màu hồng nhạt, kích thước nhỏ, sống khá gần bờ. Ruốc còn có tên gọi khác là moi, khuyết. Mùa khai thác ruốc biển ở Hoàng Mai thường bắt đầu từ tháng 10 âm lịch năm trước đến hết tháng Giêng năm sau. Theo các ngư dân, việc ra khơi cào ruốc khá đơn giản, không tốn nhiều thời gian và công sức như ra khơi đánh bắt tôm, cá mà thu nhập lại khá cao nên nhiều người tranh thủ đi xúc khi ruốc vào mùa. Những ngày qua, thời tiết đẹp, biển lặng, rất thuận tiện cho quá trình đánh bắt ruốc của bà con.
Tàu dùng để đánh bắt ruốc là loại có công suất nhỏ, được neo cách bờ chừng 2-3 hải lý, rồi thả lưới mành xuống độ sâu khoảng 5m để đánh bắt ruốc ở tầng đáy. Chuyến nào may mắn có thể thu về được cả tấn ruốc tươi
Nhiều ngư dân cho biết, tàu đánh ruốc thường đi từ khoảng 3 đến 4 giờ sáng và sau 2-3 tiếng sẽ cập bờ. Vào mùa ruốc, trung bình mỗi ngày một tàu có thể đi khai thác ruốc 3-4 chuyến. Mỗi tàu có khoảng 4 ngư dân, khi vào bờ, ruốc được vận chuyển bằng thuyền thúng từ tàu vào. Mùa ruốc năm nay được xem là trúng mùa nhất trong mấy năm trở lại đây và cũng được giá. Tùy theo mỗi chuyến đi có thể đạt sản lượng từ 1- 2 tấn ruốc/chuyến. Thuyền vừa cập bến, ruốc tươi được vận chuyển và bán cho các thương lái thu mua tại bờ với giá dao động 8.000-10.000 đồng/kg. Ruốc biển phơi khô sẽ có giá động từ 35-40.000 đồng/kg. Ruốc biển còn được chế biến thành nhiều món ngon như: rang lá chanh, xào khế, nấu canh hoặc làm mắm ruốc nên nhu cầu tiêu thụ loại hải sản này ở vùng ven biển rất lớn.
Dự báo trong những ngày sắp tới gió mùa đông bắc tràn về, biển động, ruốc cũng sẽ theo sóng biển bơi đi nên ngư dân thị xã Hoàng Mai đang tranh thủ đánh bắt. Mỗi mùa ruốc, ngư dân có thể thu về hàng chục triệu đồng./.