Nghệ An: Phấn đấu thu ngân sách vượt mốc 20.000 tỷ đồng năm 2024

Thu ngân sách của tỉnh Nghệ An cả năm 2023 là 21.275 tỷ đồng. Năm 2024, ngành Tài chính quyết tâm hoàn thành vượt mức thu ngân sách đã đạt được trong năm 2023.

Kinh tế Nghệ An duy trì được đà tăng trưởng 7,14%

Sáng 8/1, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức Hội nghị trực tuyến với các huyện, thành, thị tổng kết công tác tài chính – ngân sách năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024.

Năm 2023 trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế và một số nguồn thu bị giảm do Chính phủ triển khai một số chính sách miễn, giảm, gia hạn nộp thuế, nhưng ngành Tài chính Nghệ An đã có nhiều nỗ lực, cố gắng để hoàn thành nhiệm vụ đề ra.

Thu ngân sách của tỉnh năm 2023 là 21.275 tỷ đồng, đạt 134,2% dự toán HĐND tỉnh giao; trong đó thu nội địa là 19.980 tỷ đồng, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu là 1,277 tỷ đồng, thu từ viện trợ là 16,9 tỷ đồng.

Tổng thu ngân sách khối huyện trên địa bàn tỉnh là 11.654 tỷ đồng, đạt 194% so với dự toán HĐND tỉnh giao; có 18/21 huyện, thành thị vượt 100% dự toán HĐND tỉnh giao.

Tính đến ngày 31/12/2023, Nghệ An đã giải ngân gần 7.518 tỷ đồng/kế hoạch 9.033 tỷ, đạt 83,2% tổng kế hoạch đầu tư công năm 2023, cao hơn so với cùng kỳ năm 2022; trong đó, vốn đầu tư công tập trung giải ngân được 4.422 tỷ đồng/kế hoạch 5.583 tỷ đồng, đạt 79,2%.

Với nỗ lực cao, năm qua, Nghệ An đạt được nhiều kết quả nổi bật. Kinh tế duy trì được đà tăng trưởng khá (7,14%), cao hơn tốc độ tăng trưởng cả nước (5,05%).

Nghệ An đứng trong Top 10 địa phương thu hút đầu tư FDI lớn nhất cả nước.

Đặc biệt, năm thứ 2 liên tiếp, Nghệ An đứng trong Top

10 địa phương thu hút đầu tư FDI lớn nhất cả nước, với hơn 1,6 tỷ USD (xếp 8/63 tỉnh, thành phố). Tổng kim ngạch xuất khẩu lần đầu tiên vượt mốc 3 tỷ USD, đạt 3,11 tỷ USD, tăng 22,6% so với cùng kỳ.

Lũy kế toàn tỉnh Nghệ An đã thu hút được hơn 130 dự án đầu tư FDI đến từ 14 quốc gia/vùng lãnh thổ với tổng vốn đăng ký đầu tư đạt hơn 4 tỷ USD. Tính chung cả giai đoạn 5 năm, từ năm 2019 đến nay, vốn FDI của Nghệ An đạt khoảng 3,4 tỷ USD; chiếm 85% tổng vốn FDI đăng ký đầu tư từ trước đến nay.

Nghệ An đã thu hút thành công được nhiều tập đoàn lớn của thế giới tham gia vào chuỗi cung ứng sản xuất công nghệ điện tử, năng lượng xanh như: Luxshare – ICT, Goertek, Everwin, JuTeng, Foxconn, Runergy, Shangdong, Sunny…, bước đầu hình thành những ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh như: công nghệ, điện tử, năng lượng, thép, sản xuất linh kiện ôtô,…

Nỗ lực để thu ngân sách vượt mốc 20.000 tỷ đồng

Ông Bùi Thanh An, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho biết, mặc dù dự toán năm 2024 đề ra gần 16.000 tỷ đồng nhưng ngành Tài chính tỉnh cố gắng, quyết tâm cao nhất để hoàn thành vượt mức thu ngân sách 21.000 tỷ đã đạt được trong năm 2023.

Trước đó, HĐND tỉnh Nghệ An vừa ban hành Nghị quyết số 68/2023 quyết nghị về dự toán tổng thu ngân sách Nhà nước và dự toán chi ngân sách trên địa bàn năm 2024.

Theo đó, Nghị quyết số 68/2023/NQ-HĐND ngày 7/12/2023, Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An đã quyết nghị dự toán tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn năm 2024 là 15.903,5 tỷ đồng. Trong đó, thu từ nội địa là 14.532 tỷ đồng và thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu 1.300 tỷ đồng, thu viện trợ 21,515 tỷ đồng, thu từ nguồn huy động, tài trợ quy hoạch là 50 tỷ đồng.

HĐND tỉnh Nghệ An cũng quyết nghị tổng chi ngân sách địa phương năm 2024 là 36.090,5 tỷ đồng; bội chi ngân sách địa phương là 24,3 tỷ đồng; vay trong năm là 303 tỷ đồng; chi trả nợ gốc 60,7 tỷ đồng; còn lại là kế hoạch hoạt động các quỹ tài chính ngoài ngân sách.

Bản đồ định hướng phát triển không gian đô thị Tp.Vinh.

Trên cơ sở đánh giá yêu cầu nhiệm vụ tài chính – ngân sách tỉnh năm 2024, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã đề nghị ngành Tài chính thực hiện tốt 3 nhóm giải pháp: Chủ động, sáng tạo và quyết liệt trong điều hành ngân sách, xây dựng kế hoạch, đề ra tiến độ cụ thể để khắc phục nợ thuế và thất thu thuế trong một số lĩnh vực; tiếp tục rà soát các cơ chế, chính sách, các đề án để tham mưu cho tỉnh điều chỉnh, giãn hoãn thuế phù hợp; thực hiện nghiêm các quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí…

Năm 2024 là năm thứ 4 thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021-2025. Năm 2024 cũng là năm bản lề, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, trong đó có Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX.

UBND tỉnh đặt ra mục tiêu tổng quát là tiếp tục đẩy nhanh việc triển khai thực hiện các chương trình hành động thực hiện Đại hội Đảng các cấp để phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra, nhất là các chỉ tiêu còn đạt thấp.

Triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị, nhất là các chương trình, đề án, dự án đã được cụ thể hóa trong các chương trình hành động, hoàn thành đề xuất để trình Quốc hội ban hành nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An.

Phát triển đô thị trọng tâm là Tp.Vinh và vùng phụ cận để tạo động lực phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Nghệ An.

Tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn, khó khăn, vướng mắc trong đầu tư, sản xuất kinh doanh để thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế; phát triển kết cấu hạ tầng trọng điểm; thực hiện quyết liệt, hiệu quả hơn nữa trong công tác giải ngân vốn đầu tư công và triển khai hiệu quả 3 chương trình mục tiêu quốc gia.

Trong kế hoạch, năm 2024, UBND tỉnh Nghệ An đề ra 28 chỉ tiêu chủ yếu để phấn đấu. Về chỉ tiêu kinh tế: Tốc độ tăng trưởng giá trị tổng sản phẩm (GRDP) 9-10%; Cơ cấu kinh tế: Nông, lâm, ngư nghiệp khoảng 21-22%; Công nghiệp và xây dựng khoảng 35-36%; Dịch vụ khoảng 42-43%.

Tác giả: Nguyễn Anh Ngọc

Nguồn: nguoiduatin.vn