Nghệ An sẽ chuyển đổi nhiều trường TH và THCS ở miền núi thành trường PTDTBT

Dự kiến năm 2025, sẽ chuyển đổi 48 trường tiểu học, 9 trường THCS, đến năm 2030 sẽ tiếp tục chuyển đổi 11 trường TH, 2 trường THCS thành trường PTDTBT.

0

Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An có Quyết định số 3279/QĐ-UBND ngày 24/10 về việc phê duyệt Đề án “Phát triển giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn, giai đoạn 2022 – 2025, định hướng đến 2030”.

Theo đó, đề án này nêu lên thống kê về quy mô trường lớp vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh này tính đến năm 2021 – 2022. Cụ thể, có 672 trường học gồm: 227 trường mầm non, 230 trường tiểu học, 185 trường trung học cơ sở và 30 trường trung học phổ thông, với 872 điểm trường.

Có tổng số 9.814 lớp, nhóm lớp trong đó số lớp, nhóm lớp ngoài công lập là 74, giảm 230 lớp so với năm học 2015 – 2016. Tổng số học sinh là 295.247, trong đó mầm non là 72.222, tiểu học là 116.896, trung học cơ sở 71.339, trung học phổ thông là 34.790. Số học sinh ngoài công lập là 1.522, số học sinh dân tộc thiểu số có 126.071 em, chiếm 42,7 %, tăng 28.481 học sinh so với năm 2015 – 2016.

Nghệ An sẽ chuyển đổi nhiều trường tiểu học, trung học cơ sở ở miền núi thành trường phổ thông bán trú và nhân rộng mô hình trường phổ thông bán trú kiểu mới. Ảnh minh họa: Trung Dũng

Ngoài ra, theo thống kê trong đề án, tính đến thời điểm hiện nay đã có 8 trường phổ thông dân tộc nội trú, trong đó có 6 trường phổ thông dân tộc nội trú trung học cơ sở, 2 trường phổ thông dân tộc nội trú trung học phổ thông; có 57 trường phổ thông dân tộc bán trú và 55 trường phổ thông có học sinh bán trú với 1.734 lớp và 45.969 học sinh; có 24.061 em được thụ hưởng các chế độ chính sách theo Nghị định số 116/2016/NĐ-CP ngày 18/7/2016 của Chính phủ.

Về cơ sở vật chất, đề án cho biết, từ nguồn ngân sách nhà nước, các chương trình, dự án phát triển giáo dục, chương trình mục tiêu quốc gia về giáo dục và đào tạo, nguồn trái phiếu Chính phủ và các nguồn được huy động từ xã hội hóa, cơ sở vật chất, thiết bị trường học từng bước được đầu tư theo hướng kiên cố, chuẩn hóa từng bước đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục.

Tính đến thời điểm hiện nay, có 9.814 phòng học văn hóa, trong đó có 7.552 phòng học kiên cố (chiếm 76,95%), 1.540 phòng học bán kiên cố và 722 phòng học cấp 4, phòng tạm. Trong giai đoạn 2022 – 2025 cần xây mới và sửa chữa bổ sung 1.812 phòng học văn hóa, trong đó xây mới 995 phòng.

Khối phòng học bộ môn có 1.607 phòng, trong đó 1.045 phòng học kiên cố, 344 phòng học bán kiên cố và 218 phòng cấp 4, phòng tạm. Hiện đang thiếu 1.520 phòng học bộ môn theo quy định tại Thông tư 13/2020/TT-BGDĐT.

Khối phòng hỗ trợ học tập có 1.232 phòng, trong đó có 546 phòng kiên cố, 379 phòng bán kiên cố và 307 phòng cấp 4, phòng tạm. Hiện đang thiếu 763 phòng theo quy định tại Thông tư 13/2020/TT-BGDĐT.

Khối phòng phụ trợ có 1.876 phòng, trong đó có 761 phòng kiên cố, 663 phòng bán kiên cố và 452 phòng cấp 4, phòng tạm. Hiện còn thiếu 815 phòng theo quy định tại Thông tư 13/2020/TT-BGDĐT.

Bên cạnh đó, về cơ sở vật chất phục vụ cho công tác tổ chức nội trú, bán trú cho học sinh được đề án này cho biết, hiện có 1.045 phòng nội trú, bán trú, trong đó có 693 phòng kiên cố, 222 phòng bán kiên cố và 131 phòng cấp 4, phòng tạm. Hiện có 63 nhà ăn, bếp ăn, trong đó số nhà kiên cố có 14 nhà, kho chứa lương thực hiện có 45 kho, trong đó có 16 kho kiên cố. Có 10 công trình nước sạch, hiện chỉ sử dụng được 8 công trình, có 240 phòng vệ sinh, trong đó có 114 phòng được xây dựng kiên cố.

Nhu cầu xây mới (kể cả trường phổ thông có học sinh bán trú) là 1.258 phòng ở cho học sinh nội trú, bán trú học sinh; 107 nhà ăn, bếp ăn, 132 công trình nước sạch và 590 phòng vệ sinh.

Về đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục có tổng số 17.638 cán bộ quản lý, giáo viên tại các cơ sở giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Trong đó, số cán bộ quản lý, giáo viên có trình độ thạc sĩ trở lên là 692 người, đại học là 14.034 người, cao đẳng là 2.705 người và trung cấp là 207 người.

Tỷ lệ cán bộ quản lý, giáo viên có trình độ chuẩn đào tạo trở lên theo quy định tại Luật Giáo dục chiếm 81,51%, tăng 12% so với năm học 2015 – 2016, trong đó tỷ lệ cán bộ quản lý, giáo viên có trình độ đạt chuẩn đào tạo trở lên ở cấp trung học phổ thông chiếm 27,41%, trên chuẩn chiếm 0,39%; ở cấp trung học cơ sở đạt chuẩn đào tạo trở lên chiếm 96,9%, trên chuẩn chiếm 2,01%; cấp tiểu học đạt chuẩn đào tạo trở lên chiếm 76,35%, trên chuẩn 0,3%; cấp học mầm non đạt chuẩn đào tạo trở lên chiếm 96,65%, trên chuẩn chiếm 72,89%.

Qua đó, trong đề án này tỉnh Nghệ An đặt ra mục tiêu cụ thể đến năm 2025, với giáo dục mầm non sẽ quy hoạch mạng lưới trường lớp tinh gọn, đảm bảo huy động trên 20% trẻ em trong độ tuổi nhà trẻ, trên 95% trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo, trong đó 100% trẻ 5 tuổi đến trường.

Hàng năm, 100% trẻ em trong các cơ sở giáo dục được nuôi dưỡng, chăm sóc theo chương trình giáo dục mầm non phù hợp với điều kiện vùng miền và đặc điểm riêng của trẻ.

Đồng thời, đảm bảo đủ số lượng giáo viên theo quy định, ít nhất 98% nhà giáo đạt chuẩn về trình độ đào tạo, trong đó có 75% trên chuẩn. 100% nhóm, lớp có phòng học riêng, được trang bị đồ dùng, đồ chơi tối thiểu; 80% phòng học kiên cố, xóa 50% số phòng học tạm, mượn; phấn đấu từ 75% đến 78% trường học đạt chuẩn quốc gia.

Với giáo dục tiểu học, mục tiêu đáng chú ý đến 2025 được Nghệ An đặt ra là sẽ sắp xếp, sáp nhập những trường có quy mô nhỏ, giảm điểm trường lẻ và lớp ghép; chuyển đổi 48 trường tiểu học thành trường phổ thông dân tộc bán trú; xây dựng 13 trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học kiểu mới.

Ngoài ra, 100% học sinh được học thêm chương trình tăng cường tin học, ngoại ngữ, kỹ năng sống, giá trị sống; học sinh lớp 1, 2 được học ngoại ngữ 2 tiết/ tuần, tin học 1 tiết/ tuần; học sinh các lớp còn lại được học ngoại ngữ ít nhất 4 tiết/ 1 tuần, tin học ít nhất 2 tiết/ tuần. Ít nhất 5% học sinh lớp 5 đạt được các chứng chỉ năng lực ngoại ngữ quốc tế theo chuẩn đầu ra cấp học.

Với giáo dục trung học, đề án này cho biết, đến năm 2025 sẽ rà soát, sáp nhập những trường có quy mô nhỏ, điểm trường lẻ, những trường, chuyển đổi 9 trường trung học cơ sở thành trường phổ thông dân tộc bán trú; xây dựng 11 trường phổ thông dân tộc bán trú trung học cơ sở kiểu mới; các trường ở vùng có điều kiện kinh tế thuận lợi hơn áp dụng mô hình trường trọng điểm chất lượng cao; triển khai thí điểm trường phổ thông dân tộc bán trú trung học phổ thông ở huyện Kỳ Sơn, Quế Phong.

Trong tương lai, tất cả học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh Nghệ An sẽ được học tập trong các ngôi trường khang trang, đạt tiêu chuẩn. Ảnh: Trung Dũng

Với giáo dục thường xuyên, 100% đơn vị cấp huyện giữ vững phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3 và phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 2. Trên 98,2% số người từ 15 tuổi trở lên biết chữ, trong đó độ tuổi từ 15 đến 35 tuổi biết chữ là 99%.

Định hướng đến 2030, huy động ít nhất 27% trẻ nhà trẻ, 98% trẻ mẫu giáo đến trường. 100% trẻ em trong các cơ sở giáo dục mầm non được tăng cường tiếng Việt trên cơ sở tiếng mẹ đẻ phù hợp độ tuổi.

Đồng thời, tiếp tục rà soát, sắp xếp quy mô trường lớp; chuyển đổi 11 trường tiểu học và 2 trường trung học cơ sở thành trường phổ thông dân tộc bán trú. Nhân rộng mô hình trường phổ thông dân tộc bán trú kiểu mới, trường phổ thông dân tộc bán trú trung học phổ thông và trường trọng điểm chất lượng cao.

Ngoài ra, có 90% số phòng học, phòng học bộ môn được xây dựng kiên cố; xóa 100% phòng học tạm, mượn ở cấp mầm non; 100% nhóm, lớp mầm non có đủ trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi theo quy định; 20% số trường phổ thông được trang bị phòng học thông minh; 100% số trường phổ thông triển khai giáo dục STEM ở các cấp độ, trong đó 20% số trường trung học được trang bị thiết bị và chuyển giao công nghệ để đẩy nhanh giáo dục STEM; 80% số trường học đạt chuẩn quốc gia.

Theo Trung Dũng

Link gốc: https://giaoduc.net.vn/nghe-an-se-chuyen-doi-nhieu-truong-th-va-thcs-o-mien-nui-thanh-truong-ptdtbt-post230705.gd