Nghệ An sẽ xử lý như thế nào với những dự án “bánh vẽ”

Dự án mọc lên nửa vời rồi dừng, đắp chiếu, đất được quy hoạch thì bỏ hoang ...cứ thế tài nguyên lãng phí, ngân sách nhà nước thì thất thu, cử tri trên địa bàn bức xúc.

 

Lãng phí nguồn ngân sách

Sử dụng, quản lý hiệu quả nguồn vốn từ ngân sách để đầu tư, hỗ trợ các chương trình mục tiêu, dự án cho địa phương phát triển kinh tế – xã hội là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, nguồn kinh phí này đang được sử dụng nhưng đã phát huy hiệu quả hay chưa là việc mà dư luận trên địa bàn Nghệ An cũng hết sức quan tâm.

Nổi bật trong đó là Trung tâm bảo tồn và phát huy di sản dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh. Đây là dự án được quy hoạch xây dựng tại phường Trung Đô (TP Vinh), được UBND tỉnh Nghệ An cấp phép từ ngày 28/10/2015 và được phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công – dự toán xây dựng các hạng mục chính ngày 20/9/2016. Dự án được trích từ nguồn vốn ngân sách Trung ương theo Chương trình mục tiêu phát triển văn hóa – thể thao với kinh phí 69 tỷ đồng, do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch làm chủ đầu tư.
Đến nay, ngoài ngôi nhà cao tầng mọc lên, còn xung quanh dự án vẫn đang được bao phủ bởi sự hoang hóa, nhếch nhác.

Qua tìm hiểu, được biết, đã nhiều năm, dự án phải tạm dừng, bỏ dở việc thi công, hoàn thiện do nhiều nguyên nhân. Và chính việc không tiếp tục hoàn thiện khiến công trình nhếc nhác, nhiều hạng mục có dấu hiệu xuống cấp, một số vật tư phụ kiện mới không được bảo quản, vứt chỏng chơ nay đã hư hỏng nghiêm trọng…

Dự án bảo tồn và phát huy dân ca Ví , Giặm đầu tư 69 tỷ đồng giai đoạn 1 đã 7 năm chưa xong, trông nhếch nhác

Trao đổi với phóng viên, Chủ tịch phường Trung Đô Trần Quảng Đại thông tin, không chỉ riêng dự án bảo tồn phát huy, trên địa bàn phường này còn có 2 dự án khác thuộc diện treo, chậm tiến độ đã và đang khiến Nhân dân, cử tri bức xúc, phản ánh, gửi đơn thư… Riêng dự án bảo tồn dân ca Ví, Giặm hiện vẫn còn vướng mắc trong đền bù cho 7 hộ dân. Do chưa thỏa thuận, thống nhất giá đền bù nên người dân chưa chấp nhận và có đơn thư kiến nghị.

“Phường đã làm việc với TP,  các cơ quan liên quan về dự án này, hiện cũng đã đề xuất một số nội dung kiến nghị như: việc đền bù sao cho hợp lý, rồi có phương án xử lý việc chậm tiến độ đối với các dự án trên địa bàn, tránh việc cử tri thường xuyên có ý kiến” – ông Trần Quảng Đại thông tin thêm.

Liên hệ làm việc với bà Trần Thị Mỹ Hạnh – Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Nghệ An, phóng viên được bà Hạnh giới thiệu làm việc với ông Phạm Ngọc Anh – Trưởng phòng Kế hoạch – Tài Chính. Qua trao đổi, ông Phạm Ngọc Anh thông tin rằng, dự án này có hai giai đoạn, hiện đã cơ bản xong giai đoạn 1 với chi phí đầu tư hơn 69 tỷ đồng. Còn giai đoạn 2 đang tính toán và trình xin tỉnh tiếp tục đầu tư để hoàn thiện. Về câu chuyện vẫn còn vướng mắc giải phóng mặt bằng, ông Phạm Ngọc Anh cho rằng, vấn đề này TP Vinh nắm còn bên Sở không nắm và dự án không chậm tiến độ vì cơ bản giai đoạn 1 đã xong, chỉ chờ phần kinh phí đầu tư giai đoạn 2 là sân vườn, cảnh quan, âm thanh, ánh sáng….hiện đang trình xin ngân sách đầu tư tiếp.

Vật tư phụ kiện vứt chỏng chơ nay đã hư hỏng

Nói về trách nhiệm trong câu chuyện này, ông Phạm Ngọc Anh cho rằng:  Sắp tới sẽ bàn giao và xác định đơn vị bảo quản.

Dự án bảo tồn và phát huy dân ca Ví, Giặm được đầu tư, triển khai xây dựng trong 7 năm qua nhưng đến nay vẫn còn ngổn ngang, nhếch nhác. Đã đến lúc tỉnh Nghệ An cần phải làm rõ trách nhiệm của những cá nhân, đơn vị liên quan, gây ảnh hưởng tới đời sống cũng như mỹ quan đô thị.

Cần mạnh tay chấm dứt dự án “treo”

Phải khẳng định rõ một điều là trong các dự án treo, chậm tiến độ được điểm danh gần đây tại Nghệ An đều là những dự án “đầu voi, đuôi chuột”. Doanh nghiệp, nhà đầu tư được giao đất kèm theo những “bánh vẽ” hết sức bài bản, tỉ mỉ và hoàng tráng, nhưng rồi trải qua năm tháng, lộ diện những điều bất ổn. Các dự án này đang gây lãng phí tài nguyên, khiến Nhân dân bất bình, chính quyền nhức đầu với đơn thư, khiếu nại, ý kiến cử tri… Không những vậy, những dự án này còn gây bất ổn cho đời sống, hoạt động xã hội, môi trường đầu tư…

Khách hàng treo băng rôn yêu cầu quyền lợi tại dự án Tòa nhà Lũng Lô

Mới đây câu chuyện tranh chấp liên quan tới dự án của Công ty xây dựng Lũng Lô hợp tác với Công ty cổ phần Arita theo hợp đồng hợp tác kinh doanh dự án Tòa nhà Lũng Lô tại số 33 đường Phan Bội Châu (TP Vinh) cũng khiến dư luận quan tâm.

Dự án này được xếp hạng chậm tiến độ nhiều năm, mới xong phần móng, nay chủ đầu tư bất ngờ rao bán, nhiều khách hàng, nhà đầu tư “nổi đóa” và như đang “ngồi trên đống lửa”. Hợp đồng đã ký nhưng khách hàng vẫn chưa được bàn giao sản phẩm. Hơn nữa, việc chuyển nhượng dự án sẽ ảnh hưởng quyền lợi khách hàng. Vậy nên xảy ra những tranh chấp, mất an ninh trật tự.

Điều đáng lưu ý, đó là dù dự án chưa được cơ quan chức năng chấp thuận việc ký kết hợp đồng, đặt cọc, mua bán… nhưng không hiểu sao vẫn được một sàn giao dịch bất động sản thực hiện các giao dịch như đặt chỗ thiện chí nhằm huy động tiền từ khách hàng. Để rồi khi dự án có biến động, chủ đầu tư rao bán dự án, Công ty Arita cũng không trúng thầu, khiến khách hàng lo sợ ảnh hưởng quyền lợi nên kéo tới trụ sở sàn bất động sản đòi quyền lợi.

“Dự án không thuộc diện quản lý nên thông tin dự án phía phường không rõ, tuy nhiên, qua nắm bắt tình hình thì có xảy ra việc tranh chấp, khách hàng treo băng rôn đòi quyền lợi gây mất an ninh trật tự. Chính quyền phường cũng đã chấn chỉnh. Có ít nhất trên 200 khách hàng đã có hợp đồng với bên chủ đầu tư thông qua sàn bất động sản Tâm Quê, hiện tại vẫn còn số đông khách hàng chưa thống nhất được việc thỏa thuận…”, ông Nguyễn Xuân Toàn – Chủ tịch phường Quán Bàu thông tin.

Dự án trại cam Nghi Ân là bãi hoang sau 10 năm và được vận dụng làm nơi sản xuất gạch nhưng chính quyền vẫn im lặng lâu nay

Nhắc lại câu chuyện “treo, chậm tiến độ”, phải nói đến dự án trại cam Nghi Ân (TP Vinh) cũng là một điển hình. Nói về dự án này, Chủ tịch xã Nghi Ân Chu Văn Mai thông tin, cử tri hiện rất bức xúc bởi trong khi quỹ đất sản xuất hạn chế thì một DN ôm 9 ha đất lại để hoang hóa, xây tường rào bao quanh, không phát huy tác dụng. “Hiện, xã cũng đã làm văn bản gửi TP Vinh, TP Vinh cũng đã có văn bản gửi UBND tỉnh Nghệ An đề xuất kiến nghị thu hồi dự án”, ông Chu Văn Mai cho biết.

Qua tìm hiểu, dự án trại cam Nghi Ân được tỉnh Nghệ An cấp phép theo Quyết định số 60/QĐ-UBND.ĐC. Quyết định nêu rõ, ngày 5/4/2013, UBND tỉnh cho Công ty TNHH MTV Cao su – Cà phê Nghệ An thuê lại khu đất 91.354 m2 tại xã Nghi Ân được thu hồi từ Công ty Rau quả 19/5 Nghệ An, với mục đích nhằm “Duy trì, bảo tồn và phát triển vườn cam”. Thời hạn thuê đất đến ngày 31/12/2050, giá thuê đất bình quân từ thời điểm năm 2013 là 85.000 đồng/m2, nộp tiền thuê đất hàng năm.

Đồng thời, yêu cầu Công ty TNHH MTV Cao su – Cà phê Nghệ An, sau thời hạn 12 tháng kể từ ngày được bàn giao đất tại thực địa, nếu không đưa đất được giao vào sử dụng hoặc tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án mà không được cơ quan có thẩm quyền cho phép thì UBND tỉnh Nghệ An sẽ thu hồi đất theo quy định của pháp luật.

Trong cuộc họp Hội đồng Nhân dân tỉnh Nghệ An mới đây, nhiều đại biểu  cũng đã nêu lên thực trạng các dự án treo, chậm tiến độ, dự án được gia hạn nhưng vẫn không thực hiện; cần xác định rõ trách nhiệm sở, ngành và chính quyền địa phương.

Đã đến lúc tỉnh Nghệ An phải kiên quyết chấm dứt các dự án “đầu voi, đuôi chuột”, không chỉ tạo nguồn thu cho ngân sách mà còn tạo đà phát triển kinh tế  địa phương.

Theo Hoàng Phạm/KTDT

Link gốc: https://kinhtedothi.vn/nghe-an-se-xu-ly-nhu-the-nao-voi-nhung-du-an-banh-ve.html