Nghệ An “tăng nhiệt” ngăn chặn tín dụng đen

Bắt 200 vụ, 366 đối tượng có hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự và 03 vụ, 03 đối tượng bắt giữ người trái pháp luật, đe doạ giết người, cưỡng đoạt tài sản…

Đây là con số liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” phát hiện, ngăn chặn từ năm 2019 đến nay được tỉnh Nghệ An thông tin mới đây. Sự vụ, vấn đền về sự việc liên quan đến “tín dụng đen” đang thực sự đáng báo động trên địa bàn tỉnh này khi UBDN tỉnh này phải phát đi văn bản yêu cầu các ngành chức năng quyết liệt vào cuộc ngăn chặn hơn nữa.

Những con số đáng báo động

Theo đó, từ ngày 25/4/2019 đến ngày 14/9/2023, ngoài con số liên quan đến vụ việc, vụ án, qua thống kê của ngành chức năng, trên địa bàn toàn tỉnh Nghệ An đã  làm rõ số tiền cho vạy lãi nặng khoảng trên 1.213 tỷ đồng, thu lợi bất chính hơn 54 tỷ đồng.

Đáng quan tâm, các hoạt động liên quan đến “tín dụng đen” xảy ra trên địa bàn Nghệ An trong thời gian qua ngày càng tinh vi, hoạt động dưới nhiều hình thức và vỏ bọc khác nhau. Tính chất và mức độ của hoạt động của các vụ việc liên quan đến “tín dụng đen” ngày càng manh động, liều lĩnh với nhiều đối tượng liên quan tham gia và móc nối với các thành phần ở những địa phương khác nhau.

Điển hình, vào ngày 15/12/2021, Công an Nghệ An đã triệt xóa đường dây cho vay lãi nặng liên tỉnh, bước đầu bắt giữ 52 đối tượng và xác định số tiền giao dịch qua đường dây này là hơn 1.000 tỷ đồng với khoảng hơn 10.000 bị hại. Mức lãi suất cao nhất là 5.000 đồng/triệu/ngày, tương đương gần 200%/năm.

Vào ngày 15/12/2021, Công an tỉnh Nghệ An đã phải huy động gần 500 cán bộ, chiến sỹ tiến hành bắt, khám xét đồng loạt tại 51 điểm là văn phòng đại diện Công ty tài chính Tân Tín Đạt ở 28 tỉnh, thành phố trên khắp cả nước (Ảnh: CANA)

Liên quan đến vụ án này, Công an Nghệ An đã huy động gần 500 cán bộ, chiến sỹ tiến hành bắt, khám xét đồng loạt tại 51 điểm là văn phòng đại diện Công ty Tài chính Tân Tín Đạt ở 28 tỉnh, thành phố trên khắp cả nước. Được biết, Công ty Tài chính Tân Tín Đạt do đối tượng Nguyễn Sỹ Dũng (SN 1982), trú tại phường Hà Huy Tập (TP. Vinh) làm giám đốc, vỏ bọc là công ty tài chính nhưng thực chất là cho vay lãi nặng với hàng chục văn phòng ở khoảng 30 tỉnh, thành trên cả nước.

Nhiều nạn nhân là doanh nghiệp được các đối tượng móc nối cho vay với lãi suất từ 3.000 – 8.000 đồng/1 triệu/1 ngày và yêu cầu người vay viết giấy bán tài sản thế chấp, hoặc cho người vay cầm cố tài sản (xe máy, ô tô, bìa đất…) với lãi suất 2.000 – 4.000 đồng/1 triệu/1 ngày…

Theo đại diện lực lượng chức năng, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến tín dụng đen còn tiềm ẩn phức tạp, có nhiều diễn biến khó lường. Đáng chú ý, các đối tượng liên quan đến “tín dụng đen” thường tập trung vào nhóm người có thu nhập thấp, như công nhân, người lao động thời vụ, kinh doanh nhỏ lẻ, người bị mất việc làm, thanh, thiếu niên…để hoạt động cho vay lãi nặng.

Và, người vay không trả lãi theo đúng yêu cầu hoặc thanh toán không đúng hẹn, nhóm các đối tượng này sẽ liên tục dùng các thủ đoạn đe dọa, uy hiếp bằng nhiều chiêu thức khác nhau. Thực trạng này cũng ảnh hưởng nghiêm trọng tới tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội cho nhiều địa phương trên địa bàn.

“Tăng nhiệt” ngăn chặn “tín dụng đen”

Thực tế qua theo dõi chúng tôi thấy, sau mỗi chuyên án, vụ án mà lực lượng chức năng ngăn chặn, triệt phá các ổ nhóm liên quan đến “tín dụng đen”, các đối tượng vi phạm thường lợi dụng tâm lý ham lợi của người có tiền nhàn rỗi, có nhu cầu đầu tư kinh doanh để kêu gọi huy động vốn, kinh doanh đa cấp, tiền ảo trên không gian mạng, hứa hẹn trả lãi suất cao bất thường. Thậm chí, nhiều đối tượng còn lợi dụng các chương trình an sinh xã hội, các chương trình hỗ trợ tài chính đối với người dân, các đối tượng có thể móc nối với cán bộ liên quan để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản với hình thức vay tiền…khiến nhiều gia đình rơi vào cảnh “tan gia bại sản” chỉ trong một thời gian ngắn.

Trước những diễn biến phức tạp của tình hình các loại tội phạm liên quan đến “tín dụng đen”, mới đây vào ngày 09/10/2023, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành văn bản số 8505 gửi các Sở, ngành, địa phương trên địa bàn yêu cầu tăng cường các giải pháp ngăn chặn, xử lý.

Ông Lê Hồng Vinh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An chỉ đạo yêu cầu các đơn vị liên quan trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được phân công, tăng cường công tác quản lý nhà nước; phối hợp kiểm tra, xử lý vi phạm của các cơ sở kinh doanh có dấu hiệu hoạt động “tín dụng đen”; chủ động phát hiện, trao đổi, phối hợp các lực lượng chức năng bắt giữ, xử lỷ nghiêm tội phạm cho vay nặng lãi, lừa đảo chiếm đoạt tài sản…nhất là hoạt động lợi dụng dịch vụ cho vay trực tuyến trên không gian mạng, vay qua ứng dụng điện thoại…để thực hiện hành vi phạm tội.

Lãnh đạo Công an TP Vinh trực tiếp chỉ đạo, tổ chức khám xét một ổ nhóm liên quan đến “tín dụng đen” trên địa bàn vào giữa tháng 12/2021

“Quản lý chặt chẽ các đối tượng hình sự hoạt động lưu động, các đối tượng có tiền án, tiền sự, nghiện ma tuý, thanh thiếu niên vi phạm pháp luật…nhằm hạn chế việc các đối tượng này tham gia hoặc tiếp tay cho hoạt động “tín đụng đen”, đòi nợ thuê.

Tiếp tục thực hiện có hiệu quả đợt cao điểm tấn công trấn áp mạnh đối với các tội phạm liên quan “tín dụng đen”… Quản lý, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hoạt động thu thập, sử dụng, tán phát, kinh doanh trái pháp luật thông tin cá nhân của người khác” – ông Lê Hồng Vinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu Công an tỉnh Nghệ An.

Liên quan đến vấn đề này, trước đó vào 13/12/2021, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Văn bản số 9721/UBND-NC chỉ đạo các ngành, các địa phương tăng cường đấu tranh với loại tội phạm này. Trong đó, yêu cầu nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, chủ động triển khai các giải pháp phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen” phù hợp với phương thức, thủ đoạn mới của tội phạm;

Triệt để thu hồi hoặc kiến nghị thu hồi giấy phép hoạt động của các cơ sở kinh doanh dịch vụ đòi nợ; có hình thức xử lý nghiêm đối với các cơ sở kinh doanh cầm đồ; kinh doanh dịch vụ cho vay; kinh doanh tài chính hoạt động không phép hoặc biến tướng để hoạt động “tín dụng đen”; kịp thời phát hiện, ngăn chặn tình trạng bảo kê, siết nợ, đòi nợ thuê… góp phần giữ vững an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Tác giả: Ngọc Thái

Nguồn: diendandoanhnghiep.vn