Nghệ An: Tan hoang những ngọn núi ở vùng “rốn khoáng” Quỳ Hợp

Quỳ Hợp - Một huyện vùng cao xứ Nghệ vốn được coi là "rốn khoáng" của tỉnh này với hàng trăm mỏ khoáng sản các loại. Trong đó, chủ yếu là các mỏ đá trắng và quặng thiếc. Từ nhiều năm qua, việc bạt núi, khoét đồi để khai thác khoáng sản đã gây nên cảnh tượng hoang tàn và biết bao hệ luỵ về môi trường đối với người dân nơi đây…

0

Trong chuyến công tác về huyện Quỳ Hợp vào những ngày cuối tháng 10/2022. Bằng phương tiện ghi hình bay Flycam, Phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã ghi lại được những hình ảnh tổng quát nhất về tình trạng khai thác khoáng sản tại huyện Quỳ Hợp (Nghệ An). Quả thật khi chứng kiến những hình ảnh nói trên, chúng tôi không khỏi xót xa, lo lắng cho tương lai của vùng đất vốn được xem là giàu có về tài nguyên khoáng sản nhất nhì cả nước này.

Quỳ Hợp được coi là vùng “rốn khoáng” của Nghệ An.

Từ Quốc lộ 48C, đi theo con đường Tỉnh lộ 532 từ xã Châu Lộc ngược vào các xã Liên Hợp, Châu Tiến rồi Châu Hồng. Trên con đường đi, người đồng nghiệp ngồi trên chiếc xe bán tải cao gầm cứ giật bắn người lên bởi những ổ trâu, ổ voi của con đường này. Không thành ổ trâu, ổ voi sao được khi hàng ngày con đường “khôn khổ” này phải gồng gánh hàng trăm lượt phương tiện tải trọng lớn chở các loại khoáng sản từ trong mỏ nườm nượp về xuôi.

Hàng loạt mỏ khoáng sản tại các dãy núi của các xã Châu Lộc, Liên Hợp, Châu Tiến, Châu Hồng, Châu Quang, Thọ Hợp…

Những khu mỏ đá trắng trước đây là những quả đồi xanh mướt cây rừng thì nay bị thay bằng những “đại công trường” khai thác khoáng sản. Tiếng máy xúc cậy đá lăn từ trên đỉnh núi xuống ầm ầm như tiếng sấm bao trùm khắp một vùng. Máy cắt đá xèn xẹt ngày đêm để đưa từng khối đá ra khỏi núi về xưởng cưa xẻ…núi đá cứ thế “cạn” dần.

Đi dọc Tỉnh lộ 532, có nhiều mỏ nằm cách đường tỉnh này có vài chục mét.

Nhìn quanh những khu mỏ, một lượng lớn đất, đá thải được các chủ mỏ đổ bạt ngàn xuống dưới chân núi. Hàng loạt diện tích rừng tự nhiên ở các xã Châu Lộc, Liên Hợp, Châu Tiến, Châu Hồng, Châu Quang… cứ thế bị hàng nghìn, thậm chí hàng trăm nghìn mét khối đất đá vùi lấp, “xoá sổ”.

Một khu vực đổ thải tại xã Châu Tiến, huyện Quỳ Hợp.

Những lượng đất, đá thải này không chỉ vùi lấp rừng tự nhiên mà khi trời mưa còn bị cuốn trôi xuống các khe suối, cánh đồng, đường sá…gây ô nhiễm môi trường, vùi lấp các loại diện tích đất khác của người dân. Nước sông suối trên địa bàn huyện Quỳ Hợp như suối Nậm Tôn, Nậm Huống, sông Dinh… quanh năm cũng được nhuốm bởi một màu đỏ quánh, đục ngầu từ nước bùn của quá trình tuyển sàng quặng thiếc, bởi nước thải từ bột đá, từ các xưởng cưa xẻ.

Hàng trăm nghìn, thậm chí hàng triệu khối đất, đá thải được thải ra. Thậm chí vùi lấp cả những cánh rừng tự nhiên nằm ngoài khu vực mỏ….

Câu hỏi đến bao giờ người dân Quỳ Hợp sẽ được bình yên trở lại đang trở nên đau đáu đối với hàng nghìn người dân nơi đây?…

Theo số liệu từ các cơ quan chức năng, đến giữa năm 2022 huyện Quỳ Hợp còn đến 79 giấy phép khai thác khoáng sản còn trong thời hạn, có 78 giấy phép khai thác khoáng sản hết hạn và không khai thác, trong đó 50 giấy phép đã có quyết định đóng cửa mỏ, 06 giấy phép đang trong quá trình nâng cấp trữ lượng xin cấp lại.

Nhiều nơi khai thác xong để những hố sâu hoắm, không tiến cải tạo, phục hồi môi trường theo quy định.

Dưới đây là những hình ảnh mà PV Báo Tài nguyên và Môi trường mới ghi lại được:

Một khu mỏ quy mô lớn ở huyện Tân Kỳ tuy chỉ nằm giáp ranh xã Hạ Sơn, huyện Quỳ Hợp. Thế nhưng, quá trình nổ mìn khai thác đá cũng gây ra hiện tượng rung lắc, nứt nẻ nhà cửa của người dân xóm Đồng Nang, xã Hạ Sơn khiến người dân bức xúc.

Một Cụm công nghiệp cưa xẻ đá trắng ở xã Đồng Hợp.

Bãi thải quặng thiếc từ lâu ở cạnh dốc Cài Cón, phía dưới Suối Bắc.

Một góc vùng mỏ xã Châu Cường và Châu Quang.

Đường Tỉnh lộ 532 bị xuống cấp, hư hỏng rất nặng, luôn “oằn mình” gánh các xe chở đá tải trọng “khủng”.

Những làng bản nằm nép mình bên các khu mỏ.

Người dân huyện Quỳ Hợp đang khổ sở bởi những mỏ khoáng sản…

Theo Đình Tiệp

Link gốc: https://baotainguyenmoitruong.vn/nghe-an-tan-hoang-nhung-ngon-nui-o-vung-ron-khoang-quy-hop-346137.html