Nghệ An: Tiêu thụ điện liên tiếp ‘vỡ kỷ lục’ vì quá nóng

Theo PC Nghệ An, nắng nóng gay gắt diễn ra trên diện rộng dẫn đến tiêu thụ điện tăng vọt, thậm chí công suất đỉnh hệ thống đã vượt xa đỉnh cao nhất của năm 2022

Theo công ty điện lực Nghệ An, dự kiến sản lượng tiêu thụ điện cao nhất tháng 5 cũng cán mức hơn 436 triệu KWh. Đây là con số kỷ lục trong những năm trở lại đây. Trước nguy cơ thiếu điện trong mùa hè dự báo sẽ “khắc nghiệt” sắp tới, phải dùng điện sao để tiết kiệm và hiệu quả?

Hóa đơn điện dễ tăng cao

Anh Nguyễn Trung Hiếu, nhà tại phường Hưng Dũng (TP.Vinh, Nghệ An), kể tiền điện tháng 1, 2, 3 năm nay của nhà anh dao động từ 1,1 – 1,2 triệu đồng, nhưng đến tháng 4 tăng lên trên 1,8 triệu đồng.

Tôi hỏi bạn bè người quen thì được biết nhà nào cũng trả tiền điện gấp rưỡi đến gấp đôi so với trước“, anh Hiếu nói.

Theo PC Nghệ An, nắng nóng gay gắt diễn ra trên diện rộng dẫn đến tiêu thụ điện tăng vọt, thậm chí công suất đỉnh hệ thống đã vượt xa đỉnh cao nhất của năm 2022.

Tương tự, chị Hoàng Hà (P. Vinh Tân) cho biết trung bình mỗi tháng tiền điện nhà chị trong khoảng 1,8 – 2 triệu đồng, tháng 4 vừa rồi tăng lên trên 3 triệu đồng. Chị Hà cho biết tháng vừa rồi do trời nắng nóng quá nên thường xuyên dùng 2-3 điều hoà khiến tiền điện tăng vọt.

Đại diện công ty Điện lực Nghệ An (PC Nghệ An), cho biết những ngày cuối tháng 4 đầu tháng 5 nắng nóng tại Nghệ An kéo dài. Nhiệt độ cao khiến việc sử dụng thiết bị làm mát gia tăng, từ đó lượng điện tiêu thụ liên tục phá kỷ lục.

Tính đến ngày 26/5, sản lượng điện tiêu thụ đã đạt 365 triệu kWh, dự kiến hết tháng 5 sẽ lên con số 436 triệu kWh, đây là con số kỷ lục trong nhiều năm trở lại đây (Đơn cử như trong tháng 6/2022, tháng cao điểm nắng nóng năm ngoái, sản lượng điện tiêu thụ toàn tỉnh đạt 393 triệu kWh). Ngày cao nhất trong tháng 5/2023, sản lượng điện tiêu thụ toàn tỉnh đạt 17,72 triệu kWh, bằng 128% sản lượng ngày cao nhất tháng 5/2022.

Các địa phương tiêu thụ điện năng nhiều nhất bao gồm: Thành phố Vinh, Quỳnh Lưu, Nghi Lộc, Diễn Châu… Đây là những địa bàn có mật độ dân số cao, nhiều cơ sở kinh doanh, trung tâm thương mại, khu công nghiệp, nhà máy…Một nguyên nhân khác cũng dẫn đến tiền điện tăng cao là do người dân thường chọn nhiệt độ điều hoà trong phòng thấp hơn nhiều so với nhiệt độ ngoài trời khiến tiêu thụ điện nhiều hơn. Nhiệt độ môi trường tăng cao là nguyên nhân làm cho điều hoà tiêu thụ điện nhiều, dù thời gian sử dụng không tăng.

Ông Phạm Sỹ Hoàng – Phó Giám đốc điện lực TP.Vinh (Nghệ An) cho biết, mức sử dụng điện trong những ngày nắng nóng bất thường tại TP.Vinh luôn vượt quá phân bổ từ 15% đến 30%. Thống kê trên cho thấy, người dân TP.Vinh trong giai đoạn này sử dụng điện rất nhiều. Việc sử dụng quạt và điều hoà thường xuyên hơn, thời gian sử dụng nhiều hơn nên điện năng tiêu thụ nhiều hơn.

Tiết kiệm điện, Nghệ An yêu cầu công chức chỉ dùng thang máy từ tầng 4

Tiết kiệm điện vừa được tỉnh Nghệ An đưa vào chỉ tiêu đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ, chấp hành kỷ luật nội bộ và thi đua khen thưởng hàng năm của các đơn vị.

Cán bộ, công chức chỉ sử dụng thang máy khi di chuyển từ tầng 4 trở lên để tiết kiệm điện (Ảnh minh họa).

Ông Đặng Thanh Tùng – Chánh Văn phòng UBND tỉnh Nghệ An đã ký văn bản yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thực hiện nghiêm túc các quy định về sử dụng tiết kiệm điện. Chánh văn phòng UBND tỉnh cũng giao Ban Quản lý trụ sở UBND tỉnh bố trí người kiểm tra, nhắc nhở cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thực hiện tốt các quy định về sử dụng điện.

Cụ thể, trong mùa nắng nóng cao điểm, văn phòng làm việc tận dụng ánh sáng tự nhiên, chỉ bật bóng đèn khi không đủ điều kiện ánh sáng; sử dụng điều hòa sau 9h, để nhiệt độ từ 26 độ C trở lên, tắt điều hòa trước khi ra khỏi phòng làm việc 30 phút; không để các thiết bị sử dụng điện ở trạng thái chờ, tắt hết thiết bị khi hết giờ làm việc.

Hạn chế 50% đèn chiếu sáng, hành lang, hàng rào bảo vệ. Những ngày nắng nóng, căng thẳng về nguồn điện thực hiện tắt điện 100% đèn chiếu sáng. Các thang máy chỉ dùng cho tầng 4 trở lên, tầng 3 trở xuống đi cầu thang bộ.

Đẩy mạnh tiết kiệm điện trong mùa khô, ông Lê Hồng Vinh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu các sở, ngành, địa phương… tập trung tuyên truyền, phổ biến tới cán bộ, công nhân viên chức và người dân nâng cao nhận thức sử dụng điện tiết kiệm; đưa nội dung tiết kiệm điện vào chỉ tiêu đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ, chấp hành kỷ luật nội bộ và thi đua khen thưởng hàng năm của đơn vị.

Phó Chủ tịch tỉnh Nghệ An cũng yêu cầu ngành chức năng tuyên truyền tới các nhà hàng, khách sạn, cơ sở dịch vụ thương mại, cơ sở lưu trú và tòa nhà chung cư trên địa bàn giảm công suất chiếu sáng quảng cáo, trang trí ngoài trời, thiết bị điện có tiêu thụ điện lớn vào giờ cao điểm.

Nỗ lực đảm bảo điện liên tục

Nguyên nhân khiến mức tiêu thụ điện cao kỷ lục trong thời gian qua chủ yếu là do thời tiết nắng nóng kéo dài, nhu cầu sử dụng các thiết bị điện tăng cao.

Đại diện Công ty Điện lực Nghệ An cho rằng, trong thời gian tới, khi nắng nóng tiếp tục kéo dài, nguy cơ thiếu điện hoàn toàn xảy ra.

Tính đến 9 giờ sáng ngày 25/5/2023, hồ chứa thủy điện Bản Vẽ chỉ đạt 162,37 m và còn cách mực nước chết 7,37 m.

Việc vận hành hệ thống điện trong các tháng cao điểm nắng nóng trong các tháng cao điểm 5, 6 và 7 sẽ rất khó khăn, đặc biệt, hệ thống điện miền Bắc phải đối mặt với tình trạng không đáp ứng được phụ tải đỉnh của hệ thống, với công suất thiếu hụt lớn nhất khoảng từ 1.600 MW đến 4.900 MW.

Thời tiết nắng nóng cực đoan vẫn sẽ tiếp diễn ở những tháng tới, lưu lượng nước về các hồ thủy điện giảm thấp nên nguy cơ thiếu điện sẽ tiếp tục diễn ra. Thiếu nguồn vào những ngày nắng nóng cực đoan trong mùa Hè (từ tháng 5 đến tháng 8). Với kịch bản phụ tải tăng trưởng cao (15%), toàn bộ hệ thống điện miền Bắc phải tiết giảm 1.000 – 2.400 MW.

Đối với Nghệ An sẽ phải tiết giảm từ 53 – 124MW trên tổng công suất toàn bộ tỉnh Nghệ An dự kiến từ 920MW – 950 MW, vào các khung giờ từ 11h00-16h00 và từ 20h30 đến 24h00 trong những ngày nắng nóng khi nền nhiệt trên 38 độ C. Sản lượng điện tiêu thụ trong ngày nắng nóng dự kiến toàn tỉnh đạt xấp xỉ 17,5 triệu kWh, trong khi đó, sản lượng được phân bổ chỉ đáp ứng được khoảng 90%. Nguy cơ thiếu điện hiện hữu.

Trong khi đó, theo Sở Công Thương Nghệ An, địa phương này có 22 nhà máy thủy điện đã đi vào hoạt động tổng công suất 935,9MW với sản lượng điện phát khoảng 3 tỷ kWh/năm. Tuy nhiên thời điểm này hầu hết các hồ chứa đã về xấp xỉ hoặc dưới mực nước chết. Nước còn lại trong hồ có thể phát thấp hơn nhiều so với kế hoạch.

Theo ông Lê Quang Thanh – Phó giám đốc Công ty Điện lực Nghệ An, trước tình hình bất lợi, PC Nghệ An đã và đang chỉ đạo các phương án, thực hiện tốt nhiệm vụ cung cấp điện được giao, đặc biệt trong tình huống nóng cực đoan; bảo dưỡng tổ máy, tăng cường trực vận hành sửa chữa lưới điện 24/24; chỉ đạo các đơn vị rà soát, củng cố sửa chữa lưới điện, đảm bảo vận hành an toàn, liên tục cho hệ thống điện.

Theo Hoàng Trinh

Link gốc: https://congthuong.vn/nghe-an-tieu-thu-dien-lien-tiep-vo-ky-luc-vi-qua-nong-256527.html